Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn với phát triển KT-XH

06:11, 21/11/2019

Hiện nay, các ngành liên quan đang tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả gần 3 năm thực hiện Kế hoạch số 2297/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Lâm Đồng. 

Hiện nay, các ngành liên quan đang tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả gần 3 năm thực hiện Kế hoạch số 2297/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Lâm Đồng. 
 
Công nghiệp văn hóa là ngành sản xuất, tái sản xuất và truyền bá các dịch vụ văn hóa và sản phẩm văn hóa được tạo ra bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa và thương phẩm hóa; là ngành nghề sản xuất sản phẩm văn hóa và cung cấp dịch vụ văn hóa (Thời trang, Điện ảnh, Mỹ thuật công nghiệp, Trò chơi giải trí, Xuất bản, Quảng cáo, Du lịch, Nghệ thuật biểu diễn, Tổ chức sự kiện…). CNVH lấy sự thỏa mãn nhu cầu văn hóa của mọi người làm mục tiêu chủ yếu. Đó là sản phẩm kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật cao với sự nghiệp văn hóa, thể hiện xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau. Kế hoạch số 2297/KH-UBND nhằm mục đích thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam trên địa bàn Lâm Đồng theo hướng hiện đại và hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành CNVH, phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, đất nước, hội nhập và hợp tác quốc tế. Triển khai nội dung Chiến lược phải gắn với công tác văn hóa đối ngoại của tỉnh, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước... Theo đó, yêu cầu đặt ra, phải phát triển các ngành CNVH có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế; dựa trên thế mạnh văn hóa tiêu biểu của địa phương để phát triển được lợi thế của Lâm Đồng, phù hợp với các quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa. Phát triển CNVH gắn với quảng bá hình ảnh quê hương, con người Lâm Đồng, góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH dựa trên sự sáng tạo, khoa học, công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của giá trị văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động CNVH, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành CNVH phù hợp với quy định của pháp luật. 
 
Theo Kế hoạch số 2297/KH-UBND, mục tiêu đến năm 2020 Lâm Đồng sẽ tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Phát thanh và truyền hình; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; kiến trúc, thiết kế; quảng cáo; thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa... là yếu tố bổ sung giá trị đến các lĩnh vực khác, nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, góp phần tăng trưởng lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và hiệu quả vận hành, đổi mới. Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh, thời trang... đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH. Từ năm 2020 đến năm 2030, trên cơ sở đánh giá thực hiện mục tiêu năm 2020 để xác định, đưa doanh thu của các ngành CNVH chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách địa phương. Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong nước, đạt tiêu chuẩn các nước phát triển trong khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế thời đại theo quy luật phát triển của CNVH trong nước, thế giới. 
 
Việc đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch số 2297/KH-UBND là cơ sở để tiếp tục đề ra những biện pháp, giải pháp tích cực cho thời gian tới triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương và toàn thể xã hội về vai trò, tầm quan trọng của kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH trong phát triển KT-XH của tỉnh. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong đầu tư cho văn hóa như là một chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Nâng cao chất lượng CNVH, cần phải có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp; có chế độ đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm chuyên môn.
 
LAN HỒ