(LĐ online) - Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả là chủ đề của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2020, được công bố ngày 9/1/2020, cũng là ngày triển khai Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 ban hành ngày 1/1/2020 của Chính phủ.
(LĐ online) - Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả là chủ đề của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trong năm 2020, được công bố ngày 9/1/2020, cũng là ngày triển khai Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 ban hành ngày 1/1/2020 của Chính phủ.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 01 và Nghị quyết 02 năm 2020 của Chính phủ. Ảnh chinhphu.vn |
Chủ đề này được Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ KHĐT. Chủ đề này thể hiện tinh thần đổi mới, tập trung vào những nội dung quan trọng của nền kinh tế nói chung và của ngành kế hoạch đầu tư và thống kê nói riêng trong việc phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh: Năm 2019 là một năm đáng ghi nhớ. Mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến nền kinh tế, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; đạt mức tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao hàng đầu khu vực và thế giới; chất lượng tăng trưởng được nâng lên; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, đạt được kết quả ấn tượng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đều có nhiều tiến bộ; thể dục thể thao đạt nhiều thành tích, truyền cảm hứng mạnh mẽ để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Chất lượng cuộc sống Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được tăng cường và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, khẳng định vai trò, vị thế đất nước trên trường quốc tế…
Có được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành; trong đó, có phần đóng góp quan trọng của ngành và Bộ KHĐT. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khái quát 4 điểm sáng và cũng là các bài học kinh nghiệm thành công sâu sắc của Bộ KHĐT trong năm 2019. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành và Bộ KHĐT trong năm 2020 - là năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng khi phải làm cho được nhiệm vụ kép, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và tạo đà cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến của Bộ KHĐT. Ảnh chinhphu.vn |
Tham dự và phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ KHĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao khả năng vận dụng, lan tỏa tốt trong công việc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong điều hành của Bộ KHĐT, có những đóng góp quan trọng, là Bộ đi tiên phong về đổi mới tư duy, hành động và hiệu quả. Bộ đã triển khai thực hiện khối lượng nhiệm vụ, đề án rất lớn có chất lượng, đúng thời gian, tiến độ đề ra, đạt tỷ lệ 100% và làm việc tốt hơn năm 2018.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KHĐT phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn, như: Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng cũng là cơ hội nếu Việt Nam giữ được ổn định chính trị xã hội và biến thành lợi thế trong thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, nhất là đầu tư về công nghệ để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển kinh tế số, tạo động lực để phát triển nhanh bền vững. Thủ tướng lưu ý những vấn đề về văn hóa xã hội có thể kìm hãm sự phát triển trong dài hạn; vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội... Chính vì vậy, Bộ KHĐT phải đóng vai trò như một nhà toán học, phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành...
Thủ tướng cũng đến thăm Trung tâm Điều hành của Bộ KHĐT, bắt đầu đi vào vận hành thử nghiệm. Trung tâm Điều hành được xem là bộ não của Bộ KHĐT, tái hiện toàn bộ hoạt động của tổ chức từ tổng quát đến chi tiết theo thời gian thực thông qua số liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; cung cấp các công cụ tổng hợp, phân tích, dự báo, báo cáo, để đưa ra bức tranh toàn cảnh các kịch bản trong công tác quản lý điều hành nghiệp vụ của ngành và Bộ KHĐT.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên và lãnh đạo Sở KHĐT, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng và các sở ngành liên quan tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng. |
Ngày 01/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả", với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.
Cũng trong ngày 01/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị Quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo, phấn đấu đạt mục tiêu cải thiện thứ bậc trên các bảng xếp hạng của khu vực và thế giới.
|
LÊ HOA