Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương lớn về sự nêu gương

09:09, 01/09/2019

Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất rộng lớn, phong phú, sâu sắc nhưng vô cùng thiết thực với cán bộ, đảng viên, nhân dân là học theo sự nêu gương của Người.

Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất rộng lớn, phong phú, sâu sắc nhưng vô cùng thiết thực với cán bộ, đảng viên, nhân dân là học theo sự nêu gương của Người.
 
Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969- 2/9/2019), Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (7/1960)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (7/1960)
 
Xin trân trọng giới thiệu bài viết của phó giáo sư - tiến sỹ Trần Quang Nhiếp, nguyên Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản tại hội thảo:
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị đại trí, đại nhân, đại dũng - danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Nhưng ở Người luôn hiện hữu một người đảng viên cộng sản, một chiến sỹ cách mạng, một công dân mẫu mực. Vì thế, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất rộng lớn, phong phú, sâu sắc nhưng vô cùng thiết thực với cán bộ, đảng viên, nhân dân là học theo sự nêu gương của Người.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng suốt mấy chục năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, trải nghiệm trong cuộc đấu tranh bão táp của cách mạng thế giới, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, nhà lãnh đạo kiệt xuất, vị lãnh tụ tài tình của dân tộc; Người đã cùng Đảng ta lãnh đạo nhân dân giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thực dân, phong kiến, mang lại nền độc lập, tự do, hạnh phúc đích thực cho nhân dân; Người làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp cao cả, tấm gương lớn của Người để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta vô cùng to lớn, quý giá, mãi mãi trường tồn.
 
Một trong những giá trị tinh thần, sức mạnh vật chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm trí và đời sống các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân ta hiện nay và mãi mãi mai sau là tấm gương lớn về sự nêu gương của Người. Người hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho dân, cho nước không một chút toan tính riêng tư cho cá nhân mình tới tận lúc Người từ biệt thế giới này.
 
Học tập, làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tiếp cận những câu chuyện kể về Bác; qua tìm hiểu lịch sử thân thế, sự nghiệp của Người; qua nghiên cứu giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người được nâng lên tầm cao, chiều sâu tư tưởng, lý luận, trí tuệ, văn minh, văn hóa Hồ Chí Minh. Tấm gương nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện vô cùng phong phú, sinh động, sâu sắc, chúng ta có thể khái quát ở những điểm chính sau:
 
1. Tấm gương nêu gương về sự hy sinh vì dân, vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành 21 tuổi chứng kiến cảnh dân tộc, những người đồng bào thân thiết của mình bị bọn thực dân, phong kiến áp bức vô cùng tàn bạo, sống quằn quại, đau thương của kiếp người nô lệ, đã tự đặt trách nhiệm cho mình phải ra đi tìm đường cứu nước, mang lại “tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc.”
 
Trong bối cảnh đất nước đắm chìm đau thương trong vòng nô lệ, với hai bàn tay trắng, người thanh niên ấy tự nhận trách nhiệm về mình, chấp nhận cuộc dấn thân lao vào vòng xoáy bão dông của chủ nghĩa đế quốc đang hoành hành thế giới để tìm đường cứu nước, cứu dân.
 
Một quyết định lịch sử dám chấp nhận muôn vàn thử thách, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chỉ có một khát khao, một niềm tin sắt đá rằng dân tộc mình, Tổ quốc mình nhất định phải được sống độc lập, tự do, hạnh phúc như các dân tộc khác trên thế giới. Có niềm tin, có khát vọng, nhưng Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã là kết tinh ý chí, khí phách, phẩm giá, nhân cách, truyền thống của các dân tộc dám đứng lên, tìm đường, dẫn dắt cả dân tộc tự giải phóng mình.
 
Suốt hành trình mấy chục năm bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước và cả cuộc đời hoạt động lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tấm gương nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp Người vượt qua muôn vàn thử thách, tù đày, đánh bại những kẻ thù gian ác, hiểm độc, tàn bạo nhất hành tinh. Thực tế sinh động tấm gương nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc dấn thân đầy gian khổ, lâu dài, chưa hình dung suốt chặng đường cách mạng cam go, quyết liệt, thắng bại như thế nào thấy rõ ý chí về sự hy sinh lớn lao, vĩ đại của bản thân vì một khát vọng, một tương lai tươi sáng của dân tộc.
 
