Phòng chống tham nhũng phải bắt đầu từ sự liêm chính

03:09, 23/09/2019

(LĐ online) - Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo quyết liệt cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng liên quan đến vấn đề liêm chính.

(LĐ online) - Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo quyết liệt cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng liên quan đến vấn đề liêm chính.
 
Cuộc Khảo sát Liêm chính trong Thanh niên Việt Nam 2019 (YIS 2019) được thực hiện bởi Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TI); đối tượng được thực hiện với 1.175 người độ tuổi 15-30 và một nhóm kiểm chứng gồm 465 người độ tuổi 31-55 thuộc 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Một số kết quả thu thập được rất đáng lưu tâm, như: Cứ ba thanh niên thì có một người không ngần ngại thực hiện hành vi tham nhũng vì lợi ích của bản thân hoặc gia đình (mặc dù vẫn mong được sống trong một xã hội liêm chinh); mức độ tham nhũng vặt mà thanh niên trải nghiệm khi tiếp cận các dịch vụ công cơ bản lại tăng lên đáng kể trong năm 2018 (57% thanh niên tiếp xúc với cảnh sát năm 2018 có trải nghiệm với tham nhũng so với 34% năm 2014; 40% thanh niên khi đi xin giấy tờ hay giấy phép có trải nghiệm với tham nhũng so với 19% của năm 2014); khoảng 52% thanh niên được khảo có suy nghĩ rằng người liêm chính vẫn có thể nói dối hoặc gian lận, nếu điều đó giúp họ giải quyết được khó khăn cho bản thân và gia đình; số lượng thanh niên coi các nhà lãnh đạo chính trị là những tấm gương liêm chính đã có sự sụt giảm đáng kể, năm 2011 là 74% thì đến đến năm 2018 đã giảm xuống còn 61%... 
 
Những thông tin từ cuộc khảo sát đã đặt ra cho ta bao điều suy ngẫm, lo âu. Bởi một xã hội thiếu liêm chính dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt đang có tác động tiêu cực, làm băng hoại nền tảng đạo đức và suy giảm lòng tin vào chế độ, nhất là ở thế hệ trẻ. Vấn đề đặt ra là nếu do sự suy giảm về liêm chính mà dẫn đến nạn tham nhũng tràn lan, thì yêu cầu trước tiên là phải tập trung xây dựng một xã hội liêm chính, mỗi người sống trong xã hội ấy cũng phải thực sự liêm sỉ, liêm chính. Vậy, việc xây dựng một xã hội liêm chính, thiết nghĩ chúng ta cần phải chú trọng một số nội dung sau đây: 
 
Trước hết, phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về “liêm, chính” và xây dựng một nhà nước liêm chính. Bàn về chữ “liêm, chính” được Hồ Chủ tịch đặt nó trong mối quan hệ thống nhất hữu cơ và biện chứng với cần, kiệm (gọi là tứ đức). Theo Bác, nội hàm của LIÊM “là trong sạch, không tham lam” và ngược lại “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm”…; còn CHÍNH “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn …”, “là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh” và chính có gốc rễ từ cần, kiệm, liêm. Chữ bất liêm của cán bộ, công chức trong tư duy Hồ Chí Minh hết sức sâu sắc, đó không chỉ là tham tiền, của cải vật chất mà nó xuất phát từ cái gốc rễ là “tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên… Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình... Gặp việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm không dám làm”. Từ cái tham gốc rễ đó dẫn đến “cậy quyền thế mà khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”. Theo Bác, những điều bất liêm và trái với chữ liêm đều là tai hại, cần phải nghiêm khắc phê phán, loại bỏ. 
 
Về xây dựng “Chính phủ liêm chính” (như cách gọi hiện nay), tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (1946), Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”. Theo đó, một chính phủ liêm khiết phải là một chính phủ mà tất thảy mọi cán bộ, công chức phải liêm khiết, chính trực; những người trực tiếp thực thi các chủ trương, chính sách của Nhà nước và tiếp xúc trực tiếp với nhân dân phải có trách nhiệm, có tâm trong sáng, không tham nhũng bòn rút của dân, không vụ lợi, vị kỷ và phải thường xuyên tự rèn luyện, tự tu dưỡng và thực hành chữ liêm.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao quý của việc thực hành liêm - chính; của đức hy sinh, suốt đời lo cho dân, cho nước; một lãnh tụ của dân, thân dân và chính tâm. Từ đó, việc thực hiện chữ “liêm, chính” theo tư tưởng, tấm gương của Người không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận, nghĩa vụ của mỗi công dân; nó không chỉ tạo nên giá trị chân chính cho mỗi con người mà còn hun đúc nên giá trị cao quý cho cả một quốc gia, dân tộc.
 
