Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở

08:05, 09/05/2019

Thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 3/11/2009 về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCHTW Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, 10 năm qua, Lâm Đồng bên cạnh chăm lo phát triển KT-XH, đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở (HTCTƠCS). 

Thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 3/11/2009 về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCHTW Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, 10 năm qua, Lâm Đồng bên cạnh chăm lo phát triển KT-XH, đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở (HTCTƠCS). 
 
Thời gian qua, Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết, xây dựng kế hoạch nhằm “Đổi mới và nâng cao chất lượng HTCTƠCS xã, phường, thị trấn”, thực hiện Đề án “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2002-2010”, trọng tâm là xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở...
 
Hiện Lâm Đồng có 1.585 thôn, tổ dân phố (tăng 973 thôn, tổ dân phố so với năm 2002); năm 2007 có 1.487 chi bộ. Được quan tâm nên HTCTƠCS trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được củng cố; chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) ở thôn, buôn nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 4.480 đảng viên là đồng bào DTTS; có 98.146 đoàn viên, hội viên thuộc MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp là người DTTS. Tỉnh quan tâm lựa chọn, bồi dưỡng và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín và nhân sĩ, trí thức; đã xây dựng được 489 người có uy tín cốt cán trong vùng đồng bào DTTS. 
 
Nhìn chung, các tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở đã nhận thức, xác định rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ và các mối quan hệ giữa các tổ chức trong HTCTƠCS; trong đó, tổ chức đảng là hạt nhân lãnh đạo chính trị đối với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Các đảng bộ xã, phường, thị trấn quán triệt, thực hiện tốt quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc ở cơ sở. Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém gắn với xây dựng, củng cố HTCTƠCS có sự chuyển biến tích cực; nội dung, phương thức hoạt động của HTCTƠCS có sự đổi mới và nâng cao chất lượng. Nhiều nơi đã bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc và Quy chế phối hợp giữa tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể. Hoạt động của HĐND và UBND xã, phường, thị trấn có chuyển biến. Bộ máy chính quyền cơ sở bước đầu phát huy hiệu quả trong việc quản lý, điều hành theo pháp luật. Việc lãnh đạo xây dựng, thực hiện Quy chế Quy chế dân chủ ở cơ sở (DCƠCS) được đẩy mạnh và từng bước đi vào nề nếp. Chú trọng công tác phát triển đảng viên, từ 2002 đến nay, các xã, phường, thị trấn kết nạp 4.161 đảng viên mới, nâng 37 chi bộ xã thành đảng bộ cơ sở; thành lập mới 672 chi bộ thôn, tổ dân phố; xóa 92 thôn, tổ dân phố chưa có đảng viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, phường, thị trấn và các thôn, tổ dân phố được tập trung chỉ đạo. Cũng từ 2002 đến nay, đã đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (trung và cao cấp) cho 2.128 cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; có 14.324 lượt cán bộ chuyên trách, công chức cơ sở và những người không chuyên trách ở cơ sở được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ... Qua đó, HTCTƠCS có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng TCCSĐ nâng cao, thực hiện tốt Quy chế DCƠCS, đưa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tiếp tục đi vào cuộc sống, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, dân sinh, dân chủ ở cơ sở. Cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên tổ chức có hiệu quả việc đối thoại với nhân dân. Cán bộ chủ chốt ở cơ sở sát dân, có trách nhiệm với dân, góp phần củng cố lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân với Đảng, Nhà nước. 
 
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HTCTƠCS nhằm thực hiện tốt việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và các địa phương cần khắc phục tốt những mặt hạn chế như: Công tác dân vận chính quyền có sự chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Quy chế DCƠCS còn nhiều bất cập. Hệ thống chính trị ở cơ sở chưa thật sự vững mạnh toàn diện. Năng lực, sức chiến đấu của một số TCCSĐ yếu, nhất là việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng ở địa phương. Chất lượng hoạt động của HĐND huyện, xã còn hạn chế. Việc quản lý điều hành của chính quyền cơ sở theo pháp luật còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở tuy đã có chuyển biến, nhưng nhìn chung chưa hiệu quả, chưa nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên...
                                                         
LAN HỒ