Kết nối cộng đồng bền chặt

11:11, 16/11/2019

(LĐ online) - Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân có một vị trí hết sức quan trọng...

(LĐ online) - Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân có một vị trí hết sức quan trọng. Từ đó, một trong những mục tiêu đặt ra đối với công tác Mặt trận là việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, trong đó có việc nâng cao chất lượng “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy lâm Đồng, thăm và tặng quà cho người cao tuổi tại bảo Lộc. Ảnh: Đông Anh
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, thăm và tặng quà cho người cao tuổi tại TP Bảo Lộc. Ảnh: Đông Anh
 
Sự ra đời và ý nghĩa của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc"
 
Để đáp ứng hơn nữa yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1994), với chủ trương: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, đưa công tác Mặt trận đến với từng người dân, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư. Hội nghị lần thứ hai Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa IV) tháng 02/1995 đã quyết định mở cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bổ sung nội dung: Đoàn kết chăm lo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Ngày 06/10/1997, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Hướng dẫn số 337/MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đây là tiền đề, yêu cầu thực tiễn cho việc ra đời "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư.
 
Sau Đại hội V Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1999), việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư ngày càng được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương quan tâm hơn và mang nhiều bản sắc văn hóa, vận động được đông đảo nhân dân tham gia. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của "Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc”, ngày 01/8/2003, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư”. Đây là một ý tưởng mới, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu đổi mới trong sinh hoạt và công tác tuyên truyền vận động của Đảng, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; và “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” đã được đưa vào Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt nam năm 2015 (Điều 11). Từ đây, việc kỷ niệm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - 18/11 hàng năm đã trở thành “Ngày hội” của toàn dân với nhiều nội dung và hình thức phong phú, có phần lễ, phần hội và các hoạt động trước, trong, sau Ngày hội tùy điều kiện cụ thể của từng khu dân cư. 
 
Phần lễ Ngày hội phải đảm bảo yêu cầu ngắn gọn, vui tươi, phấn khởi, trang trọng, hiệu quả và không phô trương, hình thức. Nội dung chủ yếu tập trung ôn lại truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổng kết đánh giá các hoạt động trong năm qua; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy ước cộng đồng; thảo luận, đưa ra các giải pháp phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới. Trong dịp này, cũng tổ chức các hoạt động biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các hoạt động; thăm hỏi các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn; các hoạt động về bảo vệ môi trường,… làm cho Ngày hội càng trở nên ý nghĩa và có sức lan toả sâu rộng. 
 
Phần hội là các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian mang tính truyền thống của địa phương; chú ý phát huy vai trò, thế mạnh của các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư, cũng như con em xa quê hương cùng hướng về Ngày hội. Nơi có điều kiện có thể tổ chức cắm trại, thi nấu ăn, thi tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm...; tổ chức bữa cơm thân mật nhằm thắt chặt, gắn bó hơn tình làng nghĩa xóm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân bền vững. “Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư” hàng năm phải thực sự là ngày hội toàn dân, là hình thức tập hợp và biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Một buổi chào cờ của học sinh Trường DTNT huyện Bảo Lâm. Ảnh: Đông Anh
Một buổi chào cờ của học sinh Trường DTNT huyện Bảo Lâm. Ảnh: Đông Anh
 
Những kết quả đạt được về “Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư” 
 
Từ ngày có chủ trương lấy ngày 18/11 hàng năm để tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư”, đến nay, Ngày hội đã mang lại nhiều kết quả hết sức to lớn và thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân. 
 
Trước hết, “Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư”, một mặt đã khơi dậy, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc ta và tinh thần thi đua yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Thông qua đó đã phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết từ cơ sở, huy động mọi nguồn lực từ mỗi người dân, gia đình, cộng đồng khu dân cư để tạo nên sức mạnh và động lực to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". 
 
Thứ hai, Ngày hội còn khơi dậy những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, như: Tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cố kết cộng đồng dân cư… những yếu tố nhân văn có cội nguồn từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù. 
 
Thứ ba, Ngày hội đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư hưởng ứng và nhiệt tình tham gia; tự nguyện, tự giác góp công, góp của để tổ chức Ngày hội với tinh thần sáng tạo, có nội dung, hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực; thực sự trở thành một đợt sinh hoạt rộng lớn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường văn hoá giáo dục, quan hệ ứng xử giữa con người với nhau trong khu dân cư, trong từng gia đình…
 
Thứ tư, thông qua Ngày hội, nhân dân được công khai nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, dân chủ đưa ra ý kiến góp phần xây dựng cộng đồng dân cư văn hoá, tích cực giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong đời sống cộng đồng. Nhiều ý kiến của dân đã được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe và tiếp thu để xây dựng, đổi mới, bổ sung chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngày hội đã đã trở thành diễn đàn dân chủ của nhân dân; thực sự khơi dậy được bầu không khí dân chủ, cởi mở ngay từ mỗi khu dân cư; không chỉ là dịp để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến tận khu dân cư để nhân dân biết, trên cơ sở đó thực hiện tốt chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mà còn tạo ra cơ hội, môi trường thuận lợi để góp phần giúp Đảng gắn bó, gần gũi với nhân dân, lãnh đạo và chăm lo cho cuộc sống nhân dân tốt hơn, từ đó nhân dân càng tin tưởng đối với Đảng, chia sẻ công việc cùng với Đảng.
 
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng “Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư”, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự phối hợp chỉ đạo thống nhất của chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của các tổ chức thành viên trong việc vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia tổ chức Ngày hội. 
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho đông đảo người dân hiểu hơn về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tuyên truyền về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, những kết quả đạt được trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; giới thiệu và tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, khu dân cư...; tuyên truyền các hoạt động thi đua hướng tới chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội thi đua yêu nước,… 
 
Đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thi đua làm tốt các phong trào. Trong ảnh: Nông dân xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm) thu hoạch bưởi da xanh. Ảnh: Đông Anh
Đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thi đua làm tốt các phong trào. Trong ảnh: Nông dân xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm) thu hoạch bưởi da xanh. Ảnh: Đông Anh
 
Việc tổ chức Ngày hội phải đảm bảo yêu cầu vui tươi, phấn khởi, trang trọng, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức và không nên kéo dài, gây lãng phí, phiền hà, tốn kém cho nhân dân. Cần chú trọng phát huy sự năng động, sáng tạo của mỗi khu dân cư, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức Ngày hội cho phù hợp; khuyến khích các khu dân cư tổ chức Ngày hội theo hình thức liên thôn, liên khu dân cư, nhằm tạo điều kiện giao lưu, trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các khu dân cư... Phần hội nên tổ chức ở khu dân cư vào buổi tối trước khi diễn ra Ngày hội để mọi người có điều kiện tham gia.
 
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, qua đó vận động tập hợp và phát huy được sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Mặt trận các cấp về tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư” nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng của Ngày hội. 
 
Việc triển khai chủ trương “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” hằng năm là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Những kết quả và kinh nghiệm quý báu có được trong quá trình vận động, tập hợp nhân dân tham gia Ngày hội là tiền đề, cơ sở thực tiễn để tiếp tục duy trì, củng cố, đổi mới và ngày càng mở rộng, nâng cao chất lượng để Ngày hội thực sự là sợi dây kết nối cộng đồng, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền vững.
 
VĂN NHÂN