5 năm qua, Lâm Đồng đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và đạt những kết quả quan trọng, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế.
5 năm qua, Lâm Đồng đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và đạt những kết quả quan trọng, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế.
Lâm Đồng có 1.307.163 người với 43 dân tộc. Trong đó, đồng bào DTTS 70.655 hộ với 314.104 người, chiếm 24,1% dân số toàn tỉnh. Một số DTTS có số lượng lớn, như: Cơ Ho, Mạ, Churu, Nùng, Tày, Hoa, M’Nông. Đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên 39.792 hộ với 196.061 người, chiếm 15,0%. Có 66 xã/147 xã, phường, thị trấn và 468 thôn/1.564 thôn, tổ dân phố có trên 20% đồng bào DTTS sinh sống và nhiều địa phương đồng bào DTTS chiếm trên 80%.
Đến nay, 100% số xã có điện lưới quốc gia, trên 70% số hộ đồng bào DTTS được dùng điện; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả hai mùa khô và mùa mưa, nhiều xã vùng sâu, vùng xa đã có đường bê tông, nhựa. 38/46 xã và 19/129 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn III; 25/46 xã ĐBKK đạt chuẩn về nông thôn mới, 10 xã đạt từ 15-16 tiêu chí, 11 xã đạt từ 12-14 tiêu chí, không có xã đạt dưới 12 tiêu chí; còn 11 xã và 110 thôn ĐBKK cần tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tiếp theo... Nhìn chung, tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS phát triển khá toàn diện. Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm. Toàn tỉnh hiện còn 9.046 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,85%; hộ nghèo đồng bào DTTS còn 6.008 hộ (chiếm 8,50%) và hộ cận nghèo còn 7.437 hộ (chiếm 10,52%). Cuối năm 2018, GDP bình quân đầu người trong tỉnh đạt 59,7 triệu đồng, vùng đồng bào đạt 35,84 triệu đồng. Không còn hộ đói giáp hạt và tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 11,56% xuống 8,56% (giảm 3%). Đồng bào đã biết ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu; chuyển đổi tập quán từ sản xuất nương rẫy sang sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp hàng hóa mang lại kinh tế cao. Số hộ đồng bào sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng, góp phần tích cực vào việc thoát nghèo bền vững.
Đạt những kết quả trên là do Lâm Đồng đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù của từng địa phương. Từ đó, xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể, đồng bộ và thống nhất đến từng đối tượng và xác định rõ những yếu tố liên quan. Đây là bài học lớn đối với việc triển khai đề án giải quyết đất ở, đất sản xuất trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, công tác đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS vẫn còn gặp một số khó khăn như: Nguồn vốn đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao; nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý các chương trình đầu tư cho các xã ĐBKK còn hạn chế; chưa lồng ghép tốt giữa các chương trình đầu tư cùng địa bàn, cùng đối tượng thụ hưởng. Công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Việc xác định cơ cấu cây trồng để hỗ trợ phát triển sản xuất ở một số địa phương vẫn lúng túng. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; kinh tế tập thể chưa phát triển, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế…
Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân mỗi năm từ 2 - 3%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015; giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất. Để đạt những mục tiêu này, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Thúc đẩy phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng sinh thái để tăng năng suất, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong đó, ưu tiên xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng; trang bị kiến thức cho các hộ đồng bào nhằm nâng cao nhận thức, lập kế hoạch sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh. Thực hiện các biện pháp để người dân quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai để đầu tư phát triển sản xuất ổn định lâu dài; kịp thời giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào DTTS...
LAN HỒ