Suốt cuộc đời cách mạng vinh quang và hiển hách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chấp nhận bao sự hy sinh cá nhân về danh lợi; về sự khủng bố, đe dọa, sự ve vãn để giữ vững chí khí, lòng trung kiên với dân, với nước là bài học sâu sắc, bài học đầu tiên Người dạy cán bộ, đảng viên, nhân dân ta phải chủ động, tự tin, tự giác, tiên phong, gương mẫu không ngại khó khăn, gian khổ, dám hy sinh vì sự nghiệp cao cả của dân tộc.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn. Người thường nhắc nhở, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau.” Sự nêu gương đi đầu dám nghĩ, dám làm, dám lao vào nơi gian khổ để quần chúng nhân dân tin, noi theo là phẩm chất, nhân cách, khí phách của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân, không toan tính, thu vén lợi ích riêng tư, luôn đặt lợi ích chung của nhân dân, đất nước, dân tộc lên trước hết, trên hết. Đó là cơ sở, là điểm xuất phát cho nhận thức dám hy sinh phấn đấu, tính tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên ở bất cứ thời điểm nào.
 
2. Tấm gương nêu gương nói và làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm làm cách mạng là thay đi chế độ xã hội cũ xấu xa, lạc hậu, xây nên chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn, văn minh hơn, tiến bộ hơn.
 
Suốt cả cuộc đời, Người luôn tâm niệm ý chí làm cho nhân dân ta, đồng bào ta, Tổ quốc ta, dân tộc ta được độc lập, tự do, hạnh phúc, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, mọi người đều được ấm no, ai cũng được học hành; đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, sánh vai với các nước anh em tiến bộ trên thế giới. Thực hiện lý tưởng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả đời mình, từ tuổi thanh xuân đến lúc ra đi tìm đường cứu nước, chấp nhận cuộc dấn thân với bao thử thách trước bao kẻ thù gian manh, tàn bạo, hung hãn nhất thời đại và đã chiến thắng một cách vẻ vang.
 
Từ một nước ngót trăm năm bị đô hộ của chủ nghĩa thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á - một khát vọng mà Người từng mong ước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong giặc ngoài, nạn đói, nạn mù chữ, nền tài chính khánh kiệt… tình thế “ngàn cân treo sợi tóc,” nhưng bằng trí sáng tạo, khát vọng độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng và nhân dân ta vượt qua tất cả để chiến đấu, chiến thắng giữ vững nền độc lập của nhà nước non trẻ vừa thành lập.
 
Nói và làm là khí phách, tâm hồn, tấm gương nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập năm 1945, năm 1946 thực dân Pháp trở lại muốn cướp nước ta bằng tất cả dã tâm của tên đứng đầu chủ nghĩa thực dân cũ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố chúng ta nhất định không chịu mất nước, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi, địch nhất định thua. Bằng ý chí, nghị lực của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh 9 năm, buộc thực dân Pháp thất bại nhục nhã, cuốn cờ rút khỏi nước ta bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7/5/1954.
 
Tiếp đó, chủ nghĩa thực dân mới, đứng đầu là đế quốc Mỹ với binh hùng, tướng mạnh, của cải như nước, vũ khí tối tân, tàn bạo, vô nhân hùng hổ muốn thay thực dân Pháp đàn áp, nô dịch cướp nước ta. Biết địch, biết ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại kiên quyết kêu gọi toàn dân ta đánh giặc, không chịu khuất phục trước mọi âm mưu, thủ đoạn, thế lực của quân thù đã quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân sáng tạo, lấy “nước” dập tắt “lửa,” và cuối cùng đế quốc Mỹ đã thất bại, nhân dân ta đã chiến thắng, Tổ quốc thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, ngày nay tiếp tục đổi mới, phát triển, hội nhập với thế giới hiện đại, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
 
Những việc lớn liên quan tới vận mệnh lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là làm, làm bằng được. Người nói, nước Việt Nam có quyền độc lập, tự do; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nhất định thắng lợi; trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ ta nhất định thắng, địch nhất định thua; thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; nhân dân ta sẽ được sống trong độc lập tự do, hạnh phúc, mọi người đều được làm chủ cuộc sống của mình, văn minh, tiến bộ, sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới và không ngừng phát triển… Tất cả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đã thực hiện xuất sắc điều mình nói, niềm ước vọng của mình. Người đã làm tất cả những điều trọng đại mình nói.
 
