Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019

03:05, 12/05/2019

Sáng 12/5, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 đã chính thức khai mạc tại trung tâm Hội nghị quốc tế Chùa Tam Chúc, Hà Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc.

Sáng 12/5, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 đã chính thức khai mạc tại trung tâm Hội nghị quốc tế Chùa Tam Chúc, Hà Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc.
 
 
Cùng dự có các lãnh đạo Phật giáo: Đại lão hoà thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại lão hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Vesak 2019 tại Việt Nam; Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc... Tổng thống Myanmar; Thủ tướng Nepal; Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Armida Salsiah Alisjahbana; Nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch UBT.Ư MTTQVN cùng các vị tăng vương, tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019
 
Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” cho thấy tầm vóc và ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước tình hình biến động của thế giới trên nhiều phương diện đời sống, qua đó cho thấy thái độ tích cực cũng như niềm tin về khả năng góp phần hoá giải những vấn nạn thời đại của Phật giáo ngày càng được khẳng định. Đây là sự kiện văn hoá chính trị quan trọng của Liên hợp quốc được tổ chức hàng năm và là lần thứ 3 Việt Nam đăng cai, với 4.500 đại biểu tham dự trong đó có 1.650 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hàng nghìn phật tử nhân dân trên cả nước.
 
Đại biểu tham dự Lễ khai mạc
Đại biểu tham dự Lễ khai mạc
 
Sau các nghi thức cung rước tri tôn giáo đức phẩm, tăng thống và các nguyên thủ quốc gia; xưng tán tam bảo, niệm danh Hiệu phật, Diễn văn chào mừng nêu bật ý nghĩa của Đại lễ Vesak 2019; các đại biểu quốc tế cũng có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của phật giáo trong cuộc sống hiện đại.
 
Phát biểu tại Đại lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã vượt trên một Lễ hội văn hoá tôn giáo thông thường, nhằm phát huy tinh hoa của đạo Phật và trao truyền tới tất cả chúng ta thông điệp lâu đời của Đức Phật Thích Ca về hoà bình, hoà hợp, khoan dung và nhân ái mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây cũng là nền tảng cho việc thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo và là chất liệu để góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, đem đến hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, vì lợi ích tốt đẹp của nhân loại.
 
Tổng thống Myanmar thực hiện nghi lễ tắm Phật.
Tổng thống Myanmar thực hiện nghi lễ tắm Phật.
 
Việt Nam tự hào được Liên hợp quốc chọn để tổ chức Đại Lễ Vesak 2019, với sự tham gia của Lãnh đạo các tông phái Phật giáo đến từ nhiều quốc gia và sự thành kính, hướng tâm về Đại lễ của muôn người yêu kính Phật giáo khắp nơi. Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Vesak 2019, chúng ta cùng tưởng niệm, tôn vinh đức Phật và cùng suy ngẫm về chân lý hoà bình, về tinh thần khoan dung, lòng từ bi; đồng thời phát huy những chân lý đó vào thực tiễn cuộc sống, giảm thiểu xung đột và khổ đau, thiết lập mối quan hệ hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc và cùng xây dựng một thế giới hoà bình, an lạc cho toàn nhân loại. Đó là một sự đồng điệu với các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau, mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.
 
Thủ tướng nêu rõ, thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba, các quốc gia ngày càng phát triển, của cải vật chất ngày càng nhiều hơn nhưng cuộc sống hiện thực của người dân tại không ít nơi còn chịu khổ đau do chiến tranh, xung đột, thiên tai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Nhiều người với lối sống thực dụng đang xa dần hoặc quên đi những giá trị nhân bản. Sự quan tâm về vật chất quá lớn đã làm rộng ra một cách sâu sắc khoảng cách giữa giàu và nghèo, làm cho nền tảng đạo đức truyền thống của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng. Trước thực tế đó, tại Đại lễ Vesak hôm nay, chúng ta hãy cùng tĩnh tâm, chiêm nghiệm lời Phật dạy để tìm ra giải pháp và cùng nhau hành động để bảo vệ, kiến tạo cho thế giới ngày càng an lạc, tốt đẹp hơn.
 
Với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, nhân dân trên toàn thế giới với tinh thần đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, vì sự hòa hợp giữa các dân tộc, góp phần củng cố những giá trị văn hóa cao đẹp của toàn nhân loại. Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc; đồng thời, tiếp thu, đón nhận tinh hoa văn hoá thế giới và hội nhập với các nền văn hoá tiên tiến trên thế giới.
 
Với vai trò là nước chủ nhà Đại lễ Vesak 2019, Thủ tướng hy vọng, những ngày tham dự Đại lễ của đại biểu sẽ thực sự bổ ích và có nhiều ý nghĩa, sẽ có những hiểu biết thêm về đất nước Việt Nam hoà bình và tươi đẹp, về con người Việt Nam thân thiện, mến khách và về nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng.
 
Hòa thượng, Giáo sư, Tiến sĩ Phra Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc phát biểu.
Hòa thượng, Giáo sư, Tiến sĩ Phra Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc phát biểu.
 
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019, thêm một lần nữa khẳng định Nhà nước Việt Nam quan tâm và tôn trọng những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hướng con người tới chân, thiện, mỹ, phù hợp với văn hoá, đạo đức và lối sống hướng thiện của con người Việt Nam.
 
 (Theo Nhan dan.com.vn)