Sau hai năm nỗ lực đưa Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đi vào cuộc sống, bức tranh nông nghiệp của xã Ninh Gia (Ðức Trọng) đã đa dạng hóa màu sắc. Ðiều này góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn.
Sau hai năm nỗ lực đưa Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đi vào cuộc sống, bức tranh nông nghiệp của xã Ninh Gia (Ðức Trọng) đã đa dạng hóa màu sắc. Ðiều này góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn.
|
Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đang là nhu cầu của nông dân Ninh Gia. Ảnh: N.Ngà |
Với tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 5.500 ha, lâu nay Ninh Gia là vùng có truyền thống sản xuất cây công nghiệp. Ông Trương Văn Quang - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ninh Gia cho biết: “Từ trước đến nay người dân Ninh Gia vẫn xác định cà phê là cây chủ lực. Tuy nhiên, những năm gần đây giá cả cà phê bấp bênh, năng suất cây trồng thấp nên nếu chỉ độc canh cà phê thì đời sống người dân khó mà cải thiện”.
Anh Nguyễn Đình Mẫu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Gia nói thêm: “Nhận thấy cà phê không còn mang lại lợi nhuận cao như nhiều năm trước, nên từ năm 2010 người dân bắt đầu đưa hồ tiêu vào trồng trên mảnh đất này. Và đặc biệt giai đoạn 2014 - 2015, giá hồ tiêu cao, người dân đổ xô trồng ồ ạt loại cây trồng này. Điều này gây sức ép rất lớn cho địa phương. Bởi vậy Đảng ủy xã Ninh Gia đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa rau, hoa thương phẩm trở thành cây trồng chủ lực như cà phê. Nghị quyết ra đời như một sự giải nguy, để người dân có nhiều hướng lựa chọn đầu tư tránh rủi ro”.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, các nội dung đã lần lượt được triển khai cụ thể và thường xuyên cho cán bộ, đảng viên nhất là tại 9 chi bộ thôn. Tiếp đó, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi tập quán sản xuất theo hướng chú trọng áp dụng các giải pháp đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thông qua việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa vào sử dụng các giống mới, giống lai có ưu thế vượt trội... Nghị quyết đưa ra hướng đi đúng, song thay đổi tư duy để người dân đi trúng là điều không hề dễ, nhất là khi vốn ít, kinh nghiệm không có và chưa tìm được đầu ra là những vấn đề rất lớn đặt ra. Bởi vậy, không triển khai ồ ạt, Ninh Gia chọn phương án tuyên truyền, vận động, để các hộ chủ động hưởng ứng. Tiếp đó, dưới sự chỉ đạo của xã, lãnh đạo các thôn chọn những hộ có nhu cầu chuyển đổi, có kinh nghiệm đầu tư sản xuất và đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư vốn ban đầu đi tham quan học hỏi các mô hình ở những địa phương sản xuất rau công nghệ cao tiêu biểu trên địa bàn huyện và huyện Đơn Dương. Cũng từ đây những hộ được chọn tiên phong được hưởng các chính sách hỗ trợ địa phương như tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật… Đây là nhân tố đầu tiên để chuẩn bị cho việc đưa nghị quyết vào cuộc sống ngày càng sâu rộng.
Cán bộ, đảng viên như anh Nguyễn Đình Mẫu là một trong những hộ được khuyến khích đi đầu. Anh chọn thử sức mình với việc canh tác dưa lưới. Liên tục hai năm, vợ chồng anh đi học hỏi kinh nghiệm ở các hộ đã thành công trên địa bàn huyện. Có những cuối tuần vợ chồng anh làm công không cho người ta để học hỏi. Cứ mỗi ngày đi học, đi làm về, nhật ký hành trình của anh chị lại thêm những gạch đầu dòng mới. Dần dần quy trình kỹ thuật được hình thành. Xác định thực hiện Nghị quyết chuyên đề này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã, nhiều nguồn lực đã được tập trung cho triển khai các nội dung đã đưa ra trong Nghị quyết. Và, việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay là một trong số đó. Gia đình anh Mẫu cũng nhờ được tiếp cận các nguồn vốn vay kịp thời nên việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng thêm thuận lợi. Bởi đất sản xuất anh lấy từ việc chuyển đổi một phần diện tích cà phê của gia đình. Từ vụ đầu cây ra trái, phấn khởi khi thu hoạch, đến nay nông dân Nguyễn Đình Mẫu càng thấy quyết định của mình đúng đắn khi sản phẩm dưa của gia đình có đầu ra ổn định, 3 tháng cho thu một lần năng suất đạt trên 3 tấn/sào. Hiện gia đình anh tiếp tục mở rộng thêm 1 sào diện tích trồng dưa lưới nữa. Song song với đó là áp dụng kỹ thuật chăm sóc diện tích cà phê còn lại để tăng năng suất. Và những nông hộ khác như Hoàng Mạnh Cường, Phạm Tấn Phúc, Võ Thành Phượng đều đã thành công và có nguồn thu lớn từ hoa đồng tiền, lan vũ nữ, ớt ngọt…
Sau hai năm nỗ lực chuyển đổi, hiện trên địa bàn toàn xã có khoảng 2.800 hộ sản xuất song song cây công nghiệp và rau thương phẩm, trong đó có 150 hộ đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 11%/năm. Hiện cà phê vẫn đang là cây trồng chủ lực với trên 4 ngàn ha, năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha. Tiếp đó, diện tích cây hồ tiêu trên 200 ha, năng suất 3,2 tấn/ha. Đặc biệt, đến nay trên địa bàn có 1,4 ha diện tích nhà kính, nhà lưới. Diện tích tưới phun tự động ngoài trời cho rau, cà phê là 183 ha. Diện tích phủ màng polyme cho rau 4 ha...
Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đang là nhu cầu của nông dân Ninh Gia. Việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân; đồng thời là yếu tố giúp địa phương tiếp tục giữ vững và phát triển các tiêu chí về nông thôn mới, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ổn định.
NGỌC NGÀ