Không chỉ những việc lớn, ngay cả những việc rất nhỏ, cụ thể, tưởng như ít ai để ý trong cuộc sống thường ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là làm, làm trước, làm tốt để cán bộ, đảng viên noi theo. Để cứu đói năm 1945, Người kêu gọi mọi người lập “hũ gạo cứu đói,” Người làm việc đó đầu tiên, thường xuyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi tăng gia sản xuất, tiết kiệm, Người cầm cuốc trồng rau, nộp rau cho nhà bếp. Người thực hành tiết kiệm thời gian, tiết kiệm đồ dùng, tiết kiệm chi phí để không tốn kém của công…Người đều làm trước một cách mẫu mực để mọi người noi theo.
 
Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rõ ràng tấm gương nói và làm là bài học vô cùng lớn, thiết thực, bổ ích, sáng tạo và cần thiết đối với mỗi chúng ta trong đời sống hằng ngày trước đây, hôm nay và mãi mai sau.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia cải tạo vườn trong Phủ Chủ tịch năm 1957
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia cải tạo vườn trong Phủ Chủ tịch năm 1957
3. Tấm gương nêu gương rèn luyện ý chí, nghị lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu và suốt cuộc đời hoạt động của mình, đã xác định người cách mạng để làm cách mạng thành công phải kiên trì rèn luyện ý chí, nghị lực không mệt mỏi để chiến thắng chính mình và chiến thắng kẻ thù.
 
Vốn có ý chí, nghị lực và trí tuệ thông minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi làm phụ bếp trên chiếc tàu buôn của nước ngoài để đi tìm đường cứu nước và suốt mấy chục năm hoạt động khắp thế giới, Người miệt mài học và sử dụng thành thạo tới chục thứ tiếng; làm rất nhiều nghề để kiếm sống và trải nghiệm bất kể sang trọng hay bình thường; chấp nhận và vượt qua mọi thiếu thốn vật chất, tinh thần, ốm đau, tù đầy, săn lùng, bắt bớ, dụ dỗ, lôi kéo của kẻ thù.
 
Những năm tháng bị giam cầm, tù đầy dưới chế độ nhà tù hà khắc Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù:
 
“Răng rụng thêm mấy chiếc
 
Ghẻ lở mọc đầy thân
 
Gầy đét như quỷ đói
 
Không nao núng tinh thần.”
 
Người xác định:
 
“Gạo đem vào giã bao đau đớn
 
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
 
Sống ở trên đời người cũng vậy
 
Gian nan rèn luyện mới thành công.”
 
Được trả tự do, Người tập leo núi, rèn luyện sức khỏe để về nước lãnh đạo cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh làm gì của cá nhân mình cũng đều nghĩ vì cách mạng, vì dân, vì nước. Ngay từ việc nhỏ khi Người đau khớp, Người nói: “Làm cách mạng mà thấp khớp thì làm được gì?” Cho nên, Người kiên trì tập đi bộ, tập leo núi để rèn luyện đôi chân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Tôi hoạt động cách mạng, xông pha nơi trận mạc, trèo núi, ngủ hang, ra tù vào tội cũng vì sự nghiệp cao cả mà nhân dân, đất nước giao cho." Người đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, cùng bộ đội, dân quân, du kích, chia sẻ buồn vui, mất mát với đồng bào trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đầy ác liệt.
 
Chấp nhận những cuộc đối đầu lịch sử, với cương vị là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đêm suy nghĩ tìm tòi mọi kế hoạch đối phó và chiến thắng mọi mưu đồ thâm sâu, hiểm độc của các thế lực thù trong, giặc ngoài qua các thời kỳ. Người đã từng “cởi nút lịch sử,” “tháo gỡ lịch sử,” đưa đất nước vượt qua những “khúc quanh lịch sử” tưởng chừng như không vượt qua được… Và biết bao nhiêu vấn đề tương tự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta tấm gương lớn về sự nêu gương rèn luyện ý chí, nghị lực suốt đời thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao cả vì dân, vì nước của người cộng sản chân chính.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam
 
