(LĐ online) - Trang mạng "Tiếng Dân.com" tự xưng "là một tờ báo độc lập" và "không để bất kỳ tổ chức chính trị nào chi phối"...
(LĐ online) - Trang mạng "Tiếng Dân.com" tự xưng "là một tờ báo độc lập" và "không để bất kỳ tổ chức chính trị nào chi phối". Chính vì vậy mà lướt vào những nội dung "Tiếng Dân" đăng tải, độc giả mạng dễ nhận thấy "sặc mùi" phản động của người viết cũng như những người lập trang mạng này bởi sự thiếu hiểu biết hay cố tình không chịu chấp nhận sự thật, lẽ phải của bản chất sự việc! Đơn cử: Ngày 17-3-2020, Tiếng Dân đăng bài "Sao đảng không giải thể?" của Ngô Trường An khiến độc giả thấy thật ấu trĩ và khôi hài trước luận điểm: "... Đảng CSVN không thể phủ nhận con đường tiến lên CNXH và giải phóng dân tộc của họ đã hoàn toàn phá sản... ". Không chỉ thế, bài viết còn phán: "... mục đích ra đời của Đảng CSVN là:
1- Xây dựng thành công CNXH để toàn dân được làm việc theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.
2- Giải phóng dân tộc khỏi cảnh cu ly, tôi tớ dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Như vậy, trong suốt 90 năm thành lập và 75 năm nắm toàn quyền cai trị, Đảng CSVN đã thất bại hoàn toàn cả 2 mục đích đề ra...".
"Phải chăng Đảng CSVN đã thất bại hoàn toàn cả 2 mục đích đề ra" hay Ngô Trường An do "thiển kiến" hạn hẹp, rắp tâm đi ngược dòng lịch sử, xuyên tạc sự thật? Về mục đích sự ra đời tất yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) trên một phương diện nào đó thì Ngô Trường An không nhầm thế nhưng cố tình phủ nhận mục tiêu "độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" thì ý đồ đen tối ấy không thể chấp nhận được. Ngô Trường An nên biết Đảng và Nhân dân Việt Nam lựa chọn và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) vì đây là con đường phát triển hợp quy luật khách quan của lịch sử nhân loại.
Từ thực tiễn bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Trung thành với mục tiêu và con đường mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn, Cương lĩnh chính trị tháng 10-1930 của Đảng xác định: “Tiến hành cách mạng dân chủ Nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên CNXH, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”... Thực thi đường lối sáng suốt của Đảng, dân tộc Việt Nam từ thân phận bị phong kiến, thực dân cai trị, từ kiếp nô lệ đã đứng lên một lòng theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nên những sự kiện trọng đại trong thế kỷ XX. Điển hình là những mốc vàng chói lọi: Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công và khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chiến thắng Điện Biên phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động Địa cầu" buộc thực dân Pháp phải đầu hàng; làm nên Chiến thắng mùa Xuân 1975 "đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào", giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước... Gần đây, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991) kết luận: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Đó là bài học xuyên suốt cách mạng nước ta”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định: “Đi lên CNXH là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam - Đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối của Đảng trong các giai đoạn cách mạng. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.
Có phải vì sự thăng trầm của lịch sử, trước sự thoái trào của một loạt các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô những năm cách đây gần ba thập kỷ đã khiến Ngô Trường An cùng một số phần tử cơ hội, phản động hí hửng "con đường tiến lên CNXH và giải phóng dân tộc" của Đảng CSVN "đã hoàn toàn sụp đổ" nên nửa tỉnh nửa mơ không biết rằng: Từ sau Đại hội VI, Đảng CSVN đã nhìn nhận tỉnh táo và kịp thời đưa ra những nhận định hết sức đúng đắn “Chủ nghĩa xã hội đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang phải trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến bước tới chủ nghĩa xã hội, vì điều đó là quy luật của tiến hóa lịch sử”. Trước vô vàn khó khăn thử thách và sự chống phá điên cuồng của thế lực thù địch, Đảng CSVN vẫn “kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; “quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam theo con đường XHCN". Do đó, tất yếu phải đổi mới nhưng “Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn, được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng”.
Kể từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động sâu sắc, nhờ kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nên Việt Nam tiếp tục giành nhiều thắng lợi mới. Vì cố chấp cực đoan, vì nhắm mắt và bịt tai né tránh sự thật nên Ngô Trường An mập mờ "đánh lận con đen", ngụy biện về sự "hoàn toàn phá sản" với dẫn chứng suy diễn, áp đặt một cách "teo não":
Thứ nhất, Ngô Trường An cho rằng: "- Xây dựng CNXH: Đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách… thậm chí có cả kế hoạch “đi tắt đón đầu”... để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH... Kết quả thực hiện,... Nhà nước