(LĐ online) - Tư tưởng: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của Nhân dân, quyền thiêng liêng của con người và phải biết tin dân, dựa vào dân và lấy dân làm gốc...
(LĐ online) - Tư tưởng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của Nhân dân, quyền thiêng liêng của con người và phải biết tin dân, dựa vào dân và lấy dân làm gốc. Chính tư tưởng ấy đã quy tụ, tạo nên sức mạnh quật khởi để dân tộc ta làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã có chủ trương, chính sách đúng đắn về đoàn kết toàn dân tộc và việc thành lập Mặt trận Việt Minh (5/1941) với tuyên ngôn: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu đánh đuổi Pháp - Nhật giành độc lập cho xứ sở” là bằng chứng hùng hồn cho chủ trương đó. Trong “Kính cáo đồng bào” năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”. Rõ ràng, Cương lĩnh chính trị của Đảng, lời Kính cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ra đời của Việt Minh là những đột phá trong đường lối lãnh đạo cách mạng nhằm mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc.
Trong 15 năm lãnh đạo cách mạng (1930-1945), nhờ sự nhạy bén, sáng suốt trong việc xác định đúng kẻ thù, mục tiêu cách mạng cho từng thời điểm; kịp thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của quần chúng nên Đảng ta đã nhanh chóng tập hợp, khơi dậy và phát huy được sức mạnh của toàn dân, tạo nên sức mạnh vô địch đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 long trời lở đất, chỉ trong vòng 15 ngày đã thành công trong cả nước. Đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do. Có thể nói, thắng lợi của Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 là biểu tượng sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; minh chứng hùng hồn, khẳng định vai trò và sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong cách mạng; là kết quả về sự đồng thuận, đồng lòng trong Nhân dân, với tinh thần tự lực, tự cường nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay mình.
Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng ta đã rút ra được nhiều bài học quý báu trong đó có bài học lớn về phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc tham gia cách mạng. Và bài học này đã trở thành truyền thống, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không ngừng kế thừa, phát triển, nâng lên tầm cao mới; trở thành động lực và sức mạnh chủ yếu, một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong gần 75 năm qua. Đối với tỉnh Lâm Đồng, bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc lại càng có ý nghĩa quan trọng, bởi là một tỉnh có trên 40 dân tộc và trên 60% người dân tham gia các tôn giáo cùng nhau sinh sống. Thực tế thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ...
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp như hiện nay, nhất là khi nước ta đang phải đương đầu với những thách thức mới; sự chống phá quyết liệt và tinh vi của kẻ thù nhằm tạo sự nghi ngờ, gây mâu thuẫn nội bộ, làm suy giảm lòng tin trong nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy yếu sức mạnh của đất nước, thì việc xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng trở nên bức thiết, quan trọng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới; tăng cường đồng thuận xã hội trên cơ sở lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước… để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước vào một mặt trận chung.
Thứ hai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong Đảng, trong xã hội; sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vấn đề lợi ích nhóm… là những mầm mống của sự phân hóa, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy yếu sức mạnh của dân tộc.
Thứ ba, việc vận dụng sáng tạo và không ngừng phát triển, nâng cao bài học đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám 1945, yêu cầu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như địa phương đều phải xuất phát từ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giải quyết hài hòa lợi ích giữa các thành phần trong xã hội, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội; quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt của Nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số…
Thứ tư, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm hạt nhân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”. Theo đó, các cấp ủy đảng và chính quyền cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức vận động quần chúng nhân dân; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để Nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình; tổ chức và động viên, quy tụ Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước...
Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển hội viên, đoàn viên; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tổ chức để phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức, nhất là việc giám sát và phản biện xã hội; tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động có hiệu quả thiết thực,… góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, bài học về đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay vẫn còn nguyên giá trị và luôn mang tính thời sự nóng hổi. Việc tiếp tục vận dụng sáng tạo bài học này trong bối cảnh mới sẽ tạo ra động lực và sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
VĂN NHÂN