4. Tấm gương nêu gương kiên định, bản lĩnh, trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy chúng ta, người cách mạng điều cốt yếu nhất là lòng trung thành với cách mạng. Trong cả cuộc đời hoạt động, cống hiến của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đeo đuổi một mục tiêu là mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Người cũng từng xác định, điều ham muốn, ham muốn tột bậc của Người là làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, được học hành, tiến bộ, được dân giàu, nước mạnh, bình đẳng, công bằng, văn minh.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ, để làm được điều ấy phải ra sức tổ chức, rèn luyện, lãnh đạo Đảng ta giác ngộ cách mạng, thống nhất cao độ ý chí và hành động trong toàn Đảng, lãnh đạo nhân dân kiên quyết, kiên trì từng bước thực hiện bằng được mục tiêu cao cả đó.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đi đầu, mẫu mực kiên định thực hiện ý chí đó, từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn ở trong và ngoài nước, trên khắp thế giới để lãnh đạo Đảng ta, lãnh đạo nhân dân ta một cách cụ thể, sinh động trong từng thời kỳ cách mạng. Người không chủ quan, duy ý chí, giáo điều khi áp dụng mọi kinh nghiệm, việc làm của nước khác vào cách mạng Việt Nam.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn truyền lửa cách mạng, truyền bầu nhiệt huyết, truyền lòng trung kiên, bản lĩnh, trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là tấm gương nêu gương tập hợp toàn Đảng, toàn dân, là ngọn cờ sáng chói tỏa rạng tạo nên sự thống nhất vĩ đại giữa lãnh tụ với Đảng và nhân dân, tạo nên sức nước ngàn năm, dập tắt mọi ngọn lửa chiến tranh hung bạo nhất hành tinh ở thế kỷ XX; vượt qua mọi thách thức ghê gớm để đưa dân tộc ta thoát hiểm, ngày càng rạng rỡ đi lên.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với Anh hùng Lao động Nguyễn Phúc Đồng (ngành Quân giới) và nữ anh hùng Nguyễn Thị Năm (dệt Nam Định) trong buổi họp mặt các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua Công-Nông-Binh toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội (7/7/1958).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với Anh hùng Lao động Nguyễn Phúc Đồng (ngành Quân giới) và nữ anh hùng Nguyễn Thị Năm (dệt Nam Định) trong buổi họp mặt các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua Công-Nông-Binh toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội (7/7/1958)
 
5. Tấm gương nêu gương gần dân, thương dân, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Một nhà thơ nước ngoài đã từng nhận xét về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người là một người lính, một thày giáo, một nhà thơ, một người cộng sản, một lãnh tụ vì Hồ Chí Minh là dân, Hồ Chí Minh từ dân.
 
Ngay từ thời niên thiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất hiểu biết, cảm thông và chia sẻ với đời sống của người dân xung quanh. Người đi tìm đường cứu nước, bôn ba khắp thế giới, sống với các tầng lớp nhân dân các nước, Người đều thấu hiểu nỗi thống khổ của người lao động.
 
Người rút ra nhận xét bất hủ, trên Trái Đất này hàng tỷ người dù màu da, chủng tộc, tôn giáo khác nhau cũng chỉ có hai hạng người: hạng người đi áp bức và hạng người bị áp bức. Chủ tịch Hồ Chí Minh bất bình về sự phân chia ấy, cực lực lên án hạng người đi áp bức và Người đứng về phía những người bị áp bức, bênh vực họ, kiên quyết chống lại những kẻ đi áp bức.
 
Đối với nhân dân nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào khả năng của họ, nhìn thấy ở nhân dân nguồn sức mạnh vô tận của lịch sử. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kính trọng, yêu thương, gần gũi họ. Người từng dạy cán bộ, đảng viên phải gần dân, thương dân, hiểu dân, học dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Người yêu cầu cán bộ từ Trung ương tới làng xã phải thực sự là công bộc của dân, không được lên mặt là quan cách mạng, ban phát cho dân. Người đặc biệt nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được coi thường dân, khinh dân, hống hách với dân, tham ô lãng phí, ăn cắp của dân. Phải coi dân là gốc, là chủ thể của đất nước. Vì vậy, phải tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh lắng nghe tất cả mọi người dân, chăm sóc, lo lắng cho dân từ cơm ăn nước uống, áo mặc, học hành; từ tương cà mắm muối, chữa bệnh, nghỉ ngơi, không sót một ai. Người coi niềm vui, hạnh phúc của nhân dân là niềm vui, hạnh phúc của chính mình.
 
