Mười năm thực hiện Cương lĩnh 2011 của Ðảng

07:05, 03/05/2019

Sau gần 10 năm thực hiện ""Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) của Ðảng - gọi tắt là Cương lĩnh 2011 và ""Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020"" đã đưa Lâm Ðồng trở thành "địa phương phát triển hàng đầu khu vực Tây Nguyên"".

Sau gần 10 năm thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) của Ðảng - gọi tắt là Cương lĩnh 2011 và “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020” đã đưa Lâm Ðồng trở thành “địa phương phát triển hàng đầu khu vực Tây Nguyên”.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm vườn rau CNC tại Công ty TNHH Phong Thúy. Ảnh: V.Báu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm vườn rau CNC tại Công ty TNHH Phong Thúy. Ảnh: V.Báu
 
Với nhận thức Cương lĩnh 2011 chính là đường lối chung nhất của Đảng, phản ánh mục tiêu, con đường và những định hướng lớn để thực hiện tốt nhất lợi ích cao cả, thiêng liêng của dân tộc và đất nước nên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Lâm Đồng khẳng định rõ tầm quan trọng của Cương lĩnh 2011 trong quá trình tiến hành. Từ đó, Lâm Đồng xác định “giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội làm nền tảng để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên”.
 
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, song với sự nỗ lực lãnh đạo và có nhiều sáng tạo của Đảng bộ tỉnh, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, các đoàn thể trong thực hiện và sự đồng thuận của Nhân dân, Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên cách lĩnh vực khác nhau. Đó là kinh tế duy trì mức tăng trưởng cao; văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển, an sinh xã hội đảm bảo; các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy; đời sống Nhân dân ngày càng nâng cao… góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. 
 
Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2015, Lâm Đồng có tốc độ phát triển kinh tế bình quân trong 5 năm trên 14% (theo giá so sánh 1994) và trong 3 năm (2016 - 2018) mức tăng trưởng đạt 8,23% (theo giá so sánh 2010). Tính đến cuối năm 2018, cơ cấu kinh tế của Lâm Đồng bao gồm: khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ lệ 45,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ 17,8% và khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ 36,5%. 
 
Nếu như năm 2010, GRDP của tỉnh Lâm Ðồng chỉ bằng 1,27% GRDP của cả nước, thì đến cuối năm 2017 đã tăng lên bằng 1,42% và GRDP bình quân đầu người từ 91,4% mức bình quân chung cả nước tăng lên 102,2% (cũng tính  ở hai mốc thời điểm nêu trên). Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 cao hơn bình quân chung của cả nước thì đến năm 2017 giảm xuống còn 3,91%, trong khi của cả nước là 6,9% và trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo Lâm Ðồng giảm xuống còn 2,85%, trong khi hộ nghèo cả nước là 5,35%. 
 
Cũng theo đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng, qua gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, tại báo cáo đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ chỉ ra có 13/19 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đề ra đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết và 6 chỉ tiêu, 4 hợp phần chỉ tiêu cần phải phấn đấu để đạt Nghị quyết đề ra. Riêng 2018, tổng kết của Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho thấy, có tới 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt kế hoạch, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.    
 
Từ những kết quả nêu trên có thể nhận định rằng: Quy mô, tính chất nền kinh tế tăng đáng kể. Các ngành, lĩnh vực thế mạnh tiếp tục khẳng định ưu thế. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi đầu cả nước. Du lịch, dịch vụ tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng để trở thành ngành kinh tế động lực. Công nghiệp phát triển theo hướng chọn lọc, tập trung vào những ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh… Về mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện” cũng đạt nhiều thành tựu mới. Theo đó, quy mô giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được mở rộng, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 386/693 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 60,4% và dự kiến đến năm 2020 đạt từ 75 - 80% trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và hiện có tới 96% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, vượt trước thời hạn so với kế hoạch. Ngoài ra, Lâm Đồng còn thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng phục vụ sản xuất và đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được Lâm Đồng quan tâm, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo. Đặc biệt, Lâm Đồng đã thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết trong 43 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được tăng cường và có nhiều chuyển biến…
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh ủy cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong quá trình thực hiện Cương lĩnh 2011 cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X, đó là: Việc phát triển kinh tế chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của địa phương. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa đủ mạnh…Với việc chỉ ra các mặt hạn chế cũng chính là tìm kiếm giải pháp khắc phục để đưa Lâm Đồng tiếp tục phát triển bền vững. 
 
XUÂN TRUNG