Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

08:10, 13/10/2019

Một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự Thật (tiền thân báo Nhân Dân hôm nay) cách đây đúng 70 năm, soi chiếu vào tình tình hiện tại, vẫn vẹn nguyên cả giá trị lý luận và thực tiễn.

Một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự Thật (tiền thân báo Nhân Dân hôm nay) cách đây đúng 70 năm, soi chiếu vào tình tình hiện tại, vẫn vẹn nguyên cả giá trị lý luận và thực tiễn.
 
Người thăm bà con nông dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong cải cách ruộng đất
Người thăm bà con nông dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong cải cách ruộng đất
 
Bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được báo Sự Thật đăng toàn văn ngày 15/10/1949. Trước thời điểm công bố bài viết quan trọng này, trên báo Sự Thật từ tháng 6/1949, lần lượt đăng: “Thư gửi Hội nghị Thi đua ái quốc” (6/1949); “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng” (7/1949); “Thư gửi các đồng chí Liên khu IV” (9/1949); “Thư gửi Hội mẹ các chiến sĩ Liên khu IV”. Sau bài “Dân vận” (15/10/1949), Bác viết “Thư gửi lớp “chuẩn bị tổng phản công” Trường trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn” (9/11/1949); “Thư gửi Hội nghị cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc” (11/1949)...
 
Ngày 19/12/1949, báo Sự Thật đăng “Lời kêu gọi nhân dịp ba năm toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ, trong đó nêu một nhận định quan trọng: “Bốn phần gian nan cực khổ, ta đã vượt qua được ba phần. Chỉ còn một phần nữa. Nhưng phần này là phần cuối cùng, nó sẽ gay go hơn. Với lực lượng đại đoàn kết của toàn dân, với chí khí anh dũng của toàn quân, chúng ta quyết khắc phục phần khó khăn cuối cùng này, cũng như chúng ta đã khắc phục những khó khăn trong ba, bốn năm vừa qua. Vượt khỏi phần khó khăn này, là ta hoàn toàn thắng lợi”(1).
 
Như vậy, xét về khía cạnh công tác tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chủ động dự báo diễn biến tình hình cách mạng ở những thời điểm có tính bước ngoặt để trước hết định rõ nhiệm vụ của công tác tuyên truyền, cổ động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhằm phát huy những thành tựu to lớn trong ba năm tiến hành công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, thách thức mới; trên cơ sở đó huy động sức mạnh cao nhất của toàn xã hội bước vào giai đoạn tổng phản công kẻ thù. Đó là một nhiệm vụ cực kỳ cam go, nhưng chắc chắn sẽ giành thắng lợi vì chúng ta đã tạo ra nhiều tiền đề quan trọng của ba năm trước. Để đạt được mục tiêu cách mạng đó, một trong những nhiệm vụ cấp bách là tiếp tục khơi gợi lòng yêu nước của mỗi người dân, huy động nguồn sức mạnh về vật chất và tinh thần to lớn còn tiềm ẩn trong dân; tăng cường giáo dục, động viên, tập hợp các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, ...) vào nhiệm vụ đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, giải phóng miền Bắc, hỗ trợ cách mạng ở miền Nam. Vì thế, hơn bao giờ hết, công tác dân vận có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc bồi đắp ý chí quyết tâm kháng chiến giành thắng lợi trên cơ sở các tầng lớp nhân dân ta tự nguyện, hồ hởi tham gia phong trào thi đua sản xuất, diệt giặc, lập công với ý chí vượt lên mọi gian khó, hy sinh để giành lại bằng được độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bài “Dân vận” ra đời trong bối cảnh nói trên, đúng như Bác khẳng định: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(2).
 
Giá trị lý luận - thực tiễn của bài viết
 
Bài viết gồm 4 phần rành rọt:
 
I. Nước ta là nước dân chủ.
 
II. Dân vận là gì?
 
III. Ai phụ trách dân vận?
 
IV. Dân vận phải thế nào?
 
Mở đầu, Bác nói lý do viết bài báo này: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”.
 
