"Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng"

10:06, 20/06/2019

(LĐ online) - Đó là lời phát biểu của Chủ tịch Hổ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II và Đại hội lần thứ III Hội nhà báo Việt Nam...

(LĐ online) - Đó là lời phát biểu của Chủ tịch Hổ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II và Đại hội lần thứ III Hội nhà báo Việt Nam. Những lời chỉ dẫn của Bác đã giúp những người làm báo chân chính hiểu sâu sắc hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đấu tranh vì một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội.
 
Để thực hiện nhiệm vụ cao cả và trách nhiệm to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó, trước hết, theo tư tưởng của Bác, nhà báo phải có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; mọi hoạt động hướng vào phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nhà báo phải là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận ấy và “Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ" (Hồ Chí Minh). Từ đó, đòi hỏi người làm báo phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, có đường lối chính trị đúng đắn để đủ điều kiện làm việc tốt nhất. Người làm báo phải đề cao bản lĩnh, dũng khí, không bị khuất phục, không bẻ cong ngòi bút vì tiền tài, danh vị…
 
Thứ hai, báo chí cách mạng phải mang tính tiên phong, dự báo và định hướng; là vũ khí đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng - văn hoá, có tác động mạnh mẽ, sâu xa đến đời sống xã hội; là phương thức quan trọng truyền bá, phổ biến những tư tưởng và tri thức. Lúc sinh thời, với trí tuệ uyên bác, tư duy sáng tạo, nhạy bén cùng kinh nghiệm thực tiễn phong phú, nhà báo Hồ Chí Minh đã thông qua tác phẩm báo chí để nêu lên những phát hiện mới mẻ và tiên đoán chính xác nhiều vấn đề lớn, quan trọng, góp phần lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, đi đến thắng lợi cuối cùng. Học theo tấm gương của Bác, báo chí cách mạng Việt Nam đã nỗ lực phát huy vai trò xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng - văn hoá; các nhà báo đã có mặt khắp khắp mọi miền đất nước, trên các chiến trường những nơi ác liệt nhất để phản ánh kịp thời, sinh động các cuộc kháng chiến và kiến quốc vĩ đại của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, báo chí đã không ngừng phát triển, năng động, sáng tạo, có nhiều tìm tòi, phát hiện mới, dự báo và định hướng đúng đắn, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
 
Thứ ba, báo chí phải luôn luôn quán triệt quan điểm hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Phục vụ nhân dân đòi hỏi người làm báo phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, yêu kính nhân dân, phục vụ nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; phải phản ánh đúng những ý kiến xây dựng của nhân dân; nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân đối với công cuộc xây dựng đất nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ, do đó người làm báo từ trung ương đến địa phương đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”; do đó, phải "Viết cho đại đa số", "Viết để phục vụ quần chúng", "Viết để nêu lên những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, bộ đội, cán bộ ta và phê phán kẻ thù"… 
 
Phục vụ nhiệm vụ cách mạng, đòi hỏi người làm báo phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân; coi báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hoá, là phương tiện xây dựng, truyền bá văn hoá; vừa là đội quân tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, làm báo là để thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động và người đọc nói chung tự nhận thức được các vấn đề trong nước và quốc tế, kinh tế và văn hoá, đạo đức và xã hội, giúp họ hiểu và có đủ khả năng nhận thức được thế giới xung quanh một cách đúng đắn; từ đó có hành vi ứng xử thích hợp bằng một quan điểm đúng đắn, xuất phát từ lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp. Từ tháng 7-1924, tại Đại hội lần thứ năm Quốc tế Cộng sản, Người đã trình bày quan điểm của mình về vai trò của báo chí: "Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng quần chúng lao động của các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản". 
 
Thứ tư, phục vụ nhân, phục vụ cách mạng đòi hỏi báo chí phải trung thực, tôn trọng sự thật; có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có sức thuyết phục và được nhiều người nghe; tuỳ bản chất sự việc và yêu cầu thực tế đòi hỏi mà nhà báo có cách phản ánh chân thực, đúng mức, có khẳng định, có phê phán, có khen, có chê. Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao tính “chân thực” của báo chí, bởi nó vừa là sức mạnh của bài viết, đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo. Báo chí phải quyết liệt chống nạn tham nhũng, buôn lậu; chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội; chống lại những biểu hiện tha hóa, sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống; từ đó đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, tin ở sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào truyền thống cách mạng và nhân văn của nhân dân ta.
 
Thứ năm, nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, đòi hỏi báo chí phải có cách viết phù hợp, cách viết giản dị, “Không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu” (HCM). Tuy nhiên, báo chí nêu cái hay, cái tốt cũng phải có chừng mực, chớ phóng đại... và phê bình cũng phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn; khen chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Báo chí đề cao tính trung thực, tôn trọng sự thật, nhưng cũng phải hết sức coi trọng hình thức diễn đạt, tránh lối viết báo rập khuôn, máy móc; bởi rập khuôn, máy móc thì tác phẩm báo chí trở nên khô khan, nhàm chán, không hấp dẫn người đọc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “…ngày trước khác, người đọc báo chỉ muốn biết những việc thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy lạ, thấy hay, thấy văn chương thì mới thích đọc". Người chỉ rõ, “quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi”; do đó, người làm báo cần lưu ý về yêu cầu trong sáng, vui tươi của tác phẩm báo chí. Cũng xuất phát từ đối tượng phục vụ của báo chí là nhân dân, nên phải chú ý đến tính dân tộc của ngôn ngữ báo chí; không chấp nhận tình trạng lạm dụng từ nước ngoài, mà phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc, đừng để tiếng nói của dân tộc bị mai một. 
 
Kỷ niệm 94 năm “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam” (1925) và “70 năm Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng” (1949), bàn về những điều Bác Hồ đã chỉ dẫn Hội Nhà báo Việt Nam càng thôi thúc những người làm báo phải không ngừng học tập, tu dưỡng, nỗ lực hoàn thành sứ mệnh cao cả đã được Đảng, Bác Hồ và nhân dân tin tưởng giao phó.
 
VĂN NHÂN