(LĐ online) - Ngày 31/7/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8...
(LĐ online) - Ngày 31/7/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8. Tham dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan sở ngành trong tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Đoàn Văn Việt chủ trì cuộc họp.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt chủ trì cuộc họp KT-XH tháng 7 |
Báo cáo tình hình trong tháng 7/2019 cho thấy, kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ thời vụ; dịch bệnh trên cây trồng cơ bản được kiểm soát; công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt; ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng; lĩnh vực thương mại, dịch vụ duy trì tốc độ phát triển; lượng khách du lịch, khách qua lưu trú tăng khá so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng tăng so với cùng kỳ; các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục thực hiện tốt theo kế hoạch đã đề ra; đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định. Công tác chuẩn bị cho năm học mới thực hiện đúng tiến độ...
Bên cạnh vẫn còn nhiều khó khăn, đó là tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan, gây thiệt hại đáng kể cho các hộ chăn nuôi; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn biến ngày càng phức tạp; tình hình giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản đạt thấp và giảm so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng; tình hình thu hút đầu tư gặp khó khăn; trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn…
Lãnh đạo các sở ngành cũng có nhiều ý kiến về tình hình của ngành mình phụ trách. Trong đó, theo Giám đốc Sở NN-PTNT: Cả nước có 62 tỉnh thành phát hiện dịch tả lợn châu Phi (chỉ còn Ninh Thuận chưa có dịch). Lâm Đồng có 3 huyện chưa phát hiện dịch là Đà Lạt, Đơn Dương và Lạc Dương. Nhưng với lượng heo dịch phải tiêu hủy khoảng 1.700 tấn (6% tổng đàn) cần khoảng 46 tỷ đồng hỗ trợ. Nếu mỗi ngày tiêu hủy từ 700-1.000 con thì sẽ thiệt hại khoảng 15-20% tổng đàn và cần ngân sách hỗ trợ khoảng 200 tỷ.
Tình hình giải ngân vốn XDCB đến hết tháng 7 đạt 40%, thấp hơn cùng kỳ 13,2%; một số chủ đầu tư và ban quản lý chưa giải ngân (5 đơn vị giải ngân bằng 0 là các công trình, dự án của UBND tỉnh, Sở TNMT, Bệnh viện tỉnh, Bệnh viện II, BQL các KCN). Nếu đến tháng 9/2019, mà không giải ngân được nguồn vốn Trung ương thì sẽ điều chuyển cho các địa phương khác là chỉ đạo của Thủ tướng trong cuộc họp 6 tháng. Vì vậy, Giám đốc Kho bạc Nhà nước đề nghị UBND có chỉ đạo quyết liệt để đôn đốc tỷ lệ giải ngân.
Có những vấn đề khác được đại diện các sở ngành cảnh báo, như: Tháng 7 có thêm 160 ca xuất huyết, dù chưa có ca tử vong, nhưng đưa tổng số ca sốt xuất huyết lên 597 trường hợp trong cả tỉnh. Khách du lịch có tăng trưởng, nhưng khách ngoại giảm do ngưng đường bay Vũ Hán và khách Thái Lan đang chững lại; cần sớm thực hiện các tiểu ban để triển khai chương trình Festival theo đúng tiến độ. Tình hình ma túy không phức tạp như các tỉnh có đường biên, nhưng hiện nay đã phát hiện những đối tượng không những vận chuyển tép mà còn vận chuyển đến bánh heroin...
Chủ tịch tỉnh Đoàn Văn Việt yêu cầu các sở ngành tập trung tháo gỡ các tồn đọng. Trong đó, chú ý những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; tập trung thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi, thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác rừng trái phép; đảm bảo an toàn kênh, mương, hồ, đập, cầu, cống và các phương án phòng, chống, khắc phục thiệt hại thiên tai trong mùa mưa bão…
NHẬT QUÂN