Bí thư chi bộ tận tụy với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

07:09, 01/09/2019

Cũng như các huyện, thành trong tỉnh, Công an huyện Đạ Tẻh có nhiều ban, phòng, đội chức năng. Có một đơn vị ít được nhắc đến như Văn phòng tổng hợp, Đội hình sự, Bảo vệ nội bộ… nhưng nhiệm vụ rất quan trọng, đó là Đội xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". 

Cũng như các huyện, thành trong tỉnh, Công an huyện Đạ Tẻh có nhiều ban, phòng, đội chức năng. Có một đơn vị ít được nhắc đến như Văn phòng tổng hợp, Đội hình sự, Bảo vệ nội bộ… nhưng nhiệm vụ rất quan trọng, đó là Đội xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. 
 
Đội trưởng Lê Quang Vinh (bìa phải) giao nhiệm vụ mới cho đồng nghiệp. Ảnh: NTT
Đội trưởng Lê Quang Vinh (bìa phải) giao nhiệm vụ mới cho đồng nghiệp. Ảnh: NTT
 
Đội trưởng Lê Quang Vinh chia sẻ:
 
- Nhiệm vụ của chúng tôi trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) là: Điều tra cơ bản, nắm bắt tình hình và xây dựng kế hoạch phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; Thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, xây dựng và thực hiện các nghị quyết, thông tư; công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; công tác xây dựng lực lượng nòng cốt; công tác triển khai xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ... 
 
- Chính vì thế, nếu đội của anh thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, nó sẽ là tiền đề rất cơ bản góp phần làm giảm tội phạm và các loại tệ nạn xã hội đến mức thấp nhất trên địa bàn huyện những năm qua, đúng không?
 
Vinh cười rất tươi đáp lại tôi:
 
- Vậy thì anh tự tìm hiểu, cần gì tôi sẽ giúp… 
 
Bốn tháng sau đại thắng mùa Xuân 1975, Lê Quang Vinh chào đời trên mảnh đất anh hùng Triệu Phong - Quảng Trị. Cha mất sớm, năm năm sau, anh theo mẹ vào xây dựng kinh tế mới tại huyện Đạ Tẻh bây giờ. Là học sinh giỏi nhiều năm liền, năm 1993, anh thi đỗ điểm cao và theo học Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân tại Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh. Năm 1998, anh tốt nghiệp, được nhận công tác tại Công an huyện Đạ Tẻh từ đó đến giờ. Với những kiến thức đã học cộng với lòng nhiệt tình, hăng say với công việc, tháng 10/2000, Vinh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Hai mươi mốt năm trong ngành, Vinh được giao nhiều công việc, khi thì cán bộ văn phòng tổng hợp, lúc tham gia điều tra hình sự… và bây giờ, với cấp bậc Trung tá, chức vụ Đội trưởng Đội xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Bí thư Chi bộ; nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc, được Nhân dân tin, đồng nghiệp yêu mến. Tôi hỏi:
 
- Đã bảy năm làm Bí thư Chi bộ, cũng từng ấy năm là đội trưởng ở một đội khá thầm lặng so với các đồng nghiệp khác trong ngành, anh có muốn chuyển việc khác không? 
 
Vẫn nụ cười, hiền hòa, trong như nước sông Thạch Hãn quê anh, chảy ra cửa biển Cửa Việt, Vinh chầm chậm:
 
- Đúng là khi mới nhận nhiệm vụ, tôi gặp nhiều khó khăn, thử thách. Đó là: Sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ còn mang tính hình thức, kết quả đạt được chưa cao. Ý thức chấp hành của một bộ phận quần chúng nhân dân còn chưa nghiêm, chưa đồng tình với quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương. Một số đối tượng lợi dụng đạo giáo lôi kéo đồng bào, giáo dân tuyên truyền sai quan điểm của Đảng. Một bộ phận nhỏ quần chúng lơ là, thiếu cảnh giác, e ngại tố giác tội phạm. Công tác triển khai nội dung, ý nghĩa “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở một vài cơ quan, đoàn thể, xã, thị trấn còn chậm... Tuy nhiên, được sự động viên và lãnh đạo của Đảng ủy, cũng như thủ trưởng đơn vị, chúng tôi đã làm được rất nhiều việc. Từ củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện các nghị quyết liên tịch, đưa vào hoạt động thường xuyên đến phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan quân sự...; chúng tôi đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của mọi người, tạo sự đồng thuận cao nhằm xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.
 
