(LĐ online) - Những ngày tháng 3/2020, khi Việt Nam và cả thế giới sôi sục vì Covid-19 nhưng có một ký ức vẫn lặng lẽ chảy tràn trong lòng con dân đất Việt. Ngày 14/3/1988, Hải chiến Gạc Ma, nơi 64 người con anh hùng đất Việt nằm lại vĩnh viễn trong lòng biển khơi.
(LĐ online) - Những ngày tháng 3/2020, khi Việt Nam và cả thế giới sôi sục vì Covid-19 nhưng có một ký ức vẫn lặng lẽ chảy tràn trong lòng con dân đất Việt. Ngày 14/3/1988, Hải chiến Gạc Ma, nơi 64 người con anh hùng đất Việt nằm lại vĩnh viễn trong lòng biển khơi.
|
Cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 996, phóng viên các báo, đài thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh anh dũng tại quần đảo Trường Sa |
32 năm, 32 mùa bão biển sục sôi trên Trường Sa. 32 năm trước, trên đá Gạc Ma, 64 chiến sỹ của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì biển quê hương, vì lãnh thổ toàn vẹn, vì bình yên cho Tổ quốc.
Ngày 14/3/1988, ngày Gạc Ma nổi sóng, ngày những người lính quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ngày hôm ấy, những người lính công binh, hải quân Việt Nam đã lấy máu mình giữ yên vùng biển Tổ quốc. Ngày hôm ấy, chiến đấu với quân thù được trang bị mạnh hơn về mọi mặt, những người lính đã dùng máu xương và cả tính mạng của mình để đổi lấy bình yên cho đất mẹ.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, đánh chiếm một số đảo của Việt Nam. Trong cuộc chiến không cân sức giữa cán bộ, chiến sỹ xây đảo trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với những tàu chiến của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại, máu của những người lính Việt Nam đã đổ. Những cán bộ, thủy thủ tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 83 Hải quân đã chiến đấu hết mình. Họ vừa bảo vệ đảo, vừa cấp cứu đồng đội, vừa chiến đấu với kẻ địch có trang bị tốt hơn. Và, máu đã tràn trên bọt sóng Gạc Ma. Nhưng Cô Lin, Len Đao đã được bảo vệ. Lá cờ đỏ với ngôi sao vàng vẫn tự hào tung bay trong nắng gió của biển đảo quê hương. Lá cờ ấy thấm màu máu, thấm niềm tin, thấm sự hy sinh của những người lính Việt anh hùng.
|
Trong mỗi chuyến hải trình, các cán bộ, chiến sỹ đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma |
32 năm là một khoảng thời gian tương đối dài…
Nhưng nó không bao giờ có thể xòa mờ đi sự kiện lịch sử đau thương năm ấy, khi 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trước nòng súng của quân Trung Quốc, trong quá trình bám đảo, giữ chủ quyền Tổ quốc.
Và tấm gương hy sinh của 64 liệt sỹ Gạc Ma còn mãi như nhắn nhủ rằng, mỗi tấc đất, mỗi hòn đảo quê hương đã được giữ gìn bằng vô vàn giọt máu đào, bằng những hy sinh cao cả. Hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 chưa bao giờ quên lãng trong tim chúng ta, những người con đất Việt. Để chúng ta nhớ rằng, hòa bình hôm nay, toàn vẹn lãnh thổ hôm nay, tương lai sáng tươi của ngày mai đã được xây dựng, bảo vệ và giữ gìn của hàng triệu máu xương, hàng triệu tính mạng. Để chúng ta biết yêu và tiếp tục xây đắp, gìn giữ non sông này, đất nước này, không phụ lòng những người đã hy sinh cho Tổ quốc.
Và sự kiện Gạc Ma của 32 năm trước cũng chưa khi nào vơi giá trị trong việc nhắc nhở các thế hệ cháu con Việt Nam không những không được phép chủ quan, mà còn phải nỗ lực phát triển kinh tế, công nghệ, quốc phòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Hôm nay, giữa những ngày chống đại dịch Covid-19, xin một lần nữa nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma. Đồng đội của các anh, Nhân dân của các anh đang học tập tinh thần Gạc Ma bất tử, hết lòng, hết sức vì sự bình yên của Nhân dân, sự bình yên của đất mẹ, để thốt lên đầy tự hào hai tiếng Việt Nam.
Gạc Ma, ngày nhớ.
|
Cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 996, phóng viên các báo, đài thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh anh dũng tại quần đảo Trường Sa |
|
Vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trôi giữa biển khơi của Tổ quốc. Đất mẹ sẽ không bao giờ quên những người con ưu tú đã ngã xuống vào ngày 14/3/1988 |
DIỆP QUỲNH - CHÍNH THÀNH