Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII

08:10, 07/10/2019

(LĐ online) - Sáng 7-10, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc.

(LĐ online) - Sáng 7-10, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc.
 
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ 11, BCH T.Ư Đảng, khóa XII
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ 11, BCH T.Ư Đảng, khóa XII
 
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020; và một số vấn đề quan trọng khác.
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nội dung chương trình Hội nghị T.Ư lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2019 - 2020 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí gợi mở một số vấn đề để hội nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận.
 
Về Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Đồng chí đề nghị các đại biểu dự hội nghị nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến các vấn đề lớn, như: đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tập trung vào 10 năm gần đây; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước); định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển... Đặc biệt, chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
 
Đồng chí lưu ý, đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết T.Ư; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao? Từ đó, khẳng định cần kế thừa, bổ sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, phù hợp thực tế trong nước và quốc tế nhằm tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
 
Đối với dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo chính trị một cách bài bản, có hệ thống và tầm nhìn sâu rộng, xuyên suốt 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và định hướng xây dựng Đảng, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong 5 - 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Dự thảo Báo cáo đã đề cập, phân tích về bối cảnh thực hiện Cương lĩnh 2011; nhận định, đánh giá về thành tựu trong phát triển nhận thức lý luận của Đảng; những kết quả, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 đối với từng lĩnh vực của đời sống xã hội; đánh giá chung về ý nghĩa và giá trị của Cương lĩnh. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước thời gian tới; tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; định hướng lớn và giải pháp xây dựng, phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
 
Những vấn đề nêu trên sẽ được hội nghị lần này tập trung thảo luận, cho ý kiến, nhất là những vấn đề mới, còn ý kiến khác nhau để Bộ Chính trị nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo, làm tài liệu nghiên cứu, phục vụ quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là báo cáo rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới. Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài; tổ chức bảy hội nghị với đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; trao đổi lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học...
 
Đồng chí đề nghị T.Ư tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 2016 - 2020, và 10 năm, 2011 - 2020, được đề ra tại hai kỳ Đại hội của Đảng; xác định rõ ràng, đúng đắn vị thế, động lực, nguồn lực của đất nước, sức mạnh của dân tộc trước khi bước vào nhiệm kỳ Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội mới. Chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được rút ra. Đặc biệt, chú ý các vấn đề như tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo vệ môi trường một cách tương xứng, hài hòa; cần phải tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện có chất lượng, sát thực tế và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt hệ thống luật pháp, chính sách? Báo cáo kinh tế - xã hội cần xác định phương hướng, quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 2021 - 2025, và 10 năm, 2021 - 2030, sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực,…
 
Về dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đây cũng là một báo cáo chuyên đề rất quan trọng của mỗi kỳ Đại hội, liên quan việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng. Dự thảo Báo cáo đã được Tiểu ban Điều lệ Đảng chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, chắt lọc báo cáo tổng kết của tất cả 68 tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy và 70 đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc T.Ư; 35 báo cáo chuyên đề; kết quả nghiên cứu, khảo sát tại 16 địa phương, cơ quan, đơn vị; tám cuộc hội thảo của đại diện cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc T.Ư; và xin ý kiến trực tiếp của một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị T.Ư thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; những đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khóa XIII; những kiến nghị của các cấp ủy, tổ chức đảng về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Chú ý phân tích, chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp đề ra đã sát thực tế, có tính khả thi, đúng trọng tâm, trọng điểm hay chưa, cần tập trung ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì; những hạn chế, vướng mắc nào do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, hướng dẫn chưa rõ; những hạn chế, vướng mắc nào do quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần phải bổ sung, sửa đổi Điều lệ chưa, hay chỉ cần điều chỉnh bằng quy định, hướng dẫn của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư?...
 
Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020, Hội nghị lần này sẽ thảo luận, phân tích thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước chín tháng đầu năm, dự báo cả năm 2019. Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua. Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020,...
 
Theo chương trình, hội nghị lần này sẽ họp đến ngày 13-10.
 
(Theo Báo Nhân Dân)