Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kì họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, ngày 23/9, ông Nguyễn Tạo - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có buổi tiếp xúc với cử tri Hội Cựu chiến binh tỉnh để góp ý về Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kì họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, ngày 23/9, ông Nguyễn Tạo - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có buổi tiếp xúc với cử tri Hội Cựu chiến binh tỉnh để góp ý về Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Tại hội nghị, các đại biểu, cử tri Hội CCB tỉnh đã cơ bản thống nhất cao với nội dung dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Dân quân tự vệ sửa đổi với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã góp ý một số ý kiến nhằm hoàn thiện hai bộ luật trên.
Đối với dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên, gồm 5 chương, 43 điều; được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng so với Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên năm 1996. Nhiều đại biểu cho rằng, các câu từ trong bộ Luật này chưa thống nhất và thiếu chặt chẽ do đó đề nghị Quốc hội cần xem xét, chỉnh sửa sao cho cô đọng, súc tích hơn. Đồng thời, các đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ, cụm từ cho phù hợp ở các điểm thuộc Điều 2, Điều 7, Điều 22, Điều 28, Điều 30,... liên quan đến giải thích từ ngữ; cơ quan thẩm định; cơ quan giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; quyết định huy động phương tiện kỹ thuật dự bị; chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện... Riêng đối với dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), gồm 8 chương, 50 điều quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, các đại biểu cho rằng cần tăng mức phụ cấp cho Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã; đưa chức danh Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã là “người hoạt động không chuyên trách” thành “người hoạt động chuyên trách” cấp xã.
Đối với Điều 20 của dự thảo Luật, đa số các ý kiến đều thống nhất chọn phương án 1 quy định “Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã là ủy viên UBND cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã” để đảm bảo không tăng biên chế, duy trì sự ổn định hiện có.
Các ý kiến đóng góp tại hội nghị này sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm xây dựng Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đảm bảo sát với thực tiễn.
NGUYỆT THU