(LĐ online) - Chiều ngày 10/10, tiếp tục thực hiện chương trình giám sát đợt 2 về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đối với xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, y tế và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Đoàn giám sát do ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương về nội dung trên.
(LĐ online) - Chiều ngày 10/10, tiếp tục thực hiện chương trình giám sát đợt 2 về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đối với xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, y tế và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Đoàn giám sát do ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương về nội dung trên. Tham dự đồng chủ trì có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, các thành viên đoàn giám sát là các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của MTTQ, lãnh đạo các sở, ngành, UBND thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương.
|
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với UBND tỉnh |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông khẳng định: Với những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân về môi trường và ô nhiễm môi trường thời gian qua. Với vai trò chức trách của mình, Đoàn Giám sát thực hiện giám sát về nội dung này nhằm đánh giá thực trạng tình hình trên, chỉ ra những bất cập, tồn tại, khó khăn và đề ra các kiến nghị, đề xuất. Đoàn giám sát các nội dung xoay quanh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, phát huy tinh thần giám sát của nhân dân trong lập phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải. Giám sát việc đầu tư xây dựng, vận hành công trình công cộng… những việc đã làm được, chưa làm được, hướng đến xây dựng một môi trường lành mạnh, an toàn. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò phối hợp giữa UBND - HĐND và UBMTTQ trong nhiều năm qua. Xác định rõ trách nhiệm của từng bên theo tinh thần Nghị quyết 44 của Bộ Chính trị.
Theo kết quả giám sát của đoàn, thực hiện quyết định 1900 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, các ngành, các cấp đã huy động và tập trung các nguồn lực để tham gia đầu tư và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại 12 huyện, thành phố. Việc thu gom rác ở thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc do doanh nghiệp thực hiện, ở các huyện do Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng thực hiện. Tại các vùng chưa có tuyến thu gom rác, người dân tự thug om và xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại các hố đào hoặc đốt.
Đoàn giám sát nhận thấy công tác quy hoạch các khu xử lý rác, các bãi chôn lấp rác thải chưa gắn liền, chưa đồng bộ với quy hoạch chung của khu đô thị, khu dân cư. Các huyện, thành phố chưa xây dựng được phương án dự phòng trong trường hợp phải đóng cửa bãi rác, nhà mày xử lý chất thải rắn gặp sự cố. Hầu hết các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác ở các địa phương chậm tiến độ, năng lực đầu tư yếu, công nghệ chưa phù hợp, chưa đáp ừng yêu cầu. Nhiều địa phương, cơ sở trên địa bàn có nhiều vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng thời gian qua chưa xử lý được vụ vi phạm nào hoặc xử lý quá ít so với các hành vi vi phạm trên thực tế.
Rác thải nguy hại gồm bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thu gom đầy đủ để xử lý theo đúng quy định. Đây chính là nguồn ô nhiễm môi trường có mối nguy hại rất lớn đến môi trường sống của cộng đồng dân cư, nhất là ở những vùng chuyên canh rau, hoa.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở Tài Nguyên và môi trường, Xây dựng, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh đã có giải trình cụ thể về những tồn tại, khó khăn trong công tác thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn giám sát, nhất là những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân rất cụ thể. Phía UBND tỉnh sẽ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát và sẽ quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Tập trung rà soát tổng thể quy hoạch, quản lý chất thải rắn, cập nhật, bổ sung quan điểm, mục tiêu mới theo quyết định 491 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt, điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050. Xem xét áp dụng các chính sách ưu đãi trong đầu tư xử lý chất thải rắn. Khuyến khích kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Đôn đốc các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác đẩy nhanh tiến độ, có phương án dự phòng nếu nhà máy không vận hành.
NGUYỆT THU