Là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Ðồng luôn chú trọng tới công tác giám sát và phản biện xã hội vì quyền lợi của Nhân dân. Theo đó, trong 5 năm qua, MTTQ tỉnh đã ghi dấu ấn quan trọng trong đời sống với nhiều kết quả nổi bật, luôn đồng hành bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Nhân dân.
Là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) tỉnh Lâm Ðồng luôn chú trọng tới công tác giám sát và phản biện xã hội vì quyền lợi của Nhân dân. Theo đó, trong 5 năm qua, MTTQ tỉnh đã ghi dấu ấn quan trọng trong đời sống với nhiều kết quả nổi bật, luôn đồng hành bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Nhân dân.
|
MTTQ và các thành viên luôn chú trọng giám sát về những vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm, nhằm đảm bảo quyền lợi thiết thực cho Nhân dân. Ảnh: N.T |
Sau 5 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Trung ương, công tác giám sát của MTTQ Việt Nam đã dần đi vào nền nếp. Với quan điểm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, đến nay việc thực hiện các chương trình giám sát đã đi vào thực chất, hiệu quả. Thông qua việc tập trung lựa chọn những vấn đề Nhân dân đang quan tâm, bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, MTTQ tỉnh đã xác định được các hình thức giám sát phù hợp để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Nhìn chung, nhiều ý kiến kiến nghị sau giám sát được các cơ quan chức năng tiếp thu và phản hồi, góp phần tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần giúp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, phức tạp, đồng thời lắng nghe ý kiến của Nhân dân tốt hơn.
Việc thực hiện các chương trình giám sát được thực hiện theo đúng hướng dẫn về quy trình giám sát, có sự thống nhất giữa các thành viên của Mặt trận và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các nội dung giám sát. Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hoàng Thị Khiêm cho rằng: Thời gian qua, MTTQ đã chủ động phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy trong công tác tham mưu cấp ủy ban hành các văn bản chỉ đạo về tổ chức triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Trung ương. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng và ban hành “Quy trình tổ chức thực hiện giám sát của MTTQ cấp cơ sở” nhằm giúp MTTQ xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được quy định; “Quy định trách nhiệm góp ý và tiếp thu góp ý xây dựng chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” và chỉ đạo cấp ủy các địa phương, cơ sở tổ chức thực hiện.
Trong 5 năm (2014-2018), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì 11 cuộc giám sát; phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức giám sát được 69 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề như: Thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công thông qua tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất tại các xã nghèo theo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2015; Thực hiện một số Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật của UBND tỉnh đối với UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Việc huy động, quản lý, sử dụng vốn trong xây dựng nông thôn mới; Thực hiện giám sát liên thông (cấp tỉnh, huyện và xã) đối với lĩnh vực du lịch sinh thái kết hợp quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2005 - 2015; giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, giai đoạn 2015 - 2018 trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức giám sát được 118 cuộc, tập trung vào các lĩnh vực như: xây dựng nông thôn mới; bình xét hộ nghèo; thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công...
Tại cấp huyện, có thể kể đến điển hình như huyện Lâm Hà đã tổ chức giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét 102 văn bản. Tổ chức 8 đoàn giám sát đều liên quan đến quyền và lợi ích, bức xúc chính đáng của Nhân dân như: thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; giám sát dịch vụ chi trả môi trường rừng và Dự án hỗ trợ phát triển rừng; việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; việc bảo vệ môi trường; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát dự án du lịch sinh thái kết hợp với quản lý, bảo vệ rừng...; đồng thời, tổ chức 3 cuộc khảo sát trước khi tiến hành giám sát. MTTQ cấp xã trong huyện cũng đã tổ chức thành lập 15 đoàn giám sát trực tiếp và 1.170 cuộc thông qua hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, thu hồi trên 238 triệu đồng. Thông qua Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, đã giám sát 671 công trình xây dựng, phát hiện và kiến nghị 199 ý kiến, đa số các kiến nghị đã được tiếp thu giải quyết. Tham gia giám sát với HĐND, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp huyện 21 cuộc và cấp xã tham gia 285 cuộc.
Có thể khẳng định rằng, Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành, ra đời là “rất trúng”, “rất đúng”, phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn, nhằm phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong những năm qua và những năm sắp tới.
NGUYỆT THU