Người chỉ rõ, dân đói, dân ốm không được chữa bệnh thì Đảng có lỗi; dân dốt không được học hành thì Đảng có lỗi. Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng đau xót khi biết tin đồng bào vùng này, miền kia bị hạn hán, lũ lụt, mất mùa đói kém; đồng bào, chiến sỹ bị giặc Pháp, giặc Mỹ ném bom, tàn sát, giết chóc, chém giết tàn nhẫn…
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những quan tâm, gần gũi nhân dân mà Người rất hiểu biết, chia sẻ, cảm thông và hết lòng hết sức phục vụ các tầng lớp nhân dân. Người có lời chỉ bảo ân tình, cụ thể, thiết thực với các cụ già, bác sỹ, kỹ sư, thày giáo, chiến sỹ, sỹ quan, dân tộc, tôn giáo ở khắp mọi nơi. Vì thế, Người được tất cả mọi tầng lớp nhân dân khắp mọi miền đất nước luôn kính yêu, gắn bó thân thiết như cha anh, người nhà, người bác, người ông vô cùng kính trọng trong gia đình mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành tình yêu bao la cho nhân dân, các cụ già, trẻ em, các giới chức trên thế giới.
 
 
6. Tấm gương nêu gương đào tạo, sử dụng, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn nêu gương về coi trọng công tác cán bộ. Người luôn đề cao nhận thức và thực hiện cán bộ là gốc của mọi công việc. Cán bộ tốt thì phong trào tốt, cán bộ yếu thì phong trào kém.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh có tài nhìn nhận, đánh giá, sử dụng, rèn luyện, giáo dục cán bộ. Bằng cả tâm trí, tài năng, đức độ, Người đã phát hiện, sử dụng lớp cán bộ học trò xuất sắc tài ba, trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và cảm hóa, thu phục họ về phục vụ cách mạng ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, chấp nhận mọi nguy nan, khổ hạnh. Ngay từ ngày đầu thành lập Đảng và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ của Đảng là nhiệm vụ then chốt số một bảo đảm mọi sự thành công.
 
Người hết sức thận trọng trong việc lựa chọn cán bộ, giao nhiệm vụ, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ lấy mục đích toàn dân, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc làm chuẩn. Cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng, đào tạo, rèn luyện đều trưởng thành vững vàng qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, thực đức, thực tài, là nhân cốt của cách mạng. Người chọn lựa cán bộ tiêu biểu từ thực tiễn cách mạng, qua lao động, sản xuất, chiến đấu, được nhân dân tiến cử tin cậy.
 
Những cán bộ được Người sử dụng, bố trí, đề bạt, giao nhiệm vụ là những người thực chất có đức, có tài, có trình độ chính trị sâu rộng, có tư tưởng vững vàng, có đạo đức trong sáng, có bản lĩnh và kỹ năng, trình độ, năng lực công tác chủ động, sáng tạo, được nhân dân tin cậy. Những người được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ đều tự thấy sung sướng, tự hào, một lòng một dạ đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực cống hiến hết mình cho cách mạng không chút tính toán cá nhân.
 
Cả cuộc đời lãnh đạo cách mạng, đã từng làm Chủ tịch nước, là lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề bố trí, lôi kéo các mối quan hệ ruột thịt thân quen vào làm quan chỗ này, chỗ kia mà rất khách quan.
 
Tấm gương nêu gương trong sáng, mẫu mực về công tác cán bộ của Người để lại cho chúng ta bài học nhìn nhận, đánh giá, xem xét, bố trí, sử dụng, đào tạo, rèn luyện, giáo dục cán bộ một cách khách quan, không chủ quan yêu nên tốt, ghét nên xấu; cánh hẩu, bè phái, hậu duệ, lôi kéo cả nhà làm quan, cả họ, cả làng, cả tỉnh làm quan.
 
