(LĐ online) - Bài viết: "Phan Châu Trinh từ thuyết "tự trị" đến "chế độ tự trị" của Mai Thái Lĩnh trên blog Tiếng Dân và Đối thoại đầu tháng 6/2019, cũng cần được trao đổi một vài nét.
(LĐ online) - Bài viết: “Phan Châu Trinh từ thuyết “tự trị” đến “chế độ tự trị” của Mai Thái Lĩnh trên blog Tiếng Dân và Đối thoại đầu tháng 6/2019, cũng cần được trao đổi một vài nét.
Theo Mai Thái Lĩnh: “khái niệm “tự trị” ở đây có nghĩa là tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, không trông chờ vào sự viện trợ của bên ngoài”. Cách giải thích này là chính xác, không ai bắt bẻ gì. Nhưng đằng sau sự giải thích này Mai Thái Lĩnh lại thêm một đoạn: “- dù là “đồng văn, đồng chủng” (như Trung Hoa hay Nhật Bản) khiến người đọc phân tâm?!
Cần nhớ rằng, một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố cổ truyền với yếu tố hiện đại. Bài học này đến nay vẫn nguyên giá trị.
Mặc dù còn có những ý kiến trái chiều trong giới nghiên cứu, nhưng tư tưởng canh tân đất nước của Phan Châu Trinh vẫn được nhiều người nhắc đến và trân trọng. Khác với Phan Bội Châu chủ trương sử dụng bạo lực, Phan Châu Trinh đi theo con đường khai sáng với tư tưởng khai dân trí, chấn hưng khí, hậu dân sinh. Theo Ông, khai dân trí là bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa; chấn dân khí là thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế; hậu dân sinh thể hiện ở phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa. Có ý kiến cho rằng Phan Châu Trinh quan niệm nếu không có những điều đó làm nền tảng thì việc khuấy động phong trào chỉ dừng lại ở ngọn cờ cũ, gặp thất bại ở những cái cũ đã từng xảy ra. Có lẽ đây là lý do sâu xa vì sao ông ấy không chủ trương bạo động, “ám xã” như Phan Bội Châu mà chủ trương “minh xã” - tức mọi hoạt động của ông đều minh bạch và công khai. Cũng có ý kiến cho rằng chủ trương “ỷ Pháp cầu tiến bộ” (dựa vào người Pháp để cải tạo xã hội) của Phan Châu Trinh là một cách nhìn tiến bộ và xa hơn rất nhiều so với Phan Bội Châu. Bởi lẽ Phan Châu Trinh đã nhận ra mặt thứ hai của chủ nghĩa thực dân, ấy là mặt xây dựng chứ không chỉ là phá hoại. Ý kiến đó còn lấy ví dụ một số người được đào tạo ở Pháp được coi như “thế hệ vàng của trí thức Việt Nam”, chính những trí thức đó đã có những đóng góp quan trọng cho đất nước cả trong chiến tranh và hòa bình. Những ý kiến đó có tính thuyết phục. Nhưng cũng có ý kiến khi đọc “Tỉnh quốc hồn ca II” lại nêu cảm giác chối tai, khó nghĩ; vì ý kiến này không phù hợp với nhận thức của mình, nên Mai Thái Lĩnh vội vàng quy kết: “Nhận định này cho thấy óc bài ngoại (ghét Tây) đã ảnh hưởng đến nhiều trí thức người Việt trong việc nghiên cứu Phan Châu Trinh, khiến cho sự đánh giá thường thiên lệch, thiếu khách quan”. Nếu giải thích việc “ghét Tây” là “bài ngoại” thì chưa chuẩn. Người Việt Nam lúc đó “ghét Tây” là ghét cái thằng lính Pháp xâm lược, còn những gì là văn minh của nước Pháp, những thành tựu tiến bộ của nhân dân Pháp vẫn được trân trọng chứ?
