Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân qua phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

08:05, 31/05/2019

Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 57 của Bộ Chính trị (khóa X) và 16 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương Ðảng (khóa IX) về "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng ngày càng được nâng cao...

Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 57 của Bộ Chính trị (khóa X) và 16 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương Ðảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng ngày càng được nâng cao. Ðây cũng là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định giúp Lâm Ðồng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con là một trong những nhiệm vụ nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: H.My
Chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con là một trong những nhiệm vụ nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: H.My
 
Dân số Lâm Đồng hiện có khoảng 1,2 triệu người. Theo số liệu thống kê từ Ban Dân vận Tỉnh ủy, hiện nay cán bộ, công nhân, viên chức Lâm Đồng chiếm trên 5% dân số; nông dân chiếm trên 60%; đội ngũ trí thức chiếm hơn 3% dân số. Đặc biệt, đối với Lâm Đồng, địa bàn có 43 dân tộc anh em, bà con DTTS chiếm tỷ lệ 24,1%. Trong đó, các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm hơn 17%; đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ khoảng 67% dân số…
 
Để thực hiện việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo chỉ đạo từ Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều chương trình hành động thực hiện. Theo đó, những năm qua, Lâm Đồng đã tập trung đầu tư toàn diện vùng đồng bào DTTS, góp phần giảm đáng kể hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Nếu như cuối năm 2003, hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 24%, đến cuối năm 2018, giảm còn 9,56%, không còn hộ đói; 100% số xã có điện lưới quốc gia và có đường ô tô đến trung tâm xã...
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hương - Chủ tịch MTTQ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đam Rông cho biết: “Là huyện nghèo, đông đồng bào DTTS, Đam Rông luôn xác định nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài là tập trung đầu tư, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế. Theo đó, bên cạnh sử dụng nguồn ngân sách, tập trung phát triển kinh tế, Đam Rông còn chú trọng triển khai các chương trình 167, 168, 30a của Chính phủ để thúc đẩy bà con giảm nghèo. Thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 tích cực giao đất, giao rừng để bà con nhận khoán quản lý, bảo vệ. Hỗ trợ xóa nhà tạm, cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ cây, con giống… Đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích hỗ trợ các mô hình sản xuất tiêu biểu. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng của huyện năm sau cao hơn năm trước, trung bình 24%. Thu nhập bình quân năm 2009 là 8 triệu đồng, đến cuối năm 2018 tăng lên 31,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từ 46,97% (theo tiêu chí cũ) năm 2009, xuống còn 19,22% năm 2018 (theo tiêu chí mới)”.
 
Thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, trong những năm qua, Lâm Đồng đã giải quyết kịp thời và đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành, tín đồ, tạo được niềm tin trong đồng bào có đạo. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị” do MTTQ phát động đã thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia, nhất là đồng bào có đạo. Qua đó, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ và tổ chức giáo hội; vừa tuyên truyền, giải thích, làm cho hoạt động của tôn giáo đồng hành cùng với dân tộc, gắn bó đạo với đời. Ngoài ra, việc chú trọng thực hiện chính sách của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về công tác thanh niên trên toàn tỉnh đã giúp nhận thức của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Nhờ chú trọng thực hiện nhiều chính sách tăng cường khối đại đoàn kết, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Ðồng đã chung sức, đồng lòng cùng với Ðảng bộ, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. 
 
Theo đó, kinh tế - xã hội toàn tỉnh có sự phát triển nhanh, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc… Đến cuối năm 2018, tổng sản phẩm trong nước GRDP (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8,59%; tổng thu NSNN trên địa bàn 7.100 tỷ đồng, bằng 105% dự toán địa phương; đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 59,74 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,56%...
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện nghị quyết của Đảng về phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhìn chung khối  liên minh công - nông - trí vẫn còn thiếu tính gắn kết; sự chênh lệch về đời sống vật chất, tinh thần giữa thành thị và vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách lớn, phân hóa giàu nghèo trong các thành phần xã hội chưa được thu hẹp đáng kể; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu, nhất là việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng ở địa phương; lãnh đạo nhiều cơ sở còn lúng túng, bị động, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh...
 
Có thể nói, việc phát huy khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ tất yếu của sự phát triển. Điều này đòi hỏi các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tập hợp Nhân dân, phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực sự trở thành nơi để các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo đóng góp khả năng, trí tuệ trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
HOÀNG MY