Tấm gương nêu gương về công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc chúng ta công tác cán bộ không để tình trạng chạy chức, chạy quyền, mua bán, ban phát, lôi kéo, bè cánh, lợi ích nhóm, trù úm, mất đoàn kết, các hành vi xấu xa, thiếu lành mạnh, thiếu trong sáng, thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, cơ hội trong công tác cán bộ.
 
7. Tấm gương nêu gương đạo đức, lối sống giản dị, mẫu mực, trong sáng, cao thượng một nhà văn hóa lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi còn là một thanh niên yêu nước, khi bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, kể cả đến khi là một chính khách, vị lãnh tụ của dân tộc, Người luôn giữ phong cách ung dung tự tại một nhà văn hóa lớn ở tầm cao trí tuệ, đỉnh cao nhân cách đạo đức, lối sống thanh cao, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
 
Người cho rằng, lao động cần cù, sáng tạo là bản lĩnh, là giá trị cao quý của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, lao động dưới mọi hình thức, dù lao động chân tay hay lao động trí óc, đều có giá trị đích thực với bản thân, với xã hội. Cần cù, kiên nhẫn lao động đều giúp cho cuộc sống con người trở nên có ý nghĩa. Để hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chấp nhận làm đủ mọi việc cần thiết như phụ bếp, quạt lò, rửa bát, bồi bàn, bán thuốc lá, bán báo, rửa ảnh, viết báo, viết kịch… Người tranh thủ mọi thời gian có thể để học ngoại ngữ, học lý luận, tham gia phong trào công nhân, hoạt động trong các tổ chức cách mạng…
 
Mặc dù hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước sống, tiếp xúc với bao cảnh phồn hoa đô hộ của các nước phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không hề bị cám dỗ, lôi cuốn vào cuộc sống vật chất sang trọng mà vẫn kiên định với cuộc sống vật chất, tinh thần giản dị, giữ vững khí tiết của nhà yêu nước, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cao cả của mình. Ngay cả khi là Chủ tịch nước, Người vẫn sống giản dị, thanh cao, gần gũi với mức sống, lối sống của nhân dân, của dân tộc từ cách ăn, mặc, ở, đi lại, cách cư xử, tiếp xúc với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân vô cùng thân thiết, chan hòa.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiết kiệm mọi thứ với phương châm cái gì cần thì dùng, cái gì không thì thôi, dùng đúng với điều kiện hiện có cho phép, không lãng phí. Người cho rằng, tiết kiệm không có nghĩa là kẹt xỉ, không dám chi dùng. Như thế sẽ lại hỏng việc. Ngược lại, chi tiêu, sử dụng quá mức trong khi đồng bào, chiến sỹ bộ đội còn nghèo, còn thiếu mà tiêu xài hoang phí, xa hoa, hình thức phô trương là trái với đạo đức cách mạng.
 
Cùng với cần, kiệm, liêm, chính, Hồ Chí Minh là một mẫu mực về thực hiện chí công vô tư. Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải biết tôn trọng của công, không được chiếm công vi tư. Theo Người, tham nhũng, lãng phí là tội nặng nhất, là xấu xa bỉ ổi nhất, là ăn cắp của dân. Tham nhũng, chiếm công vi tư là chủ nghĩa cá nhân, là một thứ giặc nội xâm không thể chấp nhận được.
 
Trong cuộc sống thường ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sự giản dị, liêm khiết, trong sáng. Cả cuộc đời mình, Người chỉ biết lo cho dân, cho nước. Sự giản dị của Người bắt nguồn từ sự thanh cao, toát lên những giá trị thanh cao, là thăng hoa những phẩm chất cao quý của một nhà văn hóa lớn, là tấm gương sáng cho mọi tầng lớp nhân dân noi theo.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, của nhân dân Việt Nam. Người từng trải nghiệm thực tế vô cùng phong phú, cụ thể, thiết thực trong cuộc sống, trong mọi lĩnh vực, mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, mọi không gian, thời gian. Điều đó giúp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong cách suy nghĩ, hành động rất khoa học, kết hợp lý luận với thực tế, luôn không xa rời mục tiêu cách mạng và tính thiết thực, hiệu quả trong công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy cán bộ, đảng viên phải bám sát thực tế, phải hiểu biết cuộc sống, phải xuất phát từ cuộc sống và trở về nơi cuộc sống.
 
