Tại Ðà Lạt, việc không ngừng phát huy vai trò giám sát của đại biểu HÐND - người đại biểu dân cử được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, đã góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân trong thời gian qua.
Tại Ðà Lạt, việc không ngừng phát huy vai trò giám sát của đại biểu HÐND - người đại biểu dân cử được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, đã góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân trong thời gian qua.
|
Đại biểu HĐND thành phố chất vấn cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, cấp giấy CNQSD đất tại kỳ họp thường niên HĐND thành phố. Ảnh: N.Thu |
Một trong những nội dung được HĐND thành phố quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian qua đó là tăng cường tổ chức giám sát chuyên đề về việc giải quyết các vụ án dân sự tồn đọng kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai đối với Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt. Bước đầu đạt kết quả khả quan, nêu cao vai trò giám sát và yêu cầu cơ quan liên quan khắc phục những tồn tại, xử lý đúng quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng nhu cầu chính đáng của Nhân dân.
Cùng với việc phát triển chung của Đà Lạt, thời gian gần đây, công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các mặt của đời sống xã hội luôn được thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong đó, lĩnh vực quản lý đô thị trong thời kỳ mới được đặc biệt quan tâm xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy hoạch để phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Theo thống kê của UBND thành phố Đà Lạt, chỉ tính trong 3 năm (2016 - 2018) trên địa bàn thành phố Đà Lạt có trên 19 ngàn hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và gần 3 ngàn hồ sơ cấp mới về chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Song song với việc gia tăng nhanh chóng về giao dịch dân sự liên quan đến đất và nhà ở, thì tình hình tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng, mua bán, chuyển nhượng đất đai trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng gia tăng đáng kể, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được cử tri và báo chí lên tiếng phản ánh.
Từ tháng 10/2016 đến tháng 11/2018, Tòa án đã thụ lý trên 3 ngàn vụ việc, trong đó có 229 vụ việc dân sự hành chính, chiếm tỷ lệ 7,26% có liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng, mua bán, chuyển nhượng đất đai. Điều đó cho thấy các vụ án tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai chiếm một tỷ lệ đáng kể.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong những năm gần đây, một bộ phận người dân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chiếm dụng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, làm phát sinh khiếu kiện phức tạp. Mặt khác, do một số người dân thiếu hiểu biết về pháp luật nên không tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhà nước. Chính sách, pháp luật hiện nay có nhiều thay đổi, còn có những quy định chồng chéo, bất cập, chưa phù hợp thực tiễn cuộc sống nên dẫn đến các tranh chấp liên quan đến đất đai xảy ra. Chính vì vậy, từ 2016 - 2018, Tòa án thành phố đã phải thụ lý và giải quyết 674/817 vụ việc dân sự, trong đó 229 vụ án liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng, mua bán, chuyển nhượng đất đai.
Tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Lạt lần thứ 12, khóa XI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, đại biểu HĐND cũng chất vấn nhiều nội dung bức xúc từ Nhân dân. Giải trình về vấn đề này, lãnh đạo Tòa án Nhân dân thành phố Đà Lạt cho biết, do có sự thay đổi về chính sách, pháp luật, công tác quản lý Nhà nước về đất đai qua các thời kỳ của thành phố chưa chặt chẽ, một số hồ sơ lưu trữ không đầy đủ, thiếu hoặc thất lạc bản đồ quản lý đất, cắm mốc giới không chính xác, thiếu trích lục bản đồ, thiếu họa đồ thực địa… đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Tòa án trong việc xác định ranh giới đất... Từ những bất cập đó, dẫn đến việc giải quyết một số vụ việc còn kéo dài, chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Tại kỳ họp, bà Ngô Thị Mỹ Lợi - Trưởng Ban Pháp chế - HĐND thành phố Đà Lạt đã chỉ ra những tồn tại cần khắc phục liên quan đến giải quyết vụ việc tồn đọng về đất đai: Thực tế giám sát cho thấy một số thẩm phán được giao nhiệm vụ chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan Nhà nước để thực hiện việc thu thập chứng cứ, tống đạt văn bản tố tụng… phục vụ công tác giải quyết án, làm cho quá trình giải quyết án gặp nhiều khó khăn, bị kéo dài. Một số vụ án bị kháng nghị theo trình tự phúc thẩm do có vi phạm trong quá trình tố tụng hoặc đánh giá chứng cứ không chính xác, toàn diện nên cấp phúc thẩm phải sửa, hủy án hoặc bản án tuyên không phù hợp thực tế…
Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, HĐND thành phố Đà Lạt cũng yêu cầu UBND thành phố tăng cường quản lý đất đai với giải pháp kiện toàn các thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo đúng quy định, quy trình, không để xảy ra hiện tượng cấp GCNQSD đất bị chồng lấn, không đúng đối tượng. Cơ quan quản lý đất đai cũng cần chủ động giải quyết các tranh chấp đất đai trong quá trình xử lý biến động, tranh chấp, hạn chế mức thấp nhất khiếu kiện dẫn đến khởi kiện ra tòa án. Về phía Tòa án Nhân dân thành phố cũng cần rút kinh nghiệm về công tác xét xử các vụ án dân sự liên quan đến đất đai, hạn chế thấp nhất án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, hạn chế tồn đọng kéo dài. Đối với Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Đà Lạt, HĐND thành phố cũng yêu cầu cần tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án tiến hành các thủ tục đo vẽ đối với các vụ án đất đai, ưu tiên thực hiện các hợp đồng đo vẽ diện tích đất trong từng trường hợp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án.
NGUYỆT THU