(LĐ online) - Ngày 20/8/2019, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương (Chỉ thị 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng...
(LĐ online) - Ngày 20/8/2019, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương (Chỉ thị 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCS) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hội nghị có sự tham dự của bà Trần Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam; ông Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện (BĐD) Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH tỉnh Lâm Đồng; cùng đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương, thành viên BĐD HĐQT NHCSXH các cấp và các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong triển khai Chỉ thị 40.
|
Đồng chí Trần Đức Quận khẳng định vai trò của Chỉ thị 40 trong hoạt động TDCS của NHCSXH |
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư do ông Nguyễn Thanh Lân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng trình bày, cho biết: Chỉ thị 40 đã từng bước đi vào đời sống của người dân, tạo được nhận thức cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên; công tác ủy thác TDCS của NHCSXH đối với các hội đoàn thể giúp chất lượng sinh hoạt của các tổ chức Hội được nâng lên, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới được nhân rộng, đời sống của hội viên được cải thiện… Chỉ thị số 40 - CT/TW cũng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, các cấp ủy đảng, chính quyền đã xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch và hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, khẳng định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo xây dựng, thực hiện kế hoạch định kỳ hàng năm, đề xuất các cơ chế chính sách, ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng cường quản lý vốn tín dụng đúng mục đích, hiệu quả và củng cố, nâng cao chất lượng TDCS trên địa bàn…
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư, tổng nguồn vốn TDCS đến 30/6/2019 đạt 3.375.797 triệu đồng, tăng 1.340.105 triệu đồng so với năm 2013 (+65,8%), trong đó: nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển về 2.896.151 triệu đồng, chiếm 85,8% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động được cấp bù lãi suất 349.244 triệu đồng, chiếm 10,3% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương 130.402 triệu đồng, chiếm 3,9% trong tổng nguồn vốn. Dư nợ ủy thác đến 30/6/2019 đạt 3.223.417 triệu đồng/2.499 Tổ TK&VV, chiếm tỷ lệ 99,9% trên tổng dư nợ của chi nhánh.
|
Trao Bằng khen của UBND tỉnh cho cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 40 |
5 năm qua, TDCS đã giúp trên 220 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được vay vốn, với doanh số cho vay trên 5.008 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 835 tỷ đồng. Tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng chính sách đến 30/06/2019 đạt 3.227 tỷ đồng, tăng 1.064,9 tỷ đồng so với năm 2014 (+49,2%), trong đó dư nợ cho vay tại huyện nghèo Đam Rông là 259,1 tỷ đồng, dư nợ tại các xã nghèo của tỉnh là 166 tỷ đồng, dư nợ tại các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) là 2.653 tỷ đồng.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của TDCS, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và ngày 23/1/2015, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 4777-CV/TU chỉ đạo các cấp ủy đảng và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW. UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 2470/KH-UBND ngày 11/5/2016 và 14 văn bản khác trong 5 năm qua để tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. |
Các chương trình TDCS cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 6,67% cuối năm 2013 xuống còn 2,85% cuối năm 2018; giúp 87 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM, trong đó, huyện Đơn Dương được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Từ nguồn vốn các chương trình TDCS đã giúp gần 11.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 10.500 lao động; tạo điều kiện cho trên 31.200 lượt học sinh sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp cho 342 lao động đi làm việc ở nước ngoài; giúp xây dựng trên 119.000 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn tại vùng nông thôn góp phần cải tạo môi trường sống; xây dựng 743 căn nhà...
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, hoạt động TDCS nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tháng 7/2019, qua khảo sát thực tế, World Bank đã đánh giá NHCSXH là nhà cung cấp tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam. Và thực tế, TDCS góp phần giúp Việt Nam giảm tỷ lệ tái nghèo, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, xác định: Hoạt động TDCS là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng. Cùng với sự phát triển KT-XH, TDCS góp phần đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việc phối hợp triển khai nhiệm vụ hỗ trợ vốn cho các đối tượng chính sách đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với thực hiện NQ30a của Chính phủ. Kết quả sau 5 năm đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ và Nhân dân; tạo được niềm tin của Nhân dân với các chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và diện mạo nông thôn, thể hiện ở tinh thần, trách nhiệm của người dân trong cuộc sống. Chỉ thị 40 rất đúng, rất trúng và rất hợp lòng dân!
LÊ HOA