Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả",...
[links()]
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, các cơ sở đoàn trong tỉnh đã có sự biến động đáng kể về số lượng cán bộ Đoàn. Với đặc thù có nhiều phong trào trong và ngoài giờ hành chính, việc giảm về số lượng con người đã gây ra không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần nhiệt huyết và “lửa phong trào” của tuổi trẻ, Đoàn các cấp trong tỉnh đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào để vừa thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng, vừa duy trì tốt hoạt động đặc thù của Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh?
Bước tiên phong từ cơ quan Tỉnh Đoàn và quyết tâm chung
Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, mà ngay từ tên của 2 nghị quyết này đã cho thấy rõ mục tiêu, quyết tâm của Đảng, đó là: ... tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Để tạo ra những sự “đổi mới” đó, đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên.
|
Thường trực Tỉnh ủy làm việc với BTV Tỉnh Đoàn Lâm Đồng trong Tháng Thanh niên năm 2018. Ảnh: V.Quỳnh |
Tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng được thành lập và hoạt động từ năm 1976, đến nay đã trải qua 10 kỳ đại hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 24 tổ chức Đoàn cấp huyện trực thuộc với 81.121 đoàn viên trên tổng số 262.410 thanh niên. Ngay sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng và Kế hoạch số 48 KH/TU ngày 16/4/2018 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện Nghị quyết số 18, Tỉnh Đoàn đã chủ động quán triệt Nghị quyết tại các cuộc họp của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh Đoàn, tại Hội nghị BCH Tỉnh Đoàn lần thứ 2 khóa X, nhiệm kỳ 2017 - 2022, trong giao ban sáng thứ hai đầu tuần cho cán bộ, công chức và người lao động cơ quan nắm, hiểu rõ tinh thần của Nghị quyết. Bởi theo chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn, việc sáp nhập các ban và tinh giản biên chế khi sắp xếp bộ máy sẽ không thể tránh khỏi nảy sinh tâm tư trong cán bộ. Do đó, BTV Tỉnh Đoàn thường xuyên chú ý nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để kịp thời làm tốt công tác tư tưởng trong toàn bộ máy. Chú trọng việc tuyên truyền để các cá nhân nắm rõ mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết và thống nhất chủ trương chung, từ đó tạo sự đồng thuận, giúp quá trình thực hiện thuận lợi hơn.
Mặt khác, tại các cuộc họp của Đảng bộ cơ sở cơ quan Tỉnh Đoàn, nội dung Nghị quyết số 18 - NQ/TW cũng được quán triệt, Bí thư các chi bộ, các đồng chí đảng ủy viên được chỉ đạo quán triệt lại trong nội bộ chi bộ và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tinh giản, sắp xếp lại bộ máy, trình BTV Tỉnh Đoàn. Nhờ đó mà tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên ổn định, đoàn kết thi đua, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để tiến hành việc sắp xếp, tinh gọn, nhằm tạo ra bộ máy hoạt động hiệu quả, BTV Tỉnh Đoàn đã cụ thể hóa chủ trương, Nghị quyết, kế hoạch bằng 2 đề án trình UBND tỉnh phê duyệt, gồm: Đề án vị trí việc làm và sáp nhập các Ban chuyên môn cơ quan Tỉnh Đoàn; Đề án sáp nhập Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng và Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng.
Theo chị Trần Thị Chúc Quỳnh: “Căn cứ hiện trạng biên chế và chức năng, nhiệm vụ của các ban chuyên môn hiện nay của Tỉnh Đoàn, việc sáp nhập một số ban là cần thiết, nhằm giảm đầu mối và khâu trung gian trong xử lý văn bản; đồng thời tạo sự thống nhất trong công tác quản lý và điều hành của BTV; thống nhất trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu. Tinh giản bộ máy quản lý của các ban chuyên môn giúp sử dụng tối ưu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban”.
