Ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số - một nhiệm vụ trọng tâm

06:09, 12/09/2019

Thực hiện Chương trình hành động Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2 (2014 - 2019), diện mạo vùng đồng bào DTTS trong tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ và thay đổi khá toàn diện;...

Thực hiện Chương trình hành động Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2 (2014 - 2019), diện mạo vùng đồng bào DTTS trong tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ và thay đổi khá toàn diện; kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư; hệ thống đường liên xã, giao thông nông thôn được cứng hóa; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, phát triển ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm. Đồng bào đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu; chuyển đổi tập quán từ sản xuất nương rẫy sang sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp hàng hóa mang lại kinh tế cao. Số hộ đồng bào DTTS sản xuất, kinh doanh giỏi tăng, góp phần tích cực vào việc thoát nghèo bền vững.
 
Để đạt kết quả lớn lao ấy, thời gian qua, toàn hệ thống chính trị trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành TW (Khóa IX) về công tác dân tộc, Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác dân tộc, đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách về công tác dân tộc, góp phần quan trọng phát triển KT-XH vùng DTTS. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc, các chương trình dự án được đầu tư; chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa vùng đô thị với vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS.
 
Hàng năm trong Nghị quyết lãnh đạo phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều xác định nhiệm vụ trọng tâm tập trung ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho vùng DTTS. Tỉnh ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện các chính sách về công tác dân tộc; thực hiện hiệu quả các Chương trình: 135, 134, 30a; trợ cước, trợ giá, chương trình hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, các dự án định canh định cư, ổn định dân di cư tự do, Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, mua sắm nông cụ, nước sinh hoạt cho đồng bào. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng và phát huy lực lượng cốt cán, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc. Nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc phát sinh ngay tại cơ sở để giữ vững ổn định chính trị, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, bình đẳng giúp nhau cùng phát triển. 
 
Tuy đạt nhiều thành quả có ý nghĩa song công tác phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS còn gặp một số khó khăn và hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là: Xuất phát điểm của vùng đồng bào DTTS thấp; hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, di dân tự do còn nhiều, trình độ dân trí thấp; thiên tai, hạn hán, dịch bệnh xảy ra liên tục trong nhiều năm. Một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân chủ quan: Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở về việc đầu tư toàn diện phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS chưa được quan tâm đúng mức; có lúc, có nơi chưa đầy đủ; chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị; trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa đồng bộ,... Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình, dự án trong vùng đồng bào DTTS chưa chặt chẽ, thiếu sự liên kết, thống nhất. Các nguồn lực chưa tập trung đầu tư để giải quyết dứt điểm cho từng mục tiêu, địa bàn, đối tượng; đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp.
 
LAN HỒ