Một cuốn sách quý về công tác phòng, chống tham nhũng

08:05, 06/05/2019

Sau cuốn sách "Vững tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, khó khăn nào cũng vượt qua" (NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, phát hành năm 2018), cán bộ, đảng viên chúng ta tiếp tục được nghiên cứu tác phẩm "Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 4 năm 2019. 

Sau cuốn sách “Vững tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, khó khăn nào cũng vượt qua” (NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, phát hành năm 2018), cán bộ, đảng viên chúng ta tiếp tục được nghiên cứu tác phẩm “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 4 năm 2019. 
 
Cuốn sách dày 380 trang, gồm 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, được sắp xếp làm hai phần: Phần thứ nhất là một số bài phát biểu, bài viết và trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng. Phần thứ hai: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại một số phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Có thể thấy rằng, văn phong, ngôn ngữ trong các bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư thật giản dị, dễ hiểu, dễ thấm, thể hiện nỗi trăn trở của người đứng đầu với Đảng, quốc gia, dân tộc và cũng giàu tính lý luận, thấm đẫm thực tiễn.
 
Phát biểu với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Bí thư căn dặn “Mỗi cán bộ làm công tác kiểm tra phải có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực, và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được người khác, không kỷ luật được người khác. Cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng phải là những “Bao Công” của thời nay, phải là những người cộng sản chân chính vừa có dũng khí đấu tranh, vừa có lòng nhân ái và nhiều khi phải chịu đựng hi sinh về quyền lợi cá nhân nữa”. Chỉ đạo công tác kiểm tra, Tổng Bí thư cũng rất sâu sát “Trong quá trình kiểm tra, giám sát cần chú ý khâu phát hiện, phát giác ban đầu; qua kiểm tra, thanh tra mà phát hiện; qua báo chí, công luận; qua tố giác của Nhân dân mà chủ động tổ chức kiểm tra. Phải rất nhạy bén, tinh ý, đừng vô cảm… tránh tình trạng “trông chờ, nghe ngóng”. 
 
Làm việc với Ban Nội chính Trung ương, cơ quan tham mưu trực tiếp cho Đảng về công tác nội chính, được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2013, Tổng Bí thư khẳng định: “Ban Nội chính Trung ương là tai mắt của Đảng, là bộ óc của Đảng về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng… Ban Nội chính phải gác gôn cho Đảng. Không cho phép ai làm trái Cương lĩnh của Đảng”. 
 
Đối với lực lượng Công an Nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sự an toàn cho cuộc sống của Nhân dân, Tổng Bí thư cũng dành rất nhiều tình cảm “Hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý “Vì nước quên thân, vì Dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. 
 
Tổng Bí thư cũng dành nhiều sự quan tâm theo dõi, lãnh chỉ đạo đối với các ngành Kiểm sát và Tòa án, yêu cầu cán bộ, đảng viên của các cơ quan này phải thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư . “Người cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, khách quan; phải rèn cho mình phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, khiêm tốn mới đủ tỉnh táo để nhận thức chân lý đúng đắn”. “Mỗi bản án phải làm sao để thực sự “tâm phục, khẩu phục”, khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội. Mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và lợi ích, thậm chí cả tính mạng của người dân”. 
 
Nói về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư cho rằng “Chức vụ càng cao thì trách nhiệm nêu gương càng lớn. Việc nêu gương tưởng như mơ hồ, trừu tượng, nhưng nó được soi chiếu rất cụ thể vào mỗi cán bộ, đảng viên, trong mối quan hệ với người thân, gia đình; trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...”. 
 
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương Ðảng chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Ðảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. 
 
Trong bài trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, Tổng Bí thư đánh giá: “Có thể thấy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, mang lại kết quả rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, đây không chỉ là một “cao trào”, càng không thể “chững lại”. Bởi đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt” và “Hình phạt mà các tòa án quyết định đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là sự cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực và tùy tiện, vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và Nhân dân”.
 
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 5/5/2014, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Bố trí những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, có năng lực chuyên môn, có dũng khí và bản lĩnh, dám đương đầu để làm tốt công tác chống tham nhũng”. Đồng thời, yêu cầu “Mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng tràm rồi thì sớm tự giác gột rửa”. 
 
Những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” thực sự là những chỉ đạo, định hướng quý báu về công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng sẽ góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, là tiền đề để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc sự trường tồn của dân tộc Việt Nam như khẳng định của Tổng Bí thư trong bài viết “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn” nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2019): “Một Đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân ủng hộ thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”.
 
TRẦN TRUNG HIẾU - Phó Bí thư Ðảng ủy Khối CCQ tỉnh