Luật cán bộ, công chức, viên chức - những vấn đề đặt ra

06:09, 20/09/2019

Luật cán bộ, công chức, viên chức đang tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với đòi hỏi sát thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho công chức, viên chức.

Luật cán bộ, công chức, viên chức đang tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với đòi hỏi sát thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho công chức, viên chức.
 
Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (dự án Luật). Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật nhằm thể chế hóa yêu cầu trong các văn kiện của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục một số bất cập trong thi hành luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
 
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định trong dự án Luật về đối tượng là công chức. Dự án Luật quy định về đối tượng là công chức theo hướng: không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức; đối với lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước được áp dụng chế độ công chức.
 
Về đối tượng là công chức: Theo pháp luật hiện hành, lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức nhưng hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập và không được tính trong tổng số biên chế công chức, không được hưởng phụ cấp công vụ dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng chế độ, chính sách đối với cùng đối tượng quản lý (công chức), cùng đối tượng trong một đơn vị sự nghiệp công lập (công chức, viên chức). Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân định rõ quản lý nhà nước và quản trị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra yêu cầu “Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước)”. Do đó, việc nghiên cứu, sửa đổi quy định về đối tượng là công chức của Luật hiện hành là cần thiết. Nội dung này đã được Chính phủ thể hiện rõ trong tờ trình, là một trong bốn nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội và nhận được sự nhất trí của đa số ý kiến đại biểu Quốc hội. 
 
Việc quy định thống nhất đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến trung ương là vấn đề rất lớn, để có thể thực hiện được phải đánh giá tác động kỹ lưỡng. Nếu thống nhất quy định về cán bộ, công chức các cấp sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề chưa giải quyết ngay được. Do đó, trong thời điểm hiện nay, Quốc hội quy định về vấn đề này như trong dự án Luật. 
 
Dự án Luật lần này sửa đổi quy định về đối tượng là công chức theo hướng “Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập”.
 
Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước là đơn vị trực tiếp phục vụ quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ gắn liền với yêu cầu bảo đảm hoạt động công vụ thì không thể chuyển giao khu vực ngoài công lập và lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị này vẫn được áp dụng chế độ quản lý sử dụng như đối với công chức, theo đó cũng phải chịu hình thức cũng như chế tài xử lý kỷ luật như đối với công chức mà không hưởng chế độ viên chức. Để làm rõ quy định về chính sách, chế độ với đối tượng này bảo đảm minh bạch, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội dự án Luật đã bổ sung tiêu chí xác định đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước vào khoản 16 của dự án Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 84 của Luật Cán bộ, công chức hiện hành). Theo đó, các đơn vị thuộc diện này là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước.
 
Một số ý kiến đề nghị bổ sung trong Luật khái niệm “người có tài năng”; một số ý kiến khác đề nghị làm rõ khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ”. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng. Có ý kiến đề nghị xây dựng Luật Thu hút, trọng dụng nhân tài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, người có tài năng nói chung là một khái niệm rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Vì vậy, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong Luật này là khó khả thi. Trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức, xin Quốc hội cho bổ sung khái niệm và quy định về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ với một số tiêu chuẩn nhất định như tại khoản 2 Điều 1 của dự án Luật và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Việc thu hút người có tài năng được thể hiện qua việc quy định ưu tiên tuyển dụng thông qua quá trình áp dụng các phương thức tuyển dụng quy định tại khoản 5 Điều 1 của dự án Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 37 của Luật Cán bộ, công chức hiện hành). Hiện nay, theo phân công của Bộ Chính trị, Chính phủ đang xây dựng Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, sau khi Đề án được thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để thực hiện. Dự án Luật Thu hút, trọng dụng nhân tài cũng đã được đại biểu Quốc hội nêu ý kiến đề xuất, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu và báo cáo với Quốc hội xem xét về sự cần thiết xây dựng dự án Luật này khi đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
 
Đại biểu Dương Thị Ngà - Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh Lâm Đồng cho ý kiến: Tại khoản 4 Điều 6 quy định: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do tỉnh quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chế độ trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do cấp tỉnh quản lý ”. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cách quy định như khoản 4 nêu trên để có sự rõ ràng và đồng bộ với cách quy định tại khoản 3 Điều 6, cụ thể như sau: Khoản 3 quy định có 2 chủ thể có thẩm quyền quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức ở trung ương: Đó là Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền của Đảng. Cách giao thẩm quyền này xác định 2 chủ thể có thẩm quyền quy định khung chính sách đối với người có tài năng áp dụng trong hai loại cơ quan: Cơ quan của Nhà nước và cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, khoản 4 cũng nên có sự quy định rõ để xác định cụ thể: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ áp dụng trong cơ quan của Đảng do tỉnh quản lý hay không? Vì như tại khoản 3 thì cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ áp dụng trong cơ quan, tổ chức ở trung ương, không đề cập đến cơ quan của Đảng ở địa phương. Hay việc quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ áp dụng trong cơ quan của Đảng do tỉnh quản lý sẽ do cơ quan khác có thẩm quyền quy định.
 
NGUYỆT THU