(LĐ online) - Sáng ngày 11/10, dưới sự chủ trì của Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sắp tới...
(LĐ online) - Sáng ngày 11/10, dưới sự chủ trì của Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sắp tới. Tham dự Hội thảo có đại biểu Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội K’Nhiễu; các thành viên Tổ tư vấn pháp luật, đại diện các sở, ngành.
|
Toàn cảnh hội thảo góp ý Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án |
Dự thảo Luật gồm 04 chương, 29 điều. Luật này quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Luật này không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Quy định theo hướng trên phù hợp với mục tiêu xây dựng cơ chế pháp lý mới để cá nhân, cơ quan, tổ chức lựa chọn giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua hòa giải, đối thoại, giảm số lượng tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính mà Tòa án phải thụ lý, xét xử; đồng thời, phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất hiện hành, số lượng Hòa giải viên; không chồng chéo, mâu thuẫn với các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện có.
|
Đại biểu góp ý, bổ sung cho dự thảo luật |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tạo khẳng định: Trong suốt chiều dài lịch sử, phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp luôn tồn tại và là một trong những thiết chế truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và truyền thống trọng tình trong văn hóa của người Việt. Hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Đây là vấn đề đặt ra trong việc chấp hành pháp luật trong thực tiễn.
Các đại biểu tham dự đã góp ý, đề nghị bổ sung thêm vào Khoản 1 quy định về “thực hiện quyền tự định đoạt” cho thống nhất với Khoản 2 Điều 1 là “Luật này có nhiệm vụ giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân…” cũng như phù hợp với Điều 5. Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Cần bổ sung quy định “một cách thiện chí, trung thực” như Khoản 3 Điều 3 Bộ luật Dân sự về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”…
Có ý kiến không nên quy định việc chịu chi phí trong trường hợp này mà nên tạo điều kiện để làm sao hòa giải và đối thoại. Chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại Khoản 3 là “Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án”. Việc Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội; đồng thời, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại tại Tòa án để giải quyết tranh chấp.
Có ý kiến tán thành theo Tờ trình Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được xây dựng tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại “tiền tố tụng”, góp phần nâng cao chất lượng hình thức hòa giải, đối thoại hiện có tại Tòa án; góp phần giảm số lượng các tranh chấp, khiếu kiện phải giải quyết bằng con đường xét xử, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính là cần thiết.
Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu thêm, mục đích của Luật là tốt trong điều kiện những tranh chấp mới phát sinh, ít phức tạp, đối tượng là những người có thiện chí… Ngược lại, đối với những tranh chấp có thời gian lâu dài, phức tạp, đã qua nhiều hình thức hòa giải, tư vấn rồi mới khiếu kiện ra Tòa án thì giai đoạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án “tiền tố tụng” này trở thành nhiêu khê, phiền hà, kéo dài vụ tranh chấp gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, tốn kém tiền của Nhà nước...
Các ý kiến góp ý của các ngành liên quan sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp báo cáo, trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
NGUYỆT THU