Trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

04:05, 06/05/2019

Sáng 6/5 tại Sân vận động tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2019); 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2019); 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất của Chủ tịch nước trao tặng.

Sáng 6/5 tại Sân vận động tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2019); 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2019); 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất của Chủ tịch nước trao tặng.
 
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho tỉnh Điện Biên.
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho tỉnh Điện Biên.
 
Dự lễ kỷ niệm, có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của T.Ư, địa phương cùng đông đảo các vị lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên.
 
Diễn văn Lễ kỷ niệm do đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, trình bày đã khái quát quá trình thành lập, phát triển của tỉnh Điện Biên. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đã có nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính với tên gọi và chế độ quản lý khác nhau, song các thế hệ người Việt Nam đã và đang sống trên mảnh đất Điện Biên anh hùng luôn đoàn kết một lòng, chung sức giữ vững biên cương trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
 
Sau giải phóng Điện Biên, từ 1955-1965, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là hơn 2.000 thanh niên tuổi đời còn trẻ từ Thủ đô Hà Nội, các tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa... đã tự nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong và ở lại cùng đồng bào các dân tộc xây dựng tỉnh Điện Biên - Lai Châu, đây là biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu.
 
Theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội khóa XI về việc chia và điều chỉnh địa giới, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh là Điện Biên và Lai Châu. Sau 15 năm chia tách, thành lập, tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2018 đạt 264,6 nghìn tấn; thu ngân sách đạt 9.591,9 tỷ đồng. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn trồng trọt với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Đã hình thành một số vùng chuyên canh nông nghiệp và cây công nghiệp (như cao-su, cà-phê, chè... đặc biệt là cây mắc ca). Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đã có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Các mặt văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 đến 5%/năm. Giáo dục - đào tạo có chuyển biến cả về quy mô và chất lượng; đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; có hơn 65% số trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất của ngành Y tế được đầu tư nâng cấp. Công tác quân sự, quốc phòng được triển khai toàn diện, xây dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường.
 
Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ một Ban Cán sự Đảng khi mới thành lập chỉ có 20 đảng viên (tháng 10-1949), đến nay, Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc với 645 tổ chức cơ sở đảng, hơn 38 nghìn đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cấp ủy, cán bộ đảng viên được nâng lên; phương thức lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị có nhiều đổi mới.
 
Chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, vì đã có thành tích đặc biệt trong công tác, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đúng dịp tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị sâu sắc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng biểu dương những thành quả tỉnh Điện Biên đạt được trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng... Với điều kiện hiện tại, đồng chí Tòng Thị Phóng cũng chỉ rõ, Điện Biên còn nhiều khó khăn, thuộc diện tỉnh nghèo trong cả nước, do vậy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Điện Biên cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư để thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn khu vực biên giới. Trong quan hệ đối ngoại, Điện Biên cần duy trì quan hệ hữu nghị đặc biệt với các tỉnh bắc Lào, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với Trung Quốc và Thái Lan, xây dựng biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Điện Biên cần nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Nghị quyết XII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã đề ra.
 
Đại diện nhân dân các dân tộc Điện Biên diễu hành qua lễ đài kỷ niệm.
Đại diện nhân dân các dân tộc Điện Biên diễu hành qua lễ đài kỷ niệm.
 
Sau lễ khai mạc là lễ diễu binh, diễu hành mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh Điện Biên. Tham gia lễ diễu binh, diễn hành có 2.276 người chia thành 21 khối đại diện các lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng cựu chiến binh, cán bộ công nhân viên chức, nông dân, phụ nữ, thanh niên, học sinh sinh viên tỉnh Điện Biên… Dẫn đầu là khối rước Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ảnh Bác Hồ, biểu tượng 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, đến các khối diễu binh, diễu hành. Đồng thời, chương trình đồng diễn văn nghệ diễn ra tại Sân vận động tỉnh.
 
Khối phụ nữ các dân tộc tỉnh Điện Biên diễu hành qua các tuyến phố.
Khối phụ nữ các dân tộc tỉnh Điện Biên diễu hành qua các tuyến phố.
 
Đoàn diễu binh, diễu hành xuất phát từ Sân vận động tỉnh Điện Biên đi qua các đường: Hoàng Công Chất, Võ Nguyên Giáp đến Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hàng nghìn người dân và du khách đứng hai bên đường đón chào đoàn diễu binh, diễu hành trong không gian rợp cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh Điện Biên.
 
Trước đó, đồng chí Tòng Thị Phóng, đồng chí Võ Văn Thưởng và đại biểu lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 và dâng hoa tại Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.
 
(Theo nhandan.com.vn)