Dấu ấn đậm nét Chương trình 135 ở Lâm Ðồng

08:05, 16/05/2019

Giai đoạn III của Chương trình 135 (được chia làm hai giai đoạn từ 2011 đến 2015 và 2016 đến 2020) có nhiều thay đổi so với hai giai đoạn trước, bởi chính sách đầu tư được thiết kế hướng trực tiếp tới người dân thụ hưởng mà chương trình mang lại. 

Giai đoạn III của Chương trình 135 (được chia làm hai giai đoạn từ 2011 đến 2015 và 2016 đến 2020) có nhiều thay đổi so với hai giai đoạn trước, bởi chính sách đầu tư được thiết kế hướng trực tiếp tới người dân thụ hưởng mà chương trình mang lại. 
 
Không chỉ bao gồm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mà còn tập trung vào giảm nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, giảm chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong cả nước. Tại Lâm Đồng, Chương trình (CT) 135 thực sự đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong việc đổi thay của những vùng quê nghèo.
 
Có thể khẳng định rằng, với sự tập trung của rất nhiều nguồn lực, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, CT 135 trong những năm gần đây (rõ nét nhất là trong 3 năm vừa qua) đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.
 
Hiệu quả của các chính sách đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đã thực sự làm thay đổi diện mạo của nông thôn Lâm Đồng. Minh chứng rõ nét nhất đó là thu nhập bình quân đầu người của tỉnh từ 52,5 triệu đồng trong năm 2016 đã đạt được con số ấn tượng là gần 60 triệu đồng tính đến hết năm 2018. Thu nhập ổn định cũng đã giúp cho đời sống tinh thần của người nghèo ngày càng được cải thiện, phần lớn bà con người đồng bào dân tộc thiểu số đã chịu khó làm ăn, hạn chế tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
 
Cả tỉnh hiện nay không còn hộ đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều từ 6,56% (đầu năm 2016) đã giảm sâu xuống còn 2,85% tính đến cuối năm 2018. Việc giảm nghèo nhanh và bền vững cũng đã giúp cho các địa phương tự tạo ra nguồn lực, không còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, điển hình như trong năm 2016 cả tỉnh còn 32 xã thuộc diện đầu tư của CT 135, đến năm 2018 chỉ còn 11 xã.
 
Đặc biệt hơn cả, dấu ấn của CT 135 còn trực tiếp làm thay đổi nhận thức trong sản xuất, canh tác của đối tượng được hưởng lợi, cụ thể là người đồng bào dân tộc thiểu số. Rõ nét là việc chuyển từ tập quán canh tác lạc hậu sang đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác. Sản xuất nông nghiệp cũng được chuyển theo hướng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Trong 3 năm gần đây, từ nguồn vốn gần 165 tỷ đồng do ngân sách Trung ương đầu tư để thực hiện chương trình lồng ghép với các nguồn vốn khác và Nhân dân đóng góp, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới khoảng 325 công trình, trong đó có 254 công trình đường giao thông nông thôn, 8 công trình nước sạch, 62 công trình nhà văn hóa cộng đồng, cũng như duy tu, bảo dưỡng trên 30 công trình khác phục vụ hiệu quả cho đời sống người dân.
 
Không bị thụ động trong việc trông chờ các nguồn lực của Chính phủ, Lâm Đồng còn linh hoạt sử dụng ngân sách của địa phương, áp dụng theo cơ chế của Trung ương để có thể giúp cho các địa phương đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển đồng bộ, trên nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau.
 
Tiêu biểu như, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định về hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS theo học tại các trường công lập từ trung học chuyên nghiệp trở lên trong và ngoài tỉnh. Mức hỗ trợ 200.000 đồng/tháng/học sinh (10 tháng/năm) và tiền tàu xe (trong dịp Tết Nguyên đán và nghỉ hè). 
 
Hàng năm, nguồn ngân sách này cũng đã chi trên 12 tỷ đồng/năm để trợ giá các loại giống cây trồng, giảm bớt thêm gánh nặng cho người dân nghèo trong tỉnh có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp.
 
Ngoài huyện Đam Rông được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỉnh cũng đã vận dụng theo cơ chế này để mở rộng địa bàn triển khai Nghị quyết ra cho 29 xã và 79 thôn nghèo trong tỉnh được hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh. Đồng thời, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với hộ nghèo và cận nghèo ở các xã cho phù hợp với nhu cầu người dân; cân đối ngân sách địa phương đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ các xã nghèo, thôn nghèo.
 
Ông Bon Yô Soan - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cơ quan thường trực thực hiện  CT 135 cho biết: “Nguồn vốn đầu tư của chương trình dành cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số trong một số chính sách, dự án còn dàn trải, chưa tập trung, định mức phân bổ không ổn định. Mặt khác, nguồn thu ngân sách của địa phương còn khó khăn, hàng năm nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương trong khi nhu cầu cho CT 135 trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, một số dự án kéo dài hơn 2 năm so với quy định do chưa được bố trí vốn, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Tuy nhiên, với những gì đã làm được, CT 135 đã thực sự để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, thay đổi trực tiếp đến đời sống của người nghèo ở Lâm Đồng”.
 
ÐĂNG LỘ