Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao

09:05, 02/05/2019

Một trong các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016-2020) thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng là: "Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH...

Một trong các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016-2020) thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng là: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X cũng đã xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong bốn chương trình trọng tâm của tỉnh. Trên cơ sở đó, những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. 
 
Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09 về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng; UBND tỉnh đã phê duyệt triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”… 100% xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố trong tỉnh đã đưa nội dung triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhiều ngành nghề đào tạo khác nhau. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước được nâng cấp và tăng dần về quy mô cũng như chất lượng đào tạo. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt khoảng 47%, đạt chỉ tiêu kế hoạch mà Nghị quyết của tỉnh đã đề ra, góp phần từng bước đáp ứng yêu cầu về nhân lực, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. 
 
Trong giai đoạn 2014-2018, các trường, trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp, liên kết với trên 450 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh trao đổi hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp nước ngoài về cơ hội hợp tác, đào tạo liên thông, trao đổi sinh viên, giáo viên với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao… Công tác phát triển các ngành, nghề trọng điểm cấp độ Quốc gia, ASEAN và Quốc tế, trường nghề chất lượng cao luôn được quan tâm triển khai thực hiện. Đến nay, có 5/5 trường cao đẳng có nghề, nghề trọng điểm, từ cấp độ quốc gia đến cấp độ quốc tế.
 
Thông qua công tác giáo dục nghề nghiệp đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế nguồn lực con người trở thành một lợi thế so sánh trong thu hút và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư và phát triển KT-XH của địa phương. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động đã góp phần làm giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội của địa phương. Nguồn nhân lực có tay nghề cao đã trở thành một lợi thế để cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, tăng cường xuất khẩu lao động; nhiều lao động đã tiếp cận với khoa học công nghệ, tác phong làm việc công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động, cải thiện chỉ số PCI của địa phương.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao của tỉnh còn hạn chế, như thiếu sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ; chương trình giáo dục đào tạo chưa phù hợp, chậm được đổi mới; đội ngũ cán bộ và giáo viên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế về năng lực quản lý, trình độ, kỹ năng nghề... Nguyên nhân là do nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao của một số cấp ủy, chính quyền chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp còn chồng chéo, đội ngũ cán bộ quản lý tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu năng động trong cơ chế thị trường hiện nay; công tác khảo sát dự báo nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao chưa thực hiện kịp thời; các chính sách thu hút học nghề chưa đủ sức thuyết phục với xã hội…
 
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền quán triệt tầm quan trọng của công tác đổi mới giáo dục nghề nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển KT-XH. Thực hiện quy hoạch lại mạng lưới giáo dục  nghề nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng thu gọn đầu mối, chỉ phát triển ngành thế mạnh, tránh đầu tư dàn trải, khuyến khích thành lập các cơ sở đào tạo nghề tư thục. 
 
Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nội dung chương trình giáo dục đào tạo phù hợp với thực tiễn. Đa dạng hóa phương thức và chương trình đào tạo, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề. Xây dựng đề án đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025.
 
Đa dạng hóa nguồn lực đào tạo. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, công ty, các đơn vị sử dụng lao động tham gia, gắn kết với các cơ sở đào tạo nghề. Nâng cao chất lượng và phát triển quy mô dạy nghề đáp ứng nhu cầu của các ngành, nghề sử dụng nhân lực có tay nghề cao trong nước và xuất khẩu lao động; tăng cường hợp tác quốc tế về dạy nghề, lựa chọn các đối tác chiến lược để hợp tác trong đào tạo nghề, nhất là các nước đã thành công trong phát triển dạy nghề trong khu vực ASEAN và châu Á. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh. Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
 
LAN HỒ