Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ trí thức...
Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ trí thức. Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay việc làm này càng trở nên thiết yếu. Xây dựng đội ngũ trí thức là nhằm khẳng định những đóng góp tích cực của lực lượng vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới. Đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng công - nông - trí tiếp tục được củng cố vững chắc.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho thấy đã đạt những kết quả quan trọng. Đó là: Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường... Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều nội dung của Nghị quyết chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển. Đội ngũ trí thức sáng tạo, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm phát huy đúng mức. Cơ chế hành chính quan liêu và tình trạng trì trệ, hình thức, hiệu quả hoạt động thấp trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nghiên cứu khoa học, các hội trí thức chậm được khắc phục.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 52-KL/TW, ngày 30/5/2019, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đáng lưu ý là: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, đồng bộ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ trí thức. Phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với xã hội. Tận dụng tiềm năng, cơ hội của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh hình thành hạ tầng tri thức hỗ trợ thúc đẩy sáng tạo và truyền bá tri thức... Nhà nước ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Tăng cường huy động và đa dạng hóa các nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ... Kiện toàn, tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các liên hiệp hội, hội trí thức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường sinh hoạt tư tưởng, nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ, sinh viên. Xây dựng quy định về phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức của các hội trí thức.
Cùng với những nhiệm vụ, giải pháp trên phải sớm xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030. Có chính sách khuyến khích cán bộ khoa học, trí thức học tập, làm việc tại các tổ chức quốc tế, cơ sở nghiên cứu khoa học, trường đại học, doanh nghiệp nước ngoài. Triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài.
LAN HỒ