Ghi nhận từ Hội thi Tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

06:07, 12/07/2019

Hội thi "Tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" bằng hình thức sân khấu hóa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động cách đây gần nửa năm...

Hội thi “Tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng hình thức sân khấu hóa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động cách đây gần nửa năm. Hội thi đã đi qua 2 vòng sơ khảo từ cấp xã đến cấp huyện và đã gặt hái được những thành công bước đầu. Hứa hẹn một cuộc thi đua quyết liệt, hấp dẫn ở vòng chung khảo xếp hạng cấp tỉnh, dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới.
 
Một tiết mục trong phần thi kể chuyện ở huyện Bảo Lâm. Ảnh: V.Tòa
Một tiết mục trong phần thi kể chuyện ở huyện Bảo Lâm. Ảnh: V.Tòa
 
Sự hưởng ứng hào hứng! 
 
Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khối cán bộ, công chức trong toàn tỉnh. Hội thi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các huyện ủy, thành ủy và các cấp ủy đảng cơ sở, tạo nên sự hào hứng tham gia của các đội thi. Trước khi vào vòng sơ khảo cấp huyện, thành phố, hầu hết các xã trong tỉnh đều tổ chức vòng loại từ cơ sở để chọn ra đội mạnh nhất tham gia hội thi cấp huyện. Cách tổ chức này, ngay từ đầu đã tạo ra sự lan tỏa ở cơ sở về một chương trình lớn do Đảng khởi xướng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban tổ chức hội thi cấp tỉnh cho hay, có ít nhất hơn 1.500 đơn vị dự thi cấp xã tham gia dự thi, một con số kỷ lục tính từ khi bắt đầu Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2003. Hội thi diễn ra với 3 nội dung thi, gồm: Thi kiến thức (10 phút), thi kể chuyện (10 phút) và thi tiểu phẩm (15 phút). Hầu hết cấp ủy các địa phương, đơn vị đều thực hiện với trách nhiệm cao, tổ chức chu đáo, đầu tư thực hiện khá bài bản. Sự quan tâm đặc biệt đó, đã góp phần tạo nên sự phong phú về nội dung, sinh động về thể hiện với nhiều cung bậc cảm xúc về tấm gương đạo đức của Người.
 
Và những cuộc so tài 
 
1. Mở đầu hội thi là phần thi hiểu biết về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với hàng trăm câu hỏi; hàng trăm đáp án gần giống nhau, chỉ cần nhầm lẫn một chi tiết dù nhỏ nhất cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả hội thi. Vì vậy, buộc các đội thi phải học, phải nghiên cứu kỹ, chọn đáp án phù hợp. Hầu hết các đội thi đều nắm khá vững kiến thức; tự tin; trả lời nhanh, chính xác các câu hỏi. Rất ít đội thi bị mất điểm đối với phần thi này.
 
2. Đối với phần thi kể chuyện, các đội đều chọn cho mình những câu chuyện hay nhất, xúc động nhất và phù hợp với ngành, nghề, công việc, địa phương nơi cư trú. Từ đó đã làm cho phần thi kể chuyện thật sự phong phú; làm cho người nghe cảm thấy rằng Bác Hồ rất gần với cuộc sống đời thường. Điều đáng mừng là tất cả các đội thi đều rất dụng công trong minh họa bằng hình ảnh trình chiếu, bằng hoạt cảnh, thổi vào lời kể dòng cảm xúc yêu thương từ tận cùng sâu thẳm của tâm hồn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, làm cho khán phòng có những giây phút thực sự xúc động. Hầu hết các thí sinh dự thi đều rất tự tin, làm chủ được thời gian, không gian, nhiều thí sinh có chất giọng truyền cảm bẩm sinh, rất phù hợp với vai trò người kể chuyện.
 
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nhiều đội còn để nhạc nền lấn át lời kể, chi phối cảm xúc của người nghe. Điều chỉnh âm thanh nền trong kể chuyện là một nghệ thuật biểu đạt ngôn ngữ âm thanh. Sử dụng đúng thì tôn câu chuyện kể, sử dụng không đúng thì làm giảm giá trị. Phần phụ họa lời kể bằng Clip hình ảnh, nhiều đội sử dụng hình ảnh không gắn với nội dung. Nên nhớ rằng, hình ảnh phụ họa là để tôn giá trị lời kể, nên hình ảnh phải phù hợp vào nội dung câu chuyện. Nếu nội dung câu chuyện đi một đường, hình ảnh đi một nẻo, không những hình ảnh đó không có ý nghĩa gì, mà ngược lại còn làm giảm chất lượng của câu chuyện. Điểm cần lưu ý nữa là nghệ thuật kể chuyện hoàn toàn khác với nghệ thuật diễn thuyết, người kể chuyện không nên di chuyển, đi lại quá nhiều. Người kể cần phải biết tiết chế cảm xúc, biết “chuyển” dòng cảm xúc của mình cho người nghe bằng biểu cảm thông qua lời nói, bằng những khoảng lặng cho phép. Cái hay của người kể là làm cho người nghe phải bật khóc, bật cười chứ không phải người kể bật cười, bật khóc… 
 