Thứ hai, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ… phải sống và làm việc theo tư tưởng liêm chính của Bác để từ đó lan tỏa đến toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ. Thực hành liêm chính, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên nhất là người lãnh đạo phải luôn nhận thức và hành động hướng tâm đến “cần kiệm” và “chí công vô tư”; tận tâm vì dân, vì nước. Bởi, không “cần, kiệm” và “chí công vô tư”, không tận tâm vì dân, vì nước thì khó giữ được liêm chính, sẽ rơi vào chủ nghĩa cá nhân. Thực tế hiện nay cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả người có chức-quyền, “nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”; cho nên người cách mạng không chỉ yêu cầu phải có "tứ đức" mà còn rất cần phải xây dựng đức tính “chí công vô tư”, để trở thành người lãnh đạo - người đầy tớ trung thành của nhân dân. 
 
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc “trên trước, dưới sau”, “cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”; bởi vì, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Điều này đòi hỏi người cán bô, đảng viên, người giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng, Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm và các quy định về nêu gương… Đồng thời, xử lý nghiêm và kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, buộc từ chức và đưa ra khỏi Đảng đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái, bất liêm, bất chính, tham ô, tham nhũng….
 
Thứ tư, phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân, tạo cơ chế pháp lý để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền lực được Đảng, Nhà nước trao để mưu cầu lợi ích cá nhân, làm lũng đoạn xã hội. Theo đó cần phải: (i) Nâng cao dân trí để nhân dân nhận thức đầy đủ quyền hạn của mình, có năng lực kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện chữ “liêm - chính” và mỗi khi người dân hiểu biết, nêu cao liêm chính, thực hành liêm chính không chịu đút lót, thì quan “dù không liêm cũng phải hóa ra liêm”; (ii) Tin dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân; cấp ủy đảng phải có những biện pháp cụ thể, phù hợp để nhân dân có thể bày tỏ chính kiến của mình; (iii) Thông qua tai mắt của nhân dân, dựa vào nhân dân không chỉ nhằm giám sát cán bộ, đảng viên, mà còn giúp họ sửa chữa sai lầm và nêu gương sáng trong rèn luyện đạo đức cách mạng gắn với yêu cầu công việc được giao; (iv) Xây dựng hệ thống tố cáo an toàn và hiệu quả để ngăn chặn, xử lý kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm, không để tình trạng tham nhũng tràn lan, ngang nhiên và kéo dài gây bất bình trong nhân dân. Làm được những điều nêu trên sẽ góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng có hiệu quả; xây dựng một chính phủ liêm chính, tất thảy mọi cán bộ, công chức đều liêm khiết, chính trực. 
 
Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tự soi mình và nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
 
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính trong xã hội, tạo dư luận lên án, phê phán mạnh mẽ những biểu hiện bất liêm, bất chính. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới chương trình, nội dung giáo dục liêm chính được tích hợp vào các môn học trong nhà trường; phương pháp giảng dạy phải nhằm mục tiêu truyền được cảm hứng và niềm tin cho học sinh học về liêm chính, từ đó làm thay đổi thái độ, tư duy về tham nhũng. Mục đích cuối cùng là ngăn chặn triệt để tận gốc tình trạng bất liêm, bất chính, tham ô, lãng phí và quan liêu. Bởi như Hồ Chủ tịch đã nói: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ… dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến… Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”.
 
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị. Nó được coi là một căn bệnh nguy hiểm, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau trong có yếu tố rất quan trọng là do sự bất liêm, bất chính. Vì vậy, nạn tham nhũng, lãng phí và nhiều tệ nạn khác chỉ được ngăn ngừa mỗi khi có được một xã hội liêm chính, Chính phủ liêm chính, chính quyền liêm chính và mỗi người sống trong xã hội ấy cũng thực sự liêm sỉ, liêm chính. 
 
 VĂN NHÂN