Đơn Dương: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng nông thôn mới

08:05, 29/05/2019

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 57 tháng 3/2009 của Bộ Chính trị về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam huyện Ðơn Dương đã có nhiều đổi mới trong nội dung và cách thức hoạt động, từ đó mang lại nhiều hiệu quả, góp phần tạo sức bật mới trong quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 57 tháng 3/2009 của Bộ Chính trị về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam huyện Ðơn Dương đã có nhiều đổi mới trong nội dung và cách thức hoạt động, từ đó mang lại nhiều hiệu quả, góp phần tạo sức bật mới trong quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
 
Những ngôi nhà “Đại đoàn kết” ở xã Lạc Xuân được xây dựng từ sự ủng hộ của các tổ chức tôn giáo. Ảnh: V.Quỳnh
Những ngôi nhà “Đại đoàn kết” ở xã Lạc Xuân được xây dựng từ sự ủng hộ của các tổ chức tôn giáo.
Ảnh: V.Quỳnh
 
Ðổi mới nội dung, phương thức hoạt động
 
Xác định rõ đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBMTTQ Việt Nam huyện Đơn Dương và các tổ chức thành viên đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. Qua đó, hướng tới chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của Nhân dân; đồng thời có biện pháp cụ thể để Nhân dân bày tỏ ý kiến và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân.
 
Ông Nguyễn Văn Anh - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Đơn Dương cho biết: Công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới của huyện gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh”. 10 năm qua, những nội dung hoạt động phong phú, thiết thực hơn đã lôi cuốn được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước tại cơ sở.
 
Hàng năm, cán bộ Mặt trận cơ sở được tập huấn, đổi mới phong cách làm việc theo hướng trọng dân, gần dân, sát dân và có trách nhiệm với dân. Tăng cường phương pháp hội ý, trao đổi, bàn bạc, dân chủ, lắng nghe những vấn đề bức xúc trong Nhân dân; chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền, giải quyết những vướng mắc trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
 
Thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội của Nhân dân, từ năm 2014 đến nay, UBMTTQ Việt Nam huyện Đơn Dương đã phối hợp cùng với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, ban ngành tổ chức 24 nội dung giám sát theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Qua các cuộc giám sát đã tạo được sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân với các nội dung giám sát.
 
Công tác dân chủ ở cơ sở được chú trọng để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các xã, thị trấn và Tổ giám sát đầu tư cộng đồng ở thôn, tổ dân phố đã chủ động thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” đối với các hoạt động của Nhà nước, các lĩnh vực đóng góp của Nhân dân trong xây dựng những công trình phúc lợi tại địa phương, từ đó phát huy chế độ dân chủ đại diện. 
 
Trong 10 năm qua, Ban giám sát đầu tư cộng đồng các xã, thị trấn đã tham gia thanh tra, giám sát trên 600 vụ việc liên quan đến các vấn đề như Chương trình 30 a, Chương trình 135, chương trình nông thôn mới, công trình đường giao thông nông thôn, kinh phí hoạt động của tổ dân phố, việc thu kinh phí vận động trong Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đất đai, nạo vét kênh mương, làm cầu,... Từ đó, các sai sót đã được kiến nghị, chấn chỉnh kịp thời.
 
Phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo, người có uy tín
 
Đơn Dương có số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% dân số toàn huyện, với 4 tôn giáo chính, chiếm 80% dân số địa phương. Chính vì vậy, hằng năm, UBND và UBMTTQ Việt Nam huyện đều chú trọng tổ chức gặp mặt chức sắc các tôn giáo, nhân sỹ, trí thức vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người Hoa tiêu biểu. Qua đó, trao đổi, nắm bắt tâm tư tình cảm, động viên, lắng nghe kịp thời, phối hợp giải quyết nhiều đề xuất, nguyện vọng chính đáng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.
 
Nhờ vậy mà đồng bào các dân tộc, tôn giáo ngày càng hiểu rõ những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc; gương mẫu, động viên nhau phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cải thiện đời sống, ngày càng gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời phát huy vai trò của mình trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển.
 
Ở xã Lạc Xuân, rất nhiều những ngôi nhà mới, những con đường sáng đèn điện được xây dựng nhờ vào sự đóng góp của các cơ sở tôn giáo tại địa phương. Toàn xã có 2 chùa, 3 giáo xứ, 2 dòng nữ tu, 1 dòng tu Đan viện Châu Sơn, có 1 chi hội và 4 điểm nhóm đạo Tin lành. Ông Mai Linh Sơn, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Lạc Xuân cho biết: Ngay từ đầu năm, chính quyền xã tổ chức gặp mặt, làm việc với các vị linh mục, các chức sắc tôn giáo để tuyên truyền, vận động về chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, các tổ chức đã đóng góp một phần rất quan trọng cho sự phát triển của địa phương và nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.
 
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Đơn Dương chỉ còn 441 hộ, tương ứng với 1,83%, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 10 năm qua, các cấp MTTQ trong huyện đã vận động được số tiền trên 9 tỷ đồng, đóng góp hỗ trợ xây dựng 298 căn nhà đại đoàn kết và sửa chữa 911 căn nhà để người dân có chỗ ở đảm bảo theo tiêu chuẩn “3 cứng” của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ cho một số người dân chữa bệnh, hỗ trợ học sinh nghèo vươn lên vượt khó.
 
Ông Lê Đình Thủy - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Đơn Dương khẳng định: Qua 10 năm, Mặt trận và tổ chức thành viên các cấp đã có nhiều cố gắng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân bằng nhiều hình thức, biện pháp sinh động, phù hợp với từng đối tượng. Từ đó, phát huy được vai trò của các cá nhân tiêu biểu, thu hút người có uy tín, trí thức, chức sắc tôn giáo, thương nhân đồng hành với phong trào, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc hiệu quả. Từ đó, các tiềm lực, tiềm năng từ nhân dân được tập hợp, đẩy lùi những khó khăn, chung tay góp sức nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện.
 
VIỆT QUỲNH