3. Phần thi tiểu phẩm: Thành công đối với phần thi này là các đội đã biết chọn và tái hiện những câu chuyện đời thường, những nhân tố mới, những mô hình điển hình có thật tại địa phương, đơn vị. Trong xây dựng kịch bản, ít nhiều các tiểu phẩm đều có kịch tính với những mâu thuẫn, xung đột và giải quyết khá nhẹ nhàng những mâu thuẫn, xung đột đó. Các nhân vật chính trong tiểu phẩm đều có sự phát triển tâm lý, thay đổi suy nghĩ, chuyển đổi trạng thái, cảm xúc. Nội dung các tiểu phẩm đều có tính nhân văn. Mặt khác, hầu hết các đội thi đều tổ chức tập luyện và dàn dựng công phu; quan tâm phần đạo cụ; hình ảnh minh họa trong trình diễn. Các vai diễn hầu hết đều là cán bộ, công chức, viên chức, những người dân quanh năm suốt tháng nơi ruộng vườn nhưng tất cả đều diễn khá tự tin, biết hóa thân vào nhân vật, cơ bản thể hiện được những cảm xúc, qua đó chuyển tải chung một thông điệp rằng xung quanh ta có rất nhiều những tấm gương sáng, những việc làm tốt và đó là kết quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
 
Tuy nhiên, những vấn đề sau đây cần lưu ý: Thời lượng dành cho một tiểu phẩm chỉ có 15 phút, nhưng một số đội xây dựng quá nhiều phân đoạn, phải thay đổi nhiều “bối cảnh” trong một vở diễn ngắn… Nên nhớ, những người tham gia diễn xuất là những diễn viên không chuyên; sân khấu của chúng ta không phải là sân khấu chuyên nghiệp nên khi thay đổi quá nhiều bối cảnh sẽ làm rối sân khấu, manh mún vở diễn, gián đoạn mạch cảm xúc, tạo ra tâm lý không thoải mái cho người xem. 
 
Phần lớn các đội chưa biết chọn tình tiết đắt trong câu chuyện để chúng ta xây dựng cốt chuyện xoay quanh nó. Chính vì vậy, một số các tiểu phẩm chưa toát lên được tính điển hình của người và việc dù trên thực tế điển hình đó có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Lưu ý rằng khi chọn được tình tiết đắt thì chúng ta sẽ có những lời thoại sâu sắc, kèm theo đó là những hành động điển hình. Quy chế cấm hư cấu về người và việc chứ không cấm hư cấu về lời thoại, dĩ nhiên không được “quá lời” làm mất đi tính trung thực. Điều cần nhớ, khi đã sân khấu hóa thông qua tiểu phẩm một vở diễn thì lời thoại là điều cơ bản nhất để chuyển tải thông điệp cần chuyển tải. Vì vậy, diễn lời thoại không chỉ cần biểu cảm mà rất cần phải rõ ràng, mạch lạc; thoại không rõ lời, tất yếu sẽ ảnh hưởng giá trị thông tin cần tuyên truyền. Mặt khác, cũng cần chú trọng tính hợp lý câu chuyện, nghĩa là khi xây dựng kịch bản, phải đảm bảo rằng không để người xem khó hiểu, đặt ra các câu hỏi tại sao và tại sao…
 
Lời kết
 
Hội thi sân khấu hóa tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã kết thúc phần sơ khảo cấp huyện. Những thành công bước đầu của hội thi đã được khẳng định, đặc biệt là sự lan tỏa, thẩm thấu việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hy vọng rằng, từ nay đến ngày diễn ra vòng chung khảo xếp hạng hội thi, các đội thi sẽ có đủ thời gian hoàn chỉnh một cách tốt nhất phần dự thi của mình, để Hội thi Tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng có giá trị thực tiễn sâu sắc và sẽ gặt hái những thành công mỹ mãn. 
 
VĂN TÒA