Là nhà chiến lược quân sự, vạch đường chỉ lối cho lực lượng vũ trang mà nòng cốt là QĐND Việt Nam, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp bồi dưỡng nhiều nhân tài, trong đó có nhiều tướng lĩnh tài ba.
Là nhà chiến lược quân sự, vạch đường chỉ lối cho lực lượng vũ trang mà nòng cốt là QĐND Việt Nam, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp bồi dưỡng nhiều nhân tài, trong đó có nhiều tướng lĩnh tài ba.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954 |
Từ năm 1944, Bác Hồ đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của QĐND Việt Nam. Năm 1948, Người ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đồng chí mới 37 tuổi.
Không có thiên tài Hồ Chí Minh thì không thể nhìn ra, hiểu được tố chất tài thao lược quân sự của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lần đầu gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bác khen: “Đẹp như con gái”. Chính “con mắt xanh” của lãnh tụ đã nhận rõ đồng chí Võ Nguyên Giáp là người có tài trí đức độ và tin cậy để trao trọng trách chỉ huy quân đội.
Cũng trong năm 1948, Bác Hồ còn thụ phong Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình; thụ phong Thiếu tướng cho các đồng chí: Hoàng Sâm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Sơn, Lê Hiến Mai, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Trần Tử Bình.
Cuối năm 1945, thực dân Pháp theo chân quân đồng minh, quay lại xâm lược miền Nam Tổ quốc ta. Để có người chỉ huy lực lượng Nam Bộ kháng chiến, Bác Hồ đã giao đồng chí Nguyễn Bình (nguyên là đảng viên Quốc dân đảng) giữ chức Tổng Tư lệnh Quân giải phóng Nam Bộ.
Lần đầu gặp Bác, đồng chí Nguyễn Bình xúc động trước tác phong giản dị, tình cảm thân tình của Người. Ông băn khoăn thưa với Bác: “Cháu chưa phải là Đảng viên Cộng sản...”. Bác ôn tồn giải thích: “Đảng viên Cộng sản ư? Tổ quốc trên hết! Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình cứu quốc, cứu dân”.
Đồng chí Nguyễn Bình, con người một thời ngang dọc, được lòng nhân ái cao cả của Bác Hồ cảm hóa và ông đã không phụ lòng tin ấy khi đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp xây dựng, chiến đấu của quân dân miền Đông Nam Bộ và Nam Bộ từ những ngày đầu chống Pháp đầy gian nan, thử thách. Ông có đóng góp lớn vào việc chỉnh đốn xây dựng chính quyền và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất Nam Bộ.
Ông là người đầu tiên của quân đội được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất. Tháng 3/2000, Nhà nước truy tặng Trung tướng Nguyễn Bình Huân chương Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, một trí thức yêu nước, sau hơn 10 năm học tập ở Pháp và Đức đã theo Bác Hồ về nước phục vụ kháng chiến. Lời Bác căn dặn: “Làm cách mạng là chấp nhận gian khổ. Công việc Bác giao cho chú là vì đại nghĩa; bởi thế, Bác đặt tên mới cho chú là Trần Đại Nghĩa. Cái tên ấy còn để bảo vệ chú và bà con, gia đình chú ở miền Nam” đã đi suốt cuộc đời ông và giúp ông cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Cái tên “Trần Đại Nghĩa” gắn liền với những chiến công vang dội của quân đội Việt Nam bằng những vũ khí như súng Bazooka, bom bay, cải tiến nâng tầm bắn của tên lửa Sam II (do Liên Xô cũ sản xuất) tiêu diệt siêu pháo đài bay B52 của Mỹ…
Bác Hồ là người chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cho các tướng lĩnh. Ai đã một lần được gặp Bác đều thấy ở Người những phẩm chất cao đẹp để vươn tới. Bác cảm hóa mọi người bằng tấm lòng nhân ái mênh mông và sự hi sinh cao cả. Người truyền đến các tướng lĩnh ý chí cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 7/1945, trong lúc tình hình chuẩn bị khởi nghĩa sôi sục, Bác bị ốm nặng. Hôm lên báo cáo công việc, thấy Người bị sốt, nói mê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin ở lại với Bác. Khi ấy, Bác nói với Đại tướng: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp chung của đất nước nên ở Bác Hồ, từ lời nói đến việc làm, mọi người đều tìm thấy giá trị nhân sinh để học tập.
Nhiều tướng lĩnh do Bác bồi dưỡng, đào tạo, đã suy ngẫm, lĩnh hội từ bài thơ “Học đánh cờ” (Nhật ký trong tù), thể hiện tư tưởng quân sự của Người: Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/Kiên quyết không ngừng thế tấn công/Lạc nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng thành công...
Cách nhìn nhận con người rồi từ đó bồi dưỡng, đào tạo họ trở thành những vị tướng tài ba nhận trọng trách đánh giặc cứu nước đã cho thấy tầm nhìn xa, rộng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
(Theo chinhphu.vn)