Chính Mai Thái Lĩnh lại là người có cái nhìn thiên lệch và thiếu khách quan, cho nên cuối bài viết, tác giả võ đoán cho rằng: “điểm khác biệt giữa Phan Châu Trinh với Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh, vì hai nhân vật này từ chối cộng tác với phái hữu - dù là phái hữu ôn hòa. Mặt khác, đó cũng là sự khác nhau căn bản giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc (cũng như những người cộng sản Việt Nam nói chung), vì những người cộng sản coi mâu thuẫn giàu – nghèo, xung đột tả - hữu là mâu thuẫn đối kháng, một mất một còn, không thể hòa giải, chỉ có thể giải quyết bằng con đường bạo lực cách mạng để thiết lập nền chuyên chính vô sản”.
Thưa “thầy giáo” Mai Thái Lĩnh, “thầy” đã hiểu và vận dụng sai hay cố tình hiểu sai kiến thức về lý luận chính trị, nên mới có kiểu diễn đạt tùy tiện về “mâu thuẫn đối kháng”, về “bạo lực cách mạng” về “chuyên chính vô sản” như vậy???. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh dân tộc Việt Nam có rất nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Chúng ta không được quên hoặc phủ nhận hay hiểu chưa đầy đủ các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Còn nhớ, đầu thế kỷ XIX, mặc dù triều đình phong kiến nhà Nguyễn ký các Hiệp ước Ác-măng (Harmand) 1883 và Pa-tơ-nốt (Patenote) năm 1884, đầu hàng thực dân Pháp, song phong trào chống thực dân Pháp xâm lược vẫn diễn ra. Phong trào Cần Vương (1885-1896) một phong trào đấu tranh do Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát động, đã mở cuộc tiến công trại lính Pháp ở cạnh Kinh thành Huế (1885). Việc không thành, mặc dù Hàm Nghi bị bắt, nhưng phong trào Cần Vương vẫn phát triển, nhất là ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Cùng thời gian này còn nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đến 1913.
Thất bại của phong trào Cần Vương chứng tỏ sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trong việc giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc do lịch sử đặt ra.
Đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu chủ trương dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài, chủ yếu là Nhật Bản để đánh Pháp giành độc lập dân tộc, thiết lập một nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến của Nhật. Ông lập ra Hội Duy Tân (1904), tổ chức phong trào Đông Du (1906-1908). Chủ trương dựa vào đế quốc Nhật để chống Pháp không thành, ông về Xiêm chờ thời. Giữa lúc đó, cách mạng Tân Hợi bùng nổ và thắng lợi (1911). Ông về Trung Quốc lập ra Việt Nam Quang phục Hội (1912) với ý định tập hợp lực lượng rồi kéo quân về nước võ trang bạo động đánh Pháp, giải phóng dân tộc nhưng rồi cũng không thành công.
Phan Châu Trinh chủ trương dùng những cải cách văn hóa, mở mang dân trí, nâng cao dân khí, phát triển kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ hợp pháp như đã phân tích ở trên để làm cho dân giàu, nước mạnh, buộc thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho nước Việt Nam. Ở Bắc Kỳ có việc mở trường học, giảng dạy và học tập theo những nội dung và phương pháp mới, tiêu biểu là trường Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội. Ở Trung Kỳ có cuộc vận động Duy Tân, hô hào thay đổi phong tục, nếp sống, kết hợp với phong trào đấu tranh chống thuế (1908).
Sử sách thật minh bạch, có ai xuyên tạc nói xấu các cụ đâu. Giá như chủ trương của Phan Châu Trinh được Pháp chấp nhận thì hay quá, dân tộc Việt Nam đâu phải chịu cảnh đau thương kéo dài do đế quốc xâm lược. Vẫn biết là hai cụ Phan đều là những người yêu nước, nhưng chủ trương của các cụ chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, như Nguyễn Ái Quốc nhận xét.