|
Cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy đặt ra nhiều thách thức đối với cán bộ Đoàn và các hoạt động Đoàn. Ảnh: V.Quỳnh |
Tinh gọn bộ máy
Trước khi thực hiện Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, bộ máy cơ quan Tỉnh Đoàn gồm 6 ban chuyên môn, gồm: Ban Tổ chức - Kiểm tra (Thường trực Ủy ban Kiểm tra), Ban Thanh thiếu nhi - Trường học (Thường trực Hội đồng Đội), Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên (Thường trực Hội Liên hiệp thanh niên), Ban Thanh niên nông thôn công nhân và đô thị, Ban Tuyên giáo, Văn phòng
Năm 2014, Ban Tổ chức Tỉnh ủy giao cho Tỉnh Đoàn Lâm Đồng 57 biên chế, trong đó: cơ quan Tỉnh Đoàn 31 biên chế, Nhà Thiếu nhi 20 biên chế, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh 6 biên chế. Tính đến ngày 31/10/2017, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng có tổng số 33 cán bộ, công chức và người lao động (trong đó có 22 biên chế, 2 hợp đồng 68 và 9 hợp đồng lao động); Nhà Thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng có tổng số 24 cán bộ, công chức và người lao động (trong đó có 12 biên chế và 12 hợp đồng lao động) với bộ máy gồm Ban Giám đốc và 3 phòng chuyên môn; Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh có 3 cán bộ, viên chức và người lao động (trong đó có 1 biên chế, 1 hợp đồng 68, 1 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh Đoàn kiêm Giám đốc Trung tâm).
Thực hiện Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức gắn với thực hiện tinh giản biên chế và Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), từ tháng 2/2018, cơ quan Tỉnh Đoàn đã sáp nhập từ 6 ban chuyên môn xuống còn 3 ban, gồm ban Xây dựng Đoàn Tỉnh Đoàn (13 đồng chí), Ban Phong trào (5 đồng chí), Ban Tuyên giáo - Đoàn kết (6 đồng chí). Cùng với đó phân công các Phó Bí thư Tỉnh Đoàn kiêm trưởng các ban chuyên môn, giảm 12 đầu mối lãnh đạo là trưởng, phó các ban chuyên môn Tỉnh Đoàn. Các trưởng, phó các ban chuyên môn trước đây được bố trí làm chuyên viên phụ trách các mảng khối theo phân công và hưởng phụ cấp theo chức danh bầu cử thường vụ. Hiện nay, cơ quan Tỉnh Đoàn còn 22 người, trong đó có 17 biên chế, 4 hợp đồng 68 và 1 hợp đồng kế toán. Tỷ lệ tinh giảm biên chế khoảng 22,22%.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/8/2018, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh và Nhà Thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng được sáp nhập thành một. Bộ máy giảm được Ban Giám đốc gồm có 1 Giám đốc, 2 Phó Giám đốc; giảm 6 phòng chuyên môn thuộc 2 đơn vị; giảm 12 đồng chí là lãnh đạo trưởng, phó các phòng chuyên môn của 2 đơn vị. Hiện nay, tổng số biên chế đang sử dụng là 9 biên chế, 1 hợp đồng 68/2000 và 12 hợp đồng lao động. Kết quả giảm 4 biên chế, cắt 4 hợp đồng lao động. Ngoài biên chế được giao, Trung tâm được ký hợp đồng lao động để thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động dịch vụ; kinh phí thực hiện do Trung tâm tự đảm bảo.
Theo chị Trần Thị Chúc Quỳnh, việc giảm nhân sự trong thời gian qua khiến các cán bộ, công chức không thể tránh khỏi sự lúng túng, bỡ ngỡ trong xử lý công việc. Tuy nhiên, sau thời gian thích nghi, hoạt động cơ quan Tỉnh Đoàn vẫn đảm bảo hiệu quả, cán bộ trẻ từng bước trưởng thành.
Trong thời gian từ nay đến năm 2021, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tiếp tục rà soát lại vị trí việc làm của từng cán bộ, công chức, viên chức của cả cơ quan Tỉnh Đoàn và Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh để phân công cán bộ, công chức, viên chức đúng với vị trí việc làm, năng lực công tác, tham mưu cho cán bộ lớn tuổi chuyển công tác không nhận người mới; đảm bảo các yêu cầu tinh giảm biên chế bộ máy Tỉnh Đoàn còn 26 người, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh còn 13 người và lấy nguồn kinh phí tự thu tự chi để hợp đồng lao động đối với cán bộ làm việc ở Trung tâm.
VIỆT QUỲNH