Dự thảo Luật Kiến trúc được quan tâm, góp ý nhiều vấn đề

07:05, 20/05/2019

Luật Kiến trúc (dự thảo) quy định về hoạt động kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Tuy nhiên, vừa qua rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Nhân dân quan tâm góp ý nhằm hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực kiến trúc để phù hợp thực tiễn. 

Luật Kiến trúc (dự thảo) quy định về hoạt động kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Tuy nhiên, vừa qua rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Nhân dân quan tâm góp ý nhằm hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực kiến trúc để phù hợp thực tiễn. 
 
Đa số các đại biểu, các nhà khoa học, kiến trúc sư đều thống nhất với việc ban hành Luật Kiến trúc để quy định về hoạt động kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc cũng như tạo khuôn khổ pháp lý, nhằm phát huy vai trò, vị trí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý và hoạt động trên lĩnh vực này. Các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng tán thành phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật trình Quốc hội; theo đó, Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Một số ý kiến đề nghị cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Kiến trúc gồm cả quản lý phát triển kiến trúc, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc dân tộc Việt Nam. Một số ý kiến khác còn cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật Kiến trúc chỉ nên tập trung vào nội dung hành nghề kiến trúc.
 
Về việc sửa các quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị trong dự thảo Luật Kiến trúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những nội dung sửa đổi, bổ sung này liên quan trực tiếp đến hoạt động kiến trúc, nhằm tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững, bảo đảm xây dựng công trình kiến trúc đúng quy hoạch, tuân thủ trật tự xây dựng. Vì vậy, để triển khai thi hành Luật Kiến trúc đồng bộ, khả thi và hiệu quả thì việc sửa các quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị trong dự thảo Luật Kiến trúc là cần thiết và phù hợp. 
 
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, mỗi thành phố, thị xã, thị trấn đều ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cho toàn bộ đô thị do mình quản lý. Nội dung của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị bao hàm không chỉ về kiến trúc mà còn cả việc tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị là những nội dung đã được điều chỉnh trong các quy định khác của Luật Quy hoạch đô thị. Do đó, để bảo đảm rành mạch về các công cụ quản lý nhà nước trong hoạt động kiến trúc, tạo sự thống nhất, đồng bộ và khả thi trong các quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị và kiến trúc, Dự thảo Luật đã bãi bỏ Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị trong Luật Quy hoạch đô thị (Điều 60), đồng thời thay thế Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị bằng Quy chế quản lý kiến trúc tại một số điều, khoản cụ thể.
 
Ông Bùi Thanh Long - Thành viên Tổ tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Về Điều 15 quy định điều chỉnh Quy chế quản lý kiến trúc, trong Điều này đã quy định rõ về việc xem xét, tổ chức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc theo định kỳ 5 năm (Khoản 1); Điều kiện điều chỉnh Quy chế quản lý kiến trúc (Khoản 2); Nguyên tắc điều chỉnh Quy chế quản lý kiến trúc (Khoản 3) và cơ quan quyết định việc điều chỉnh Quy chế quản lý kiến trúc (Khoản 4) cũng nên có các khoản quy định luôn việc điều chỉnh Quy chế quản lý kiến trúc chứ không nên chờ phải có quy định của Chính phủ về việc này... Về Điều 11, yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn và kiến trúc khu chức năng, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và bản sắc văn hóa” vào Điểm e Khoản 1 thành “Kiến trúc công trình tượng đài, điêu khắc, phù điêu, đài phun nước, trang trí đô thị phải được thiết kế phù hợp với cảnh quan và bản sắc văn hóa, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thẩm mỹ nơi công cộng;” và cũng để thống nhất với Điểm b Khoản 2 là “Phù hợp điều kiện khí hậu; sử dụng kỹ thuật xây dựng mới kết hợp vật liệu địa phương; khuyến khích kế thừa giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc;”.
 
NGUYỆT THU