Rõ ràng, do những hạn chế về lịch sử, về giai cấp nên Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, cũng như các sĩ phu cấp tiến lãnh đạo phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX không thể tìm được một phương hướng giải quyết chính xác cho cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc, nên chỉ sau một thời kỳ phát triển đã bị kẻ thù dập tắt.
Trước yêu cầu cấp bách phải tìm một con đường cứu nước mới, bằng thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén, tháng 6/1911, Nguyễn Ái Quốc đã lên đường sang các nước phương Tây, nơi có khoa học - kỹ thuật phát triển và những tư tưởng dân chủ tự do, xem họ làm thế nào, để rồi trở về nước giúp đồng bào cởi ách xiềng xích nô lệ. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng của các sĩ phu và của các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản… Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Dưới sự sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn thử thách, làm nên cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do; tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất non sông, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ bản thân mình, làm chủ vận mệnh của mình. Đất nước Việt Nam từ nghèo nàn lạc hậu đã bước vào thời kỳ mới có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế.
Thành quả trên chính là mục đích đạt được của cách mạng Việt Nam. Để đạt được mục đích, có thể phải sử dụng những phương tiện khác nhau, kể cả bạo lực hoặc không sử dụng bạo lực. Liên hệ với sự kiện toàn quốc kháng chiến năm 1946 càng thấm thía hơn khi mà chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng, chúng ta đã tỏ rõ thiện chí, cố gắng làm những việc có thể để đẩy lùi chiến tranh, nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp thi hành việc đã rồi, tăng cường khiêu khích và lấn chiếm. Không có con đường nào khác, “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Đó là lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính là tiếng gọi của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, sự kiên cường của nhân dân ta; làm cho cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, vì độc lập tự do thiêng liêng của Tổ quốc.
Lịch sử đã sang trang, những bài học quý báu trong chỉ đạo các cuộc kháng chiến chống xâm lược của cha ông ta, của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được trân trọng và phát huy, trong đó có việc sử dụng bạo lực cách mạng hay thiết lập nền chuyên chính vô sản chỉ là phương tiện để đạt mục đích là đánh thắng kẻ thù xâm lược giành độc lập dân tộc.
Vậy mà tiếc thay, một người có trình độ cao, am hiểu nhiều như Mai Thái Lĩnh lại thiển cận cho rằng: “chỉ có thể giải quyết bằng con đường bạo lực cách mạng để thiết lập nền chuyên chính vô sản”. Đáng tiếc hơn, Mai Thái Lĩnh lại lấy đó để lý giải về sự khác nhau căn bản giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc (cũng như những người cộng sản Việt Nam nói chung). Điều đáng nói và đáng trách hơn, Mai Thái Lĩnh hồ đồ kết luận: “Có thể chính vì lý do đó mà tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh đã bị xuyên tạc, nói xấu một cách hệ thống suốt gần một thế kỷ qua”! Nếu xuyên tạc và nói xấu Phan Châu Trinh thì làm sao tên Ông lại được trân trọng dùng để đặt tên cho nhiều đường phố và trường học trên khắp đất nước Việt Nam. Gần đây, một số nơi, nhất là Quảng Nam - quê hương ông đã tổ chức một số hoạt động thiết thực, trong đó có hội thảo nhân ngày sinh của Ông.
Thiết nghĩ, chẳng có lý do gì và có lẽ chẳng có ai xuyên tạc và nói xấu Phan Châu Trinh, chỉ có những người mượn danh nghiên cứu về Ông để “bóng gió” phủ nhận thành quả cách mạng, gây hoài nghi về đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Chẳng qua đây cũng chỉ là một kiểu “mượn gió bẻ măng” mà thôi. Với những người Việt Nam chân chính sẽ chẳng ai nghe và tin vào những điều mà Mai Thái Lĩnh và một số kẻ có chung quan điểm võ đoán như ông.
HÀ PHÚC LÂM