Chiều 30/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Cơ quan Phát triển Pháp về phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam. Đại diện cho hai cơ quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và ông Jean-Pierre Marcelli, Giám đốc điều hành dự án của AFD ký văn bản này.
Chiều 30/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) của Việt Nam. Đại diện cho hai cơ quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và ông Jean-Pierre Marcelli, Giám đốc điều hành dự án của AFD ký văn bản này.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác |
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam và Pháp và hai quốc gia có quan hệ truyền thống tốt đẹp, ngày nay đã nâng lên quan hệ đối tác chiến lược. Theo đánh giá của LHQ, Pháp là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số phát triển CPĐT. Xây dựng CPĐT là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược trong triển khai một nền hành chính hiện đại của Việt Nam và cũng là yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Với quyết tâm và nỗ lực của mình, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế nói chung, nước Pháp nói riêng, Thủ tướng tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tạo sự bứt phá về xây dựng CPĐT trong năm 2019. Thủ tướng đề nghị Đại sứ Pháp tại Việt Nam phát huy vai trò cầu nối quan trọng hợp tác song phương, bao gồm cả hợp tác xây dựng CPĐT tại Việt Nam; bày tỏ cảm ơn AFD đã sát cánh cùng các chuyên gia Việt Nam và các cơ quan của Việt Nam, đặc biệt là VPCP trong việc triển khai thực hiện CPĐT.
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholar cho biết, sự hợp tác này thể hiện lòng tin của hai bên dành cho nhau. “Xây dựng CPĐT là giải pháp trả lời cho những thách thức mà chúng ta đang phải đương đầu hiện nay, để cho nền kinh tế cạnh tranh hơn, năng lực sản xuất cao hơn, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”. Việc xây dựng CPĐT và cải cách nền hành chính đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như làm sao đưa ra được các dịch vụ mới, làm sao có định dạng điện tử hiệu quả, làm sao mang lại cho người dân những dịch vụ dễ tiếp cận, tăng cường chất lượng dịch vụ.
Đại sứ cho biết, thời gian qua, trong khuôn khổ dự án, Pháp đã huy động nhiều chuyên gia đầu ngành về CPĐT sang hỗ trợ Việt Nam. Việc hợp tác Việt – Pháp về CPĐT dựa trên ba trụ cột chính, phù hợp với ưu tiên của hai bên. Thứ nhất, đó là sự hỗ trợ của Pháp giúp Việt Nam xây dựng khuôn khổ chính sách, thể chế phục vụ việc vận hành CPĐT. Thứ hai là chia sẻ năng lực, kinh nghiệm giữa các chuyên gia Pháp và Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau để xây dựng, vận hành CPĐT. Thứ ba là việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng cấu trúc cũng như xác định Cổng dịch vụ công quốc gia, tập trung vào phục vụ người dân, người sử dụng. “Các bạn có thể hoàn toàn tin tưởng vào nước Pháp, vào AFD”, Đại sứ nhấn mạnh.
* Ngay trước lễ ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Giám đốc điều hành dự án của AFD Jean-Pierre Marcelli đã gặp gỡ, trao đổi về xây dựng CPĐT. Đánh giá cao việc Pháp cử chuyên gia đầu ngành sang giúp đỡ Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định quyết tâm vào cuối năm 2019, sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia; cho biết, trong chuyến khảo sát tại Pháp hai năm trước, đoàn đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm của phía Pháp.
Ấn tượng trước nỗ lực của Chính phủ và VPCP trong xây dựng CPĐT, ông Jean-Pierre Marcelli cho biết, “đây là một trong những dự án tốt nhất mà chúng tôi triển khai trên toàn thế giới”; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với VPCP trong triển khai dự án này.
* Trong chiều 30/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đồng chí Nguyễn Thành Phát, Tỉnh trưởng Vân Nam (Trung Quốc).
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Vân Nam là tỉnh giáp biên giới Việt Nam, có vai trò rất quan trọng trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Chuyến thăm này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác quan hệ hai bên, nhất là giữa Vân Nam với các địa phương biên giới Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Vân Nam những năm qua. Thủ tướng cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai bên rất lớn, tuy nhiên, quy mô và lĩnh vực hợp tác còn khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng tiềm năng. Do đó, hai bên cần bàn kỹ các giải pháp để thúc đẩy thương mại song phương lớn hơn nữa, tạo những đột phá mới, trong đó, cần đẩy mạnh phát triển hành lang Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng để làm hình mẫu cho các địa phương khác của hai bên.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tỉnh trưởng Vân Nam Nguyễn Thành Phát |
Tỉnh trưởng Vân Nam Nguyễn Thành Phát bày tỏ sự phấn khởi vì Vân Nam nằm trong hành lang hợp tác kinh tế với các địa phương Việt Nam; mong muốn hai bên tăng cường phát triển hợp tác kinh tế, thương mại, nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa; thúc đẩy phát triển thương mại chính ngạch, phát triển vận tải đường sắt; mong muốn các địa phương biên giới Việt Nam tăng cường hợp tác du lịch mạnh mẽ với Vân Nam. Đồng chí khẳng định, Vân Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam thực hiện tốt các thoả thuận mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Vân Nam với các địa phương biên giới Việt Nam nói riêng và hai nước nói chung; tin tưởng mạnh mẽ hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhất trí với các ý kiến trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên thúc đẩy quy mô hợp tác lên tầm cao mới; phấn đấu thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác phát triển hành lang kinh tế để tận dụng mọi tiềm năng, cơ hội của hai bên. Theo đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh Vân Nam có lợi thế rất lớn trong hợp tác với Việt Nam vì có kết nối đường hàng không, đường sắt và đường bộ. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông ở các tỉnh biên giới. Thủ tướng cũng đề nghị Vân Nam tích cực thúc đẩy thương mại biên giới, tiện lợi hóa thông quan cho người và hàng hoá, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc hàng hoá ở cửa khẩu do thông quan; mong muốn Vân Nam tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam qua đường chính ngạch, góp phần thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng. Tích cực thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai bên; mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các sở, ngành, cơ quan của Vân Nam với Việt Nam.
Thủ tướng hoan nghênh và khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực của Vân Nam tăng cường đầu tư vào Việt Nam; mở rộng hợp tác du lịch. Để làm tốt hơn công tác quản lý biên giới, Thủ tướng đề nghị các địa phương biên giới hai nước tiếp tục coi trọng và thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường phối hợp trong công tác quản lý biên giới, cửa khẩu; xử lý thỏa đáng, kịp thời các vấn đề nảy sinh, cùng nhau nỗ lực để đường biên giới trên đất liền giữa Vân Nam với các địa phương Việt Nam trở thành hình mẫu trong quan hệ hai nước, thực sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển vì lợi ích của nhân dân Việt Nam - Trung Quốc. Thủ tướng đề nghị Vân Nam hợp tác với Việt Nam để phát triển hạ tầng đường sắt, thậm chí coi vận tải đường sắt là nền tảng chính cho tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế, thương mại hai bên; xúc tiến mở đường bay Hải Phòng - Vân Nam thúc đẩy du lịch; phát triển thương mại biên giới tại các cửa khẩu khác ở các tỉnh biên giới khác của Việt Nam…
(Theo nhandan.com.vn)