Dân tộc Việt Nam có bề dày truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" - Trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, con cháu Lạc Hồng luôn khắc ghi công ơn trời bể của các bậc tiền hiền khai quốc, các anh hùng, liệt sĩ...
Dân tộc Việt Nam có bề dày truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” - Trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, con cháu Lạc Hồng luôn khắc ghi công ơn trời bể của các bậc tiền hiền khai quốc, các anh hùng, liệt sĩ... đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Truyền thống tốt đẹp này càng được vun cao trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nhưng với rắp tâm đen tối thực dân Pháp đã trở lại Bắc Bộ và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng chống lại thực dân Pháp. Nhiều chiến sĩ, đồng bào đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập tổ chức Hội giúp binh sĩ tử nạn và Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm hội trưởng danh dự. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn.
Trước hoàn cảnh ấy, Đảng và Nhà nước đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh, liệt sỹ, nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến... Tháng 6/1947, ở Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh - Liệt sỹ để cho đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tấm lòng yêu mến thương binh.
Tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một hội nghị trù bị đã nhất trí lấy ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. Ngày 17/7/1947 Bác Hồ viết một bức thư gửi Ban Thường trực Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc. Bác đề nghị phát động phong trào nhịn ăn 3 tháng một bữa để giúp đỡ thương binh. Trong thư, Người viết: “Tôi xin xung phong gửi một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, theo chỉ thị của Bác, một buổi lễ trang trọng tưởng niệm các liệt sỹ đã được tổ chức ngay tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Chiều ngày 31/12/1954, trước thềm năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đặt vòng hoa viếng các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Tại buổi lễ, đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Bác đọc Diễn từ. Bác viết: “... Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sỹ... Các liệt sỹ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sỹ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước... Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ muôn đời lưu truyền với sử xanh... Anh linh của các liệt sỹ bất diệt”. Sau hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Trước lúc đi sang “thế giới người hiền”, trong Di chúc để lại Bác vẫn nhắc nhở trong ngày vui toàn thắng của dân tộc không được quên sự hy sinh của các liệt sỹ và thương binh. Bác nhắc công việc đầu tiên trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước là công việc đối với con người thì những người đầu tiên là những người thương binh, những liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc.
Thực hiện tư tưởng, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 72 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn luôn chú trọng công tác chăm sóc người có công, thương binh, gia đình liệt sỹ. Đến nay, cả nước có hơn 9 triệu lượt người có công (cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ...) được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng huân chương, huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao qúy khác. Toàn xã hội tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sôi nổi tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”...
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Làm tốt công tác này sẽ biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào trở thành hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cần chú trọng tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước... Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”,... chung sức giúp đỡ các gia đình người có công khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống.
Quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sỹ; chăm sóc tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam chúng ta.
LAN HỒ