Tiếp tục đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn

07:10, 03/10/2019

Lâm Đồng có hơn 1,3 triệu dân, trong đó nông dân chiếm trên 60% tổng số lao động. Thời gian qua, lao động nông thôn có nhiều thay đổi, thích ứng mạnh mẽ với nền kinh tế thị trường, chuyển dịch cơ cấu sản xuất phù hợp với tiềm năng lợi thế địa phương;...

Lâm Đồng có hơn 1,3 triệu dân, trong đó nông dân chiếm trên 60% tổng số lao động. Thời gian qua, lao động nông thôn có nhiều thay đổi, thích ứng mạnh mẽ với nền kinh tế thị trường, chuyển dịch cơ cấu sản xuất phù hợp với tiềm năng lợi thế địa phương; hăng hái thi đua sản xuất, năng động, sáng tạo trong tiếp cận, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, có thương hiệu trên thị trường. Do vậy, đời sống đại bộ phận nông dân được cải thiện, ngày càng có nhiều hộ vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng đưa nền nông nghiệp phát triển...
 
Để đạt kết quả trên, 10 năm qua, Lâm Đồng đã có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đầu tư phát triển đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 68-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Đồng thời, thành lập và chỉ đạo hoạt động hiệu quả đối với Ban chỉ đạo thực hiện Kết luận số 61-KL/TW về “Nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”. UBND tỉnh ban hành văn bản, quyết định thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Chương trình hành động số 68-CTr/TU, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan thường trực theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có sự chuyển biến vượt bậc. Sản xuất tiếp tục tăng trưởng ổn định theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị nông sản; cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo đúng định hướng; hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung.
 
Quan hệ sản xuất nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được củng cố và đổi mới. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hoạt động của các hợp tác xã dần được củng cố, phát triển; số lượng các hợp tác xã thành lập mới và hoạt động hiệu quả ngày càng tăng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển, phục vụ thiết thực cho sản xuất, cuộc sống người dân. Diện mạo nông thôn mới ngày thêm khởi sắc, văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày một nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 
 
Tuy đạt những kết quả tích cực, nhưng nhìn chung việc đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là: liên minh công - nông - trí tính gắn kết chưa cao; chênh lệch về đời sống vật chất, tinh thần giữa thành thị và vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách lớn; cơ sở hạ tầng ở một số địa phương chưa đồng bộ; phân hóa giàu nghèo trong các thành phần xã hội chưa được thu hẹp đáng kể. Thời gian tới, các cấp ủy và chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Huy động nguồn lực đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, phát triển dịch vụ, đặc biệt là xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chủ động đổi mới hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, thủy sản; mở rộng và phát triển các làng nghề truyền thống. Động viên, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, thành phần xã hội tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thi đua sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Mặt khác, phải xây dựng, đánh giá tổng kết, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu đi vào chiều sâu, có tính bền vững... 
 
LAN HỒ