Đề cập những nội dung căn cốt của bài viết, Bác khẳng định luận điểm đầu tiên: Nước ta là nước dân chủ với 6 nội hàm, rồi nhấn mạnh: “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Như vậy, không phải ngẫu nhiên, trong 7 dòng ngắn gọn của phần I này, chữ DÂN được Bác nhắc tới 7 lần. Trải qua 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước ở khắp năm châu bốn biển; sau này trên cương vị là lãnh tụ cao nhất của Đảng, Nhà nước, Bác luôn canh cánh trong lòng một tâm nguyện: Làm cho nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Mục tiêu cao đẹp ấy cũng chính là bản chất của chế độ dân chủ. Bác nói ngắn gọn: Dân chủ tức là dân làm chủ. Và điều ấy chỉ có thể biến thành hiện thực khi chế độ dân chủ được thiết lập; và những người lãnh đạo quốc gia ấy khi đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật... phải lấy dân làm đối tượng trung tâm, phải phục vụ lợi ích của dân, luôn chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân, coi đó là thượng sách dựng nước và giữ nước. Bản chất của chế độ phong kiến, tư bản hoàn toàn đối lập với bản chất chế độ dân chủ vì xét cho cùng, mọi lợi ích đều phục vụ giai cấp thống trị; dân chỉ là đối tượng bị bóc lột, bị bòn rút sức lao động mà thôi. Đề cao vai trò, vị trí quyền lực của dân, Bác Hồ đã nghiên cứu rất kỹ và tiếp thu luận điểm “lấy dân làm gốc” của các vị vua anh minh trong các triều đại phong kiến ở nước ta và các học giả nổi tiếng thế giới. Năm 1010, Thái Tổ Hoàng đế trong “Chiếu dời đô” đã viết: “Trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi...”. Trong xây dựng hệ thống pháp luật, Thái Tông Hoàng đế coi trọng việc xét xử công minh, bảo vệ quyền lợi người dân. Ông cho xây lầu chuông, nhân dân ai có kiện tụng, oan uổng thì đánh chuông lên để vua biết đến mà trực tiếp tổ chức xét xử. Mùa Xuân năm 1268, Thánh Tông Hoàng đế nhà Trần nói: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”(3).
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã thấm sâu tư tưởng khoan thư sức dân, dựa vào nhân dân của Hưng Đạo Vương để xây dựng và bảo vệ đất nước: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”(4). Chúng ta hiểu rõ vì sao khi về thăm Côn Sơn ở huyện Chí Linh (Hải Dương), Bác Hồ đã dừng lâu đọc kỹ những dòng bia khắc ghi lời Nhà văn hóa lớn của dân tộc ta. Nguyễn Trãi - người đã có những luận điểm sâu sắc về sức mạnh nhân dân: “Chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”. Thể hiện rõ tư tưởng nước lấy dân làm gốc, Nguyễn Trãi cho rằng “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc”, phải “Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược” thì lòng dân mới an. Và do vậy, câu đầu trong bài Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi khẳng định: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác: Ngày 19/5/1965, Bác đi thăm quê Khổng Tử ở Trung Quốc. Bác nói rằng, từ những năm 20 thế kỷ XX, Bác đã nghiên cứu về Khổng Tử. Người đặc biệt chú ý luận điểm “nước lấy dân làm gốc” của Khổng Tử. Tiếp thu những nhân tố tích cực của Nho giáo: “Dân duy bang bản, bản cố bang ninh” (Dân chính là gốc rễ của đất nước, gốc rễ có vững chắc thì nước mới yên). Rồi “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý nhất, đất nước là hàng thứ hai, vua chỉ nên xem nhẹ). Có lẽ từ những luận điểm quan trọng này, qua trải nghiệm chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã tổng kết một chân lý về sức mạnh bất diệt của nhân dân:
 
