Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8

07:09, 24/09/2019

(LĐ online) - Chiều ngày 24/9, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng do ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách làm trưởng đoàn đã có cuộc tiếp xúc cử tri với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng cán bộ Công đoàn cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Cùng chủ trì có bà Phạm Thị Phúc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.

(LĐ online) - Chiều ngày 24/9, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng do ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách làm trưởng đoàn đã có cuộc tiếp xúc cử tri với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng cán bộ Công đoàn cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Cùng chủ trì có bà Phạm Thị Phúc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
 
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách làm trưởng đoàn
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách làm trưởng đoàn phát biểu
 
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã có 170 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thảo luận ở Tổ và 26 ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận Hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tại buổi góp ý, một số ý kiến đại biểu đồng ý với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Bộ luật nhằm bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội phù hợp cho người lao động. Một số đại biểu đề nghị giữ nguyên 300 giờ làm thêm, không tăng thêm 100 giờ nữa vì người lao động cần phải tái tạo sức lao động, ngoài ra người lao động rất cần thời gian dành cho gia đình.
 
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo Phương án 1 do Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (02 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ; đồng thời cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”.
 
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri góp ý dự thảo Bộ luật Lao động
Các đại biểu tham dự tiếp xúc cử tri
 
Quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy, dư luận người lao động, nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền… ở doanh nghiệp chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đòi hỏi cần có thời gian để tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau và quan tâm hơn công tác truyền thông trong thời gian tới. Có ý kiến cho rằng, nếu tăng độ tuổi nghỉ hưu thì cũng quy định theo ngành đặc thù, vì giáo viên Mầm non không thể dạy trẻ khi ở độ tuổi 60. Đề nghị cho người lao động được nghỉ 3 ngày nếu có con cưới, nghỉ 3 - 5 ngày nếu cha mẹ ruột đau ốm phải nằm viện… Đề nghị điều chỉnh “người lao động bị suy giảm khả năng lao động được nghỉ trước tuổi nghỉ hưu là 05 năm, trong khi đó có mục lại quy định nghỉ trước 10 năm”.  Nên có quy định cụ thể hơn về chế độ đặc thù cho lao động trong ngành Y tế, những ngành nghề độc hại. Về hợp đồng lao động và thử việc, một số ý kiến đồng ý với quy định về thử việc theo Phương án 1 của dự thảo Bộ luật. Có ý kiến đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn việc thực hiện quy định thử việc trong những năm qua và làm rõ việc bảo đảm quyền lợi về các chế độ BHXH đối với người lao động trong thời gian thử việc để quy định phù hợp. 
 
Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp và xem xét báo cáo tại kỳ họp sắp tới để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động.
 
NGUYỆT THU