Người chỉ rõ việc học tập, tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực, không trống rỗng, ba hoa, dông dài, nói tràng giang đại hải, không rõ mục đích, mục tiêu cụ thể. Mọi công việc phải định rõ kế hoạch, mục tiêu, biện pháp, bước đi và kiểm tra, đánh giá kết quả cụ thể, thiết thực. Người viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để huấn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu làm việc khoa học, không xa rời thực tế là có kế hoạch, là cụ thể, chính xác, các chỉ thị, nghị quyết phải được tổ chức chỉ đạo thực hiện, phải đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm; không “đánh trống bỏ dùi;” không “đầu voi đuôi chuột”…
 
Mặc dù công việc bộn bề của một vị Chủ tịch nước, trong chiến tranh cũng như hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bỏ sót việc gì và luôn thăm hỏi, cổ vũ cán bộ, chiến sỹ, công nhân, nông dân có thành tích; nhắc nhở, phê bình chính xác những cán bộ, đảng viên, địa phương sai sót, yếu kém. Phong cách sống, làm việc khoa học, cụ thể, chính xác, hiệu quả là tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
 
8. Tấm gương nêu gương ngoại giao mềm dẻo, kiên định của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Ở cương vị lãnh tụ của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một nhà ngoại giao tài tình kết hợp nhuần nhuyễn giữa mềm dẻo với kiên định mục tiêu cao cả của dân tộc, tin tưởng vào chân lý của cuộc sống.
 
Khi còn là nhà yêu nước, hoạt động ở Pari, vị Toàn quyền Đông Dương Anbesaro mời Nguyễn Ái Quốc tới vừa dụ dỗ, vừa đe dọa, mời Người cộng tác với “mẫu quốc.” Người thẳn thắn phản đối, từ chối và khẳng định mình là nhà yêu nước, suốt đời chỉ có một mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc mình.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người thương lượng với Chính phủ Pháp về hòa bình ở Việt Nam. Với bản chất của chủ nghĩa đế quốc, chúng không chấp nhận đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng Người đã kiên quyết không chịu mất nước, kêu gọi toàn quốc kháng chiến và giành thắng lợi vẻ vang vào năm 1954. Đối với đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện đường lối ngoại giao vừa đánh, vừa đàm, lấy thắng lợi ở chiến trường làm yếu tố quyết định.
Tấm gương nêu gương đường lối ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở chiến lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến.” Người luôn giữ vững, không buông rời, nhượng bộ bất cứ chút lợi ích cơ bản nào của đất nước, của dân tộc. Người luôn đứng vững trên nền tảng đó để ứng phó, tìm biện pháp thích hợp tháo gỡ tình huống để đi đến mục đích cuối cùng, giữ vững lợi ích độc lập chủ quyền chân chính của quốc gia, dân tộc, đất nước.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đứng trên đỉnh cao của sự hiểu biết, nắm chắc tình hình của chính mình, của đối phương, thực hiện phương châm “biết ngời, biết ta, trăm trận trăm thắng.” Đường lối ngoại giao khách quan, tìm ra thế mạnh của ta, hạn chế điểm yếu của đối phương, tạo niềm tin và phương thức sáng tạo trong đấu tranh ngoại giao là tấm gương nêu gương tiêu biểu của Người.
 
Nét nổi bật tấm gương nêu gương ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dựa vào sức mạnh của nhân dân tiến bộ trên thế giới, dựa vào chính nghĩa của cách mạng Việt Nam. Người ra sức tuyên truyền giác ngộ nhân dân thế giới hiểu biết đầy đủ, đúng đắn, chính nghĩa của cách mạng Việt Nam; kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ có hiệu quả của nhân dân thế giới đối với cách mạng Việt Nam bằng cả sức mạnh vật chất và tinh thần.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Liên Xô năm 1955
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Liên Xô năm 1955
 
9. Tấm gương nêu gương tôn trọng quyền lực nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn về nêu gương tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Người từng xác định, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, không gì mạnh bằng nhân dân. Ngay từ năm 1946, khi xây dựng Hiến pháp, Người nhấn mạnh Chính phủ từ Trung ương tới làng xã đều là công bộc của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gần dân, nghe dân, hiểu dân, học dân mới có thể lãnh đạo nhân dân. Cán bộ không được đè đầu, cưỡi cổ dân; không được cửa quyền, hống hách, coi thường, áp bức dân; không được vòi vĩnh, tham ô, hối lộ, ăn của đút lót của dân…
 
Tấm gương nêu gương tôn trọng quyền lực của nhân dân ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người luôn nghĩ mình phải hy sinh, cống hiến trước nhân dân, hưởng thụ sau nhân dân. Nhân dân còn nghèo túng, thiếu thốn thì mình không thể sinh hoạt sang trọng, xa hoa, lãng phí.
 