- Có việc nào Vinh thấy tâm đắc nhất?
 
- Do chú trọng phát triển phong trào theo hướng xã hội hóa, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, lấy phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT đến từng cơ quan, đơn vị, nhà trường, khu dân cư, gia đình; xây dựng khu dân cư, xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT… là hướng đi đúng và hiệu quả nhất. Mặt khác, chúng tôi tập trung xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm và nhân rộng điển hình nên những năm qua phong trào thu được những kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho 11 xã và 1 thị trấn về đích nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh trước năm 2019.
 
Trong lần dự hội nghị giao ban sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 về thực hiện các Nghị quyết liên tịch giữa Ban chỉ đạo xây dựng phong trào với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của huyện, tôi rất tâm đắc khi nghe báo cáo của một số mô hình được duy trì thường xuyên, hoạt động hiệu quả. Đó là: Mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ với kiến thức pháp luật”, “Tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ tuần tra phòng chống tội phạm của trên 100 thôn, tổ dân phố”, “Tổ công tác thăm, gặp, vận động, cảm hóa đối tượng lầm lỗi sớm hòa nhập cộng đồng”, “Chi đoàn thanh niên không có tệ nạn ma túy”... Đặc biệt, mô hình “Đội công tác liên lực lượng xử lý an ninh trật tự cơ sở” có 5 tổ, trong đó 1 tổ phục vụ các doanh nghiệp, 4 tổ thuộc các xã, thị trấn, do Công an huyện chủ trì phối hợp với cụm xã, tăng cường nắm tình hình và giải quyết những phát sinh tại chỗ. Mô hình này được Công an tỉnh Lâm Đồng ghi nhận, biểu dương và chỉ đạo nhân rộng trong toàn tỉnh. Gần đây là mô hình “Camera an ninh”, đến nay đã lắp đặt được 595 chiếc trong toàn huyện, trong đó có 51 chiếc tại các nút giao thông trọng điểm. Riêng mô hình “Đèn bàn thắp sáng ước mơ” do Công an huyện sáng kiến và chủ trì nhiều năm, thực sự phát huy tác dụng. Mô hình xây dựng kế hoạch hàng quý, hàng năm, nhằm giúp đỡ các cháu học sinh người dân tộc thiểu số gốc địa phương được đến lớp, không bỏ học giữa chừng. Đồng thời giúp đỡ về tinh thần, vật chất, trực tiếp hướng dẫn tại nhà các cháu có học lực yếu. Do vậy, nhiều học sinh không những học khá trở lên mà còn có hạnh kiểm tốt. Mô hình tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa Công an với đồng bào, góp phần lớn cho việc giữ gìn an ninh trật tự trong các thôn buôn... Không chỉ vậy mà một số hoạt động khác của đội đều đạt các yêu cầu của công tác bảo vệ ANTQ trong tình hình mới. Cụ thể như: Phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng các chuyên mục phát trên sóng để phục vụ trực tiếp cho phong trào: Tuần tra địa bàn trọng điểm, kiểm điểm đối tượng vi phạm trước dân, giới thiệu gương điển hình trong phòng chống tội phạm, tổ chức tập huấn điều lệnh, tập võ thuật, thi đấu thể dục thể thao… 
 
Trong 5 năm trở lại đây, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở Đạ Tẻh đã luôn gắn kết với các phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”,... nên tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhiều đơn vị như thị trấn Đạ Tẻh, xã Quốc Oai, Đạ Lây, Quảng Trị, Mỹ Đức, Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Đội xây dựng phong trào của công an huyện cùng hàng chục cá nhân được Bộ Công an, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND huyện tặng cờ, Bằng khen và giấy khen vì thành tích xuất sắc trong xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
 
Chi bộ do Trung tá Lê Quang Vinh làm Bí thư, ba năm liền đạt “Trong sạch vững mạnh”. Riêng anh, các năm 2015, 2016, 2017, 2018 là “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, được Bộ Công an tặng hai Bằng khen, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng 1 Bằng khen và UBND tỉnh Lâm Đồng tặng 2 Bằng khen vì những cống hiến không mệt mỏi “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
 
Ký: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM