Tập trung phòng chống dịch bệnh nCoV bảo vệ sức khỏe Nhân dân

02:02, 11/02/2020

(LĐ online) - Sáng 11/2, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp lần thứ hai kể từ khi thành lập...

(LĐ online) - Sáng 11/2, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp lần thứ hai kể từ khi thành lập. Nội dung quan trọng là kể từ ngày 10/2, Lâm Đồng triển khai 2 khu vực cách ly để phòng chống nCoV, nhằm ngăn sự xâm nhập và lây lan của nCoV vào địa phương.
 
Lãnh đạo UBND tỉnh phát biểu kết luận tại cuộc họp BCĐ phòng chống dịch bệnh nCoV lần thứ hai tổ chức sáng nay 11-2
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt - Trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh nCoV tỉnh phát biểu kết luận tại cuộc họp BCĐ phòng chống dịch bệnh nCoV lần thứ hai tổ chức sáng nay 11-2
 
Triển khai 2 khu vực cách ly
 
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận, Sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện giám sát người Trung Quốc đang tạm trú trên địa bàn các huyện, thành phố. Đến sáng nay, 11/2, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 48 trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua đang được cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú, công ty (Đà Lạt 36, Lạc Dương 01, Đức Trọng 01, Di Linh 02, Bảo Lộc 03, Bảo Lâm 05).
 
Sở cũng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bệnh xá H32, Trung đoàn 994 về nhân lực, vật lực, trang thiết bị, vật tư, cơ sở vật chất để tiếp nhận, xử lý đối tượng nghi ngờ tiếp xúc từ sân bay Liên Khương và các địa bàn tỉnh theo quyết định của UBND tỉnh.
 
Cụ thể, khu vực Trung đoàn 944 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (thôn Đăng S’Ron, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) với quy mô 400 giường được thiết lập làm khu vực cách ly để tiếp nhận và theo dõi sức khỏe hàng ngày cho người đến từ hoặc đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trở về Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Khu vực Nhà khách Bệnh xá H32 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (số 11 đường Mai Anh Đào, Phường 8, Đà Lạt) có quy mô 70 giường bệnh được thiết lập khu cách ly để tiếp nhận theo dõi sức khỏe hàng ngày cho người đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
 
Theo ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế tỉnh, đối tượng cách ly vào H32 được xem là bệnh nhân nên được vận chuyển bằng xe cứu thương chuyên dụng của ngành y tế theo quy định; riêng đối tượng cách ly tại Trung đoàn 994 là đối tượng nguy cơ nhiễm nCoV nên được sử dụng 2 xe cứu thương vận chuyển thuộc Cảng hàng không Liên Khương. 
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng - Giám đốc Cảng Hàng không Liên Khương cho biết: Hiện nay, Cảng hàng không Liên Khương có 6 đường bay quốc tế đang hoạt động. Đường bay Đà Lạt - Vũ Hán hoạt động 2 năm và ngừng cách đây 1 năm. 
 
Ngày 30/1, chuyến bay chở 175 khách từ Đà Lạt về Vũ Hán là kết thúc đóng cửa đường bay cho đến ngày 1/5 theo chỉ đạo cấp trên. Vấn đề hiện nay là kiểm soát khách nội địa. Trung bình mỗi ngày có 5.000 lượt khách qua Sân bay Liên Khương, trong đó khách Trung Quốc chiếm 10% - 15%, riêng khách Trung Quốc đi tuyến Đà Nẵng và Hải Phòng chiếm 20%. Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nCoV, lượng khách đi Cảng hàng không Liên Khương giảm từ 30% - 40%. Trong đó, khách Trung Quốc tuần qua còn 4% và hai ngày qua (9 - 10/2) không còn khách Trung Quốc trên các tuyến bay quốc tế. 
 
Cảng Hàng không Liên Khương đã triển khai, phối hợp với ngành y tế kiểm soát dịch bệnh tại sân bay về tờ khai y tế, kiểm tra thân nhiệt hành khách, vệ sinh khử khuẩn, phun hóa chất... theo quy định. Cấp phát 5.000 khẩu trang miễn phí khách quốc tế và cả khách nội địa, có 80% khách đeo khẩu trang. Bà Phượng cũng đề nghị trang bị 1 máy đo thân nhiệt kịp thời, tốt nhất trong thời điểm này vì đây là yêu cầu cấp thiết và thiết thực để phòng dịch nCoV.
 
Ngành y tế Lâm Đồng ghi nhận chưa có ca mắc và nghi nhiễm do nCoV trên địa bàn tỉnh. Hiện đã phân tuyến điều trị: Tuyến huyện điều trị ca nhẹ; tuyến tỉnh gồm 3 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi tỉnh) điều trị ca nặng.
 
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đức Thuận khuyến cáo về sử dụng khẩu trang trong trường hợp tiếp xúc người bệnh, còn bình thường đeo khẩu trang vải. “Đeo khẩu trang không đúng cách nguy hiểm hơn là không đeo. Việc vứt khẩu trang bừa bãi nguy hại môi trường và sức khỏe cộng đồng” - ông Thuận cho biết.
 
Theo Quản lý Thị trường, qua phối hợp với công an, y tế triển khai giám sát, kiểm tra tình hình cung cấp khẩu trang trên địa bàn, không phát hiện có vi phạm về nâng giá, chỉ vi phạm về nguồn gốc hàng hóa với mức phạt trên 7 triệu đồng và hàng hóa 10 triệu đồng. Các nhà thuốc trong tỉnh đã cấp hơn 40.000 khẩu trang miễn phí cho dân.
 
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh báo cáo tình hình lao động người Trung Quốc có 18 trường hợp về ăn tết thì 17 người chưa trở lại Lâm Đồng. 
 
Theo Sở Giao thông Vận tải, nhiều đơn vị vận tải chủ động phòng chống dịch, vệ sinh phương tiện theo hướng dẫn, phát khẩu trang cho hành khách. Công an tỉnh cho biết, phát hiện thêm 1 trường hợp thông tin sai sự thật về dịch bệnh nCoV trên mạng đang đề nghị xử lý. Trong ngành Công an đã phát 5.000 khẩu trang cho cán bộ chiến sĩ, bố trí phát khẩu trang miễn phí nơi làm thủ tục xuất nhập cảnh. 
 
Chi hơn 12 tỷ đồng chống dịch 
 
Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: Ý thức của các doanh nghiệp du lịch trong phòng chống dịch bệnh nCoV tốt, tăng cường vệ sinh cơ quan và theo dõi nhân viên tiếp xúc người nước ngoài, cấp phát khẩu trang... Hiện nay, khách đến Lâm Đồng, thị trường khách châu Á giảm sâu, hầu như vắng bóng khách, chỉ còn khách châu Âu và trong nước. Công suất buồng phòng lưu trú chỉ đạt 30% - 35%. Thống kê đến hết tháng 3/2020, tại 35 khách sạn từ 3 - 5 sao tại Đà Lạt bị khách hủy phòng với 28.508 lượt phòng, ước thiệt hại 32 tỷ đồng, chưa kể khách sạn dưới 2 sao chưa thống kê con số cụ thể. 
 
Hiện có 36 khách Trung Quốc, trong đó có 32 khách Hồng Kông đang lưu trú tại Đà Lạt, qua theo dõi sức khỏe du khách đều tốt.
 
Ngành y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban ngành khác hướng dẫn liên ngành phòng, chống dịch bệnh về các nội dung: Công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh phòng học; thực hiện vệ sinh thường quy, lau chùi, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc (100% nhà trường, các cơ sở y tế, công sở…) đã và đang triển khai thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Lâm Đồng. 
 
Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Có 25 trường thuộc Sở và 287 trường cấp huyện, thành phố khử khuẩn, còn lại các trường khử khuẩn thông thường; đảm bảo, trước 16/2 có 100% các trường khử khuẩn Cloramin B.
 
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, hình thức ôn tập online đối với một số môn xã hội hiệu quả. Sở chỉ đạo các trường không chủ động dồn ép chương trình học mà sử dụng thời gian dự phòng, lấn sang thời gian nghỉ hè.
 
Sở Tài chính báo cáo kinh phí chống dịch trình lên UBND tỉnh với tổng kinh phí ban đầu là 12,120 tỷ đồng. Bao gồm: 10,3 tỷ đồng mua máy móc, trang thiết bị và mua thuốc 1,8 tỷ đồng, hiện đang đề xuất thêm 1,9 tỷ đồng mua thuốc phòng chống dịch nCoV.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt - Trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh nCoV tỉnh phát biểu kết luận: Các ngành phòng chống dịch với tinh thần không chủ quan, bình tĩnh kiểm soát dịch bệnh. Tỉnh đã khẩn trương triển khai phòng chống dịch bệnh, thống nhất từ khâu tuyên truyền đến triển khai các biện pháp chuyên môn. Lãnh đạo tỉnh và các địa phương quan tâm bố trí kinh phí, huy động các ngành để đảm bảo chủ động phòng dịch bệnh. Quyết định cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tạm nghỉ học hai đợt (hai tuần), thời gian đến tiếp tục theo dõi để có hướng xử lý. Dừng tổ chức các hoạt động tụ tập đông người, các lễ hội. Quản lý thị trường tích cực kiểm tra chấn chỉnh tình hình găm hàng khẩu trang, vật tư y tế.
 
Sở Tài chính khẩn trương giải quyết cho y tế có thuốc, vật tự y tế, trang thiết bị phòng dịch. Ngành y tế xác định rõ đối tượng giám sát, cách ly, đeo khẩu trang bảo hộ... Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Tình hình dịch bệnh nCoV ảnh hưởng đến ngành du lịch, dịch vụ. Chấp nhận ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, thu nhập, nguồn thu, nhưng cái chính là đảm bảo sức khỏe nhân dân, cố gắng ngăn ngừa dịch bệnh nCoV. Kinh phí tỉnh sẵn sàng chi để giải quyết chống dịch. Quy trình mua sắm đề nghị Sở Y tế và Tài chính rà soát ngay các quy trình đơn giản nhất để triển khai, do tình hình phòng chống dịch bệnh nên một số trang thiết bị y tế cần ngay không chậm trễ nên phải giải quyết thủ tục nhanh nhất có thể. Cần phải nắm vững quy trình cụ thể về giám sát, cách ly, điều trị, cần thiết tỉnh tổ chức diễn tập về phòng chống nCoV. Các đơn vị điều trị trang bị thuốc, vật tư tối thiểu đầy đủ, có thể tăng cường, điều chuyển để ứng cứu kịp thời khi có dịch. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh nCoV. Ban chỉ đạo sẽ có kế hoạch kiểm tra các địa phương, các cơ sở y tế về tình hình triển khai các biện pháp phòng chống nCoV tại các đơn vị". 
 
AN NHIÊN