Bài học nêu gương tôn trọng quyền lực của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chúng ta hôm nay là không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, kết hợp lợi ích nhóm, ban hành các chủ trương, biện pháp, lách luật để tham nhũng, vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại lớn về kinh tế, làm mất lòng tin của nhân dân.
 
Sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn của một số cán bộ, đảng viên có vị trí lớn đã lộng quyền, lộng hành, thả sức cho tay chân, bè cánh, nhóm lợi ích làm mưa làm gió, tham nhũng, phá phách, bất chấp luật pháp, bất chấp quyền lực của những người làm ra của cải vật chất là nhân dân, bất chấp dư luận xã hội, bất chấp sự kiểm soát của nhân dân. Không những thế, họ trừng phạt, triệt hạ những người chân chính, những người phát hiện, tố cáo họ. Thực tế, họ đã tước quyền lực chính đáng của nhân dân.
 
Rõ ràng, học tập, làm theo tấm gương nêu gương tôn trọng quyền lực của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay là rất cần thiết, có ý nghĩa thời sự quan trọng, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” để ngăn chặn mọi tiêu cực hiện nay đối với một số cán bộ coi thường quyền lực của nhân dân.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Wilfred Burchett
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Wilfred Burchett
 
10. Tấm gương nêu gương tinh thần quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Xuất phát từ quan điểm khoa học, biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định “tứ hải giai huynh đệ;” “cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới;” “giúp bạn là giúp mình”… Có được quan điểm trong sáng, rộng mở, biện chứng ấy là cả quá trình trải nghiệm rộng lớn, sâu sắc, tâm hồn bao dung, độ lượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Người hiểu sâu sắc thế giới này là thế giới loài người gồm những người bị áp ức, đè nén, chà đạp, bất công cần phải được bảo vệ, chăm sóc; những kẻ đi áp bức, bóc lột, tàn bạo cần phải bị diệt trừ. Tư tưởng nhân dân, nhân đạo, chính nghĩa ấy ở đâu, bao giờ cũng ngời sáng trong tâm trí nhân loại.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những người có tư tưởng ấy là anh em, là bạn bè, là chỗ dựa tin cậy. Đồng thời, Người cũng không ngừng cống hiến, hy sinh, đấu tranh cho tư tưởng ấy, đấu tranh cho lẽ phải, cho chính nghĩa, cho nhân đạo, nhân văn. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự coi đó là lý tưởng, là lẽ sống cao đẹp của mình. Người đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam là góp phần đấu tranh cho tự do, độc lập, hạnh phúc của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia hoạt động không mệt mỏi cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thế giới; phong trào đòi quyền lợi của công nhân, nông dân, trí thức, người lao động; phong trào chống phân biệt chủng tộc, phong trào trọng nam, khinh nữ cũng như các tàn dư phong kiến, đế quốc lạc hậu tàn bạo với người dân ở bất cứ đâu.
 
Chính mục đích, tư tưởng, quan điểm đúng đắn, chân chính, nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa, thuyết phục nhân dân, nhiều chính giới khắp năm châu bốn biển khâm phục, kính trọng và quý mến Người. Vì thế, ngay cả nhiều người ở bên kia chiến tuyến cũng được Người cảm hóa, thuyết phục và khiến họ kính trọng, vị nể, khâm phục, hâm mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp xây dựng phong trào cộng sản quốc tế; phong trào đoàn kết nhân dân thế giới chống đế quốc; phong trào bảo vệ hòa bình tiến bộ của nhân dân toàn thế giới. Người đã thực sự là tấm gương trong sáng, cao cả mẫu mực trong các hoạt động quốc tế, được nhân dân các nước kính trọng, tin cậy và mến phục, kính yêu.
 
(Theo Vietnam+)