Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), chúng ta càng khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, dìu dắt và là người thầy vĩ đại của nền Báo chí Cách mạng nước nhà...
Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), chúng ta càng khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, dìu dắt và là người thầy vĩ đại của nền Báo chí Cách mạng nước nhà. Sự nghiệp viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu từ bài báo “Quyền các dân tộc”, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đăng báo Nhân Đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, ra ngày 18/6/1919 đến bài báo cuối cùng của Người là bài “Thư trả lời Tổng thống Mỹ”, đăng báo Nhân Dân ngày 25/8/1969. (Có tài liệu cho rằng tác phẩm cuối cùng của Bác là bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, ký tên CB, đăng báo Nhân Dân, số ra ngày 1/6/1969)... Qua 50 năm gắn bó với báo chí, Hồ Chủ tịch - một nhà báo lỗi lạc đã để lại hàng ngàn bài báo các loại về nhiều đề tài với một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Đối với những người làm báo nước nhà, Người luôn căn dặn phải nêu cao trách nhiệm nghề nghiệp. Để thực hiện điều này, theo Hồ Chủ tịch, người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, trau dồi phẩm chất chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí”, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của Nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí. Là lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, V.I. Lê-nin cũng là cây bút bậc thầy trong làng báo chí cách mạng. Lê-nin đặt vấn đề báo chí cách mạng phải trở thành trung tâm tư tưởng của đảng vô sản và của nhân dân lao động. Để trở thành một trung tâm tư tưởng, báo chí cách mạng phải gắn bó với phong trào công nhân. Báo chí cách mạng phải đi sát thời cuộc, phải chuyển biến trước, hoặc đồng thời chứ không được đi sau các chuyển biến cách mạng. Báo chí cách mạng không thể bàng quan trước sự nghiệp cách mạng của hàng triệu, hàng triệu con người. Chính vì vậy, Lê-nin yêu cầu: “Tất cả các cơ quan báo chí của Đảng phải do những người vô sản đáng tin cậy, đã tỏ rõ lòng trung thành với cách mạng vô sản biên soạn”. Với Hồ Chí Minh: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ nên trên mặt trận báo chí, người làm báo phải có phẩm chất chính trị vững vàng. Bởi hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị. Báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng nên báo chí cách mạng trước tiên phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng. Qua đó, báo chí tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công... Bác dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Người cũng đòi hỏi cao đối với tư cách người làm báo. Tư cách người làm báo được hiểu ở hai mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà báo với tư cách một công dân và nhà báo với tư cách nghề nghiệp. Về mối liên hệ giữa nhà báo-công dân, nhà báo trước hết là một người công dân bình đẳng với tất cả mọi người trước pháp luật, không được phép cho mình đứng cao hơn pháp luật, đứng cao hơn mọi người để phán xét. Với tư cách là một công dân, đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp; đồng thời phải xác định rõ ràng mục tiêu phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để không làm tổn hại đến lợi ích của Nhân dân, của đất nước, không gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và hội nhập quốc tế hiện nay, thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết nghĩ các cơ quan báo chí, những người làm báo càng phải tuân thủ nghiêm túc “10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam công bố ngày 16/12/2016. Phải nhất quán đây là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo. Theo đó, phải tuân thủ các điều cơ bản: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật; Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác. Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc... Đặc biệt là Điều 5 đang là vấn đề mà người làm báo không được chủ quan, lơ là, đòi hỏi phải tăng cường sự chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông khác.
LAN HỒ