Xác định rõ công tác quốc phòng và giáo dục quốc phòng địa phương là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong tình hình hiện nay; Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành quản lý và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Xác định rõ công tác quốc phòng và giáo dục quốc phòng địa phương là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong tình hình hiện nay; Sở Thông tin - Truyền thông (TTTT) Lâm Đồng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành quản lý và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
|
Đảm bảo an toàn an ninh thông tin hệ thống mạng cho Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng là nhiệm vụ thường xuyên được Sở TTTT chú trọng. Ảnh: H.Nguyệt |
Công tác tuyên truyền về quốc phòng, quân sự địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng năm 2019 đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và toàn dân về ý nghĩa và tầm quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.
Trước hết, về công tác tuyên truyền, Sở TTTT đã chỉ đạo Báo Lâm Đồng, Đài PT-TH Lâm Đồng, các đài truyền thanh cơ sở thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Quốc phòng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Các cơ quan thông tấn báo chí đã mở nhiều chuyên mục quốc phòng - an ninh, xây dựng chuyên trang, chuyên đề, phóng sự, tin, bài phản ánh mọi mặt hoạt động quốc phòng địa phương, công tác dân vận của LLVT...
Sở TTTT đã làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Kịp thời hỗ trợ các đơn vị của tỉnh ứng phó trước các sự cố máy tính, mạng máy tính và nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng Internet. Sở đã phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ tấn công mạng, thông tin sai sự thật, chống phá, xâm phạm lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Kịp thời có giải pháp ngăn chặn các thông tin có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước trên các phương tiện thông tin báo chí và trên môi trường mạng. Kiên quyết xử lý những trường hợp thông tin trên môi trường Internet như các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp có biểu hiện vi phạm. Trong thời gian qua, không để xảy ra sự cố, gián đoạn hệ thống, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho hệ thống mạng Trung tâm Hành chính tỉnh, hệ thống Cổng thông tin điện tử, thư điện tử công vụ tỉnh, máy chủ các sở, ban, ngành và các ứng dụng công nghệ thông tin khác của các đơn vị được hoạt động đảm bảo ổn định, không gián đoạn, tắc nghẽn, ảnh hưởng đến hoạt động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Đặc biệt, với đặc thù của một đơn vị có nhiều ưu thế trong tiếp cận, xử lý đảm bảo an toàn thông tin mạng, Ban Giám đốc Sở TTTT đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nâng cao nhận thức chính trị, đề cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ nghiêm bí mật công tác, bảo vệ tài sản Nhà nước.
Quản lý các dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng của Sở TTTT. Theo tổng hợp đến hết năm 2019, doanh thu bưu chính viễn thông Lâm Đồng ước đạt 2.635 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018. Tổng số thuê bao điện thoại là 1.706.000 thuê bao. Tổng số thuê bao Internet là 300.456 thuê bao. Tổng số trạm BTS là 1.532 trạm, 58 bưu cục và 115 điểm bưu điện văn hóa xã. Nhìn chung mạng viễn thông và Internet hoạt động ổn định, không xảy ra vụ việc tội phạm về mảng dịch vụ và hạ tầng.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực bưu chính đã xảy ra 3 trường hợp lợi dụng mạng bưu chính để gửi hàng cấm. Trong lĩnh vực Internet đã xảy ra 1 vụ lừa đảo qua mạng, sở đã chuyển cơ quan Công an tỉnh xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi về những kết quả nổi bật trong đấu tranh, ngăn ngừa phản bác các thông tin xấu, độc trên không gian mạng, Giám đốc Sở TTTT Lâm Đồng Nguyễn Viết Vân cho rằng: Từ năm 2007 đến nay, Sở TTTT đã thường xuyên chủ động và phát hiện ngăn chặn hơn 3.500 tin bài tuyên truyền, phát tán tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội facebook và blog. Đăng tải hơn 4.000 tin, bài đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, nhất là phản bác tin, bài đòi bỏ điều 4 của Hiến pháp và phi quân đội… Sở đã phối hợp với cơ quan Công an tỉnh xử lý 7 trường hợp đăng tải thông tin có nội dung chống lại Nhà nước trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh, sở đã kiểm tra và xử lý hơn 300 tên miền, xử phạt vi phạm hành chính 2 tài khoản mạng xã hội đăng thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận xã hội. Đã đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử tạm ngừng cung cấp dịch vụ 24 tên miền, thu hồi 9 tên miền vi phạm về hoạt động cung cấp thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trên môi trường mạng.
Được biết, ngoài ra, Sở TTTT đã chủ động thông báo những cảnh báo về an toàn mạng máy tính và triển khai các biện pháp khắc phục của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam - VNCERT đến toàn thể các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh bao gồm cả khối Đảng và khối chính quyền. Sở đã thường xuyên cập nhật các văn bản cảnh báo, quy chế, chính sách đảm bảo an toàn thông tin trên địa chỉ http://attt.lamdong.gov.vn. Hỗ trợ tỉnh thực hiện việc xác định cấp độ an toàn thông tin của các hệ thống thông tin thuộc tỉnh. Qua đó, an ninh thông tin được đảm bảo, hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành vận hành tốt, không để xảy ra sự cố mất an toàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được rất quan trọng, Sở TTTT Lâm Đồng cũng đã nhìn nhận rõ những tồn tại như công tác tuyên truyền phổ biến Luật Quốc phòng còn hạn chế, hình thức chưa phong phú, đa dạng. Công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm trên môi trường mạng còn có trường hợp chậm, bị động, hiệu quả xử lý chưa cao. Việc xác định chính xác danh tính chủ thể vi phạm trên không gian mạng còn gặp khó khăn. Tội phạm có trình độ công nghệ cao trong khi lực lượng công chức, viên chức làm quản lý nhà nước với trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm chưa đồng đều.Tính chất không biên giới của môi trường mạng khá rộng và phức tạp. Trong khi trang thiết bị công nghệ cao của ta chưa được đầu tư thích đáng, đôi lúc chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Sở TTTT cũng đề ra giải pháp để khắc phục tồn tại, đó là đề nghị Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, tỉnh cần quan tâm đầu tư thêm kinh phí để tiếp tục thực hiện tốt công tác an ninh chính trị nội bộ. Nâng cấp hệ thống trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho lực lượng vũ trang của tỉnh để đáp ứng các yêu cầu cần thiết phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương.
HÀ NGUYỆT