Đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số

06:09, 27/09/2019

Lâm Đồng là tỉnh miền núi, dân số khoảng 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24,1%. Những năm gần đây, đời sống vật chất tinh thần của người DTTS được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh chính trị cũng cơ bản được giữ vững...

Lâm Đồng là tỉnh miền núi, dân số khoảng 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 24,1%. Những năm gần đây, đời sống vật chất tinh thần của người DTTS được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh chính trị cũng cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên, những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng tìm cách móc nối, xâm nhập vào địa bàn, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Tình hình an ninh, trật tự (ANTT) trong vùng đồng bào DTTS vì vậy vẫn còn tồn tại những yếu tố phức tạp.
 
Công an huyện Đạ Tẻh làm công tác dân vận tại vùng đồng bào DTTS ở buôn Con Ó, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Ảnh: Hữu Sang
Công an huyện Đạ Tẻh làm công tác dân vận tại vùng đồng bào DTTS ở buôn Con Ó, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Ảnh: Hữu Sang
 
Trước tình hình trên, công tác đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào DTTS được ngành công an xác định là nhiệm vụ then chốt. Theo đó, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của các tín đồ; thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh xã hội, giữ vững ANTT vùng DTTS trong tình hình mới. Đồng thời tham mưu giải quyết ổn định các vụ mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện liên quan đến dân tộc, không để phát sinh điểm nóng để các thế lực thù địch, bọn tội phạm lợi dụng chống phá.
 
Theo số liệu của Công an tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.382 đối tượng liên quan đến Fulro đang sinh sống tại địa phương. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra tình trạng biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng liên quan đến Fulro, cũng chưa phát hiện các đối tượng Fulro lưu vong liên lạc, chỉ đạo số đối tượng trong tỉnh thực hiện các vụ việc nhằm vu cáo, xuyên tạc các chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của ta. Tuy nhiên, trong hoạt động về tôn giáo, đặc biệt là của đạo Tin lành, trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những diễn biến phức tạp. Tình trạng tranh giành tín đồ giữa các hệ phái cũng diễn ra khá phức tạp. Một số đối tượng tham gia các giáo hội, hội giáo trái phép vẫn lén lút hoạt động, gây tình trạng hoang mang trong Nhân dân và làm ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương. Tình trạng di cư tự do của người DTTS ở các tỉnh phía Bắc vào Lâm Đồng ở một số vùng, đặc biệt là ở Đam Rông và Lạc Dương cũng gây ra một số vấn đề phức tạp về ANTT, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh. Tình hình hoạt động của các tổ chức phản động trên địa bàn, theo nhận định của ngành công an, gần đây, cũng có những dấu hiệu đáng lo ngại. Một số đối tượng đã được giao nhiệm vụ phát triển các tổ chức phản động tại địa phương; tuy nhiên lực lượng công an với công tác nghiệp vụ và sự hỗ trợ của người dân đều nắm bắt được tình hình để xử lý và theo dõi. 
 
Trước một số vấn đề trên, Công an tỉnh đã triển khai những biện pháp nghiệp vụ phù hợp, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện một số âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, những cá nhân, tổ chức lưu vong hoạt động nhằm lôi kéo các đối tượng đang sống tại địa phương với mục đích tạo ra các hoạt động chống đối chính quyền để chủ động đấu tranh, ngăn chặn không để xảy ra các vụ gây rối. Đặc biệt, lực lượng công an đã tham mưu, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn phức tạp, trọng điểm để tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức của Nhân dân về âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và tổ chức phản động để họ hiểu, cảnh giác, không tin, không làm theo các luận điệu tuyên truyền, kích động của địch và các phần tử xấu. 
 
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được phát triển sâu rộng và có hiệu quả; tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, củng cố được 4.025 tổ an ninh nhân dân, 444 đội dân phòng, 924 đội tuần tra nghĩa vụ, 586 tổ bảo vệ dân phố và 1.341 tổ hòa giải.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm ANTT vùng DTTS cũng nhận được sự vào cuộc tham gia tích cực của các cấp chính quyền ở cơ sở. Cùng với lực lượng chức năng, các cấp chính quyền cơ sở đã làm rất tốt công tác vận động người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia giữ gìn ANTT; tổ chức bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, trình độ chính trị, hiểu biết xã hội, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người có uy tín, coi đây là những mấu chốt trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Đặc biệt, ngành công an thời gian qua cũng đã tăng cường xây dựng lực lượng công an cơ sở, ưu tiên bố trí, phân công công tác cho công an cấp huyện, xã. Công an các cấp, mũi nhọn là cán bộ, chiến sỹ an ninh và công an phụ trách xã được tập trung xuống cơ sở, nắm chắc tình hình, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ âm mưu của các thế lực thù địch, phản động. Hiện tỉnh có 49% các xã trọng điểm, phức tạp đều được bố trí Trưởng công an xã.
 
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ANTT, lực lượng Công an, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện tốt việc nắm tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo để củng cố niềm tin của đồng bào. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân; đảm bảo nguồn lực con người, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số ít người trong đảm bảo ANTT.
 
NGUYÊN THI