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954
 
Biến lý luận thành hành động cụ thể
 
Trong nội dung bài “Dân vận”, Bác Hồ đã đề cập và nhấn mạnh: Để làm tốt công tác dân vận, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp phải hiểu và giải quyết thật tốt các mối quan hệ cơ bản sau đây: Quan hệ giữa nhận thức (về vai trò, vị trí của nhân dân trong quá trình cách mạng) với hành động của cán bộ (để tận tụy phục vụ nhân dân); quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân với tổ chức (mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân, nhưng dân có nghĩa vụ thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức giao); quan hệ giữa đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện; quan hệ giữa nội dung (đề ra các phong trào thi đua đúng trọng tâm) với hình thức thích hợp (có tính tập hợp mọi lực lượng cùng làm; không phô trương, nói suông...); quan hệ giữa yêu cầu cách mạng và phẩm chất cán bộ (phải đủ đức, tài và sâu sát nhân dân); quan hệ giữa công tác chỉ đạo với kiểm tra, giám sát (để rút ra kinh nghiệm, kịp thời khen thưởng, phê bình). Như vậy, từ thực tiễn của ba năm tiến hành kháng chiến kiến quốc, Bác Hồ đã tổng kết thành những vấn đề lý luận rất sinh động, dễ hiểu, dễ làm.
 
Nhưng khác với các bậc tiền nhân, Bác Hồ rất coi trọng việc chuyển từ nhận thức lý luận sang tổ chức hành động, sao cho thiết thực và hiệu quả. Đã không ít lần, Bác nhấn mạnh: “Thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng; lý luận không có thực tiễn là lý luận suông”. Chính vì vậy, trong bài “Dân vận”, sau khi trình bày về mặt nhận thức thế nào là “dân chủ” và “dân vận”, Bác đề cập bốn việc phải làm tiếp theo là: 1) Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân. 2) Tổ chức, động viên toàn dân thực hiện. 3) Theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân làm việc có lợi cho số đông. 4) Xong việc phải sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
 
Để làm được những việc nêu trên, theo Bác, cán bộ là khâu quyết định. “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v...) đều phải phụ trách dân vận”. Cán bộ phải gương mẫu, tiên phong làm kiểu mẫu cho dân. Bác lưu ý: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”.
 
Thực hiện lời chỉ bảo nêu trên, vừa qua, Trung ương Đảng ta đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên các cấp, trước hết là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương. Đây cũng là cơ chế làm việc nhằm thực hiện có hiệu quả phương châm: Nói đi đôi với làm; nói ít làm nhiều; công khai minh bạch; dân giám sát kiểm tra mọi hoạt động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Thực tiễn chỉ ra rằng, khắc phục bệnh quan liêu, nói suông, xa dân... là cuộc đấu tranh cam go giữa cái cũ và cái mới, giữa tư tưởng bảo thủ và tiến bộ, giữa yêu cầu ngày càng cao của cách mạng với biểu hiện bằng lòng với cái gì đã có, thỏa mãn cá nhân, dậm chân tại chỗ... Chỉ có thể khắc phục những biểu hiện tiêu cực ấy khi từng cán bộ, đảng viên nghiêm túc thực hiện các yêu cầu mà Bác đã nêu ra cách đây 70 năm là: Phải óc nghĩ, tức là phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng quy luật phát triển; phải mắt trông, tức là luôn quan sát, nắm bắt sự vận động của thực tiễn; phải tai nghe, tức là hiểu được dân đang nói gì, muốn gì ở Đảng; phải miệng nói, tức là chỉ ra điều hay, lẽ phải trong việc đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống; phải tay làm, tức là phải xắn tay áo hành động, làm mẫu để nhân dân noi theo...
 
Một thời kỳ mới của cách mạng nước ta đang thúc giục mọi người Việt Nam yêu nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập sâu rộng quốc tế trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen. Không có “chiếc đũa thần” nào màu nhiệm bằng cách khơi gợi và bồi đắp “sức dân như nước” - cơ sở quan trọng để tạo ra sự đồng thuận xã hội rộng lớn, tất cả nhằm đáp ứng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Chúng ta càng vững tin lời Bác dạy: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(5).
 
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H.2009.
 
(2) Sđd, trang 698.
 
(3) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư trọn bộ, NXB Văn hóa - Thông tin, H.2011 trang 243.
 
(4) Ngô Sĩ Liên, Sđd trang 303.
 
(5) Sđd, trang 700.
 
(Theo chinhphu.vn)