Giảm nghèo - nhìn từ Ðam Rông

06:08, 01/08/2019

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định liên quan nhằm từng bước nâng cao đời sống Nhân dân...

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định liên quan nhằm từng bước nâng cao đời sống Nhân dân. Trong năm 2016 - 2018, tỉnh đã phân bổ tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trên 312 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương hơn 290,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 21,9 tỷ đồng. Tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi nhằm phát triển sản xuất. Thời gian qua, doanh số cho vay hộ nghèo 21.674 lượt/618,624 tỷ đồng, hộ cận nghèo 33.676 lượt/926,978 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo khoảng 21.000 lượt/768 tỷ đồng; hỗ trợ vốn vay làm nhà ở theo Đề án 654/UBND-XD cho 491 lượt khách hàng/12,275 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất đối với người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 241 lượt/9,705 tỷ đồng. Trong các tiểu dự án thực hiện Chương trình, Lâm Đồng chú trọng triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nổi bật là ở huyện 30a Đam Rông. 
 
Qua 2 năm, toàn huyện Đam Rông đã trồng rừng 30a được 115,37 ha (trong đó, năm 2016: 110 ha; năm 2017: 5,37 ha)... Hiện cây trồng keo lai sinh trưởng tốt, góp phần đáng kể vào việc phủ xanh đồi trọc, tăng tỷ lệ che phủ của rừng lên trên 64,64%. Đẩy mạnh giao khoán QLBVR, huyện đã giao khoán 38.246,36 ha/2.640 hộ nhận quản lý bảo vệ theo chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng. Từ nguồn thu nhập nhận khoán bảo vệ rừng giúp cho hộ nghèo góp phần cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập và ổn định đời sống kinh tế. Hỗ trợ dạy nghề với nguồn kinh phí 1,3 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ đào tạo 23 lớp nghề/597 học viên với các nghề được đào tạo gồm sửa chữa xe máy, gò hàn, trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Thông qua các lớp dạy nghề, người học đã áp dụng trực tiếp những kiến thức, kỹ năng được học vào sản xuất tại hộ gia đình, giảm chi phí, thời gian lao động, tăng năng suất hiệu quả lao động, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. 
 
Đối với chương trình hỗ trợ sản xuất, trên cơ sở nhu cầu cần hỗ trợ của Nhân dân, Ban chỉ đạo 30a của Đam Rông đã căn cứ nguồn vốn và các tiêu chí hộ nghèo, số hộ nghèo của từng xã để phân bổ kinh phí cho các địa phương lập phương án hỗ trợ sản xuất. Trong đó ưu tiên, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
 
Nhìn chung, các chương trình hỗ trợ ở Đam Rông đều được triển khai đến người dân. Người dân được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi mới; được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt - chăn nuôi đem lại năng suất cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên, việc cấp con giống, cây trồng ở một số nơi chưa có hiệu quả do một số hộ chưa biết chăm sóc, nuôi trồng. Một số hộ dân chưa nhận thức được sự hỗ trợ của Nhà nước, tinh thần trách nhiệm chưa cao, ít quan tâm đến cây trồng, vật nuôi dẫn đến hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ theo quy định còn thấp; giá cả thị trường không ổn định gây khó khăn trong việc nhân rộng mô hình.
 
Với nhiều cách làm linh hoạt, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 của Lâm Đồng đã đạt kết quả tích cực. Trong 3 năm 2016 - 2018, cả tỉnh giảm được 6.862 hộ nghèo so với cuối năm 2016, bằng 43,14% số hộ nghèo vào cuối năm 2016. Bình quân mỗi năm, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,27%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3,54%. Các địa phương có mức giảm nghèo cao trong thời gian qua là TP Đà Lạt, huyện Cát Tiên, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương. Kết quả giảm nghèo trong năm 2018 bền vững hơn năm 2016; trong năm 2018, cả tỉnh có 3.895 hộ thoát nghèo, đồng thời có 762 hộ phát sinh nghèo và 51 hộ tái nghèo; nghĩa là khoảng 5 hộ thoát nghèo thì 1 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo (năm 2016 cứ 3 hộ thoát nghèo thì 1 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo).
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trong tỉnh cũng còn những khó khăn, hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là: Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh chưa kịp thời. Từ đó, gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, như việc hướng dẫn nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo... Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho Chương trình còn hạn chế trong đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Việc huy động nguồn lực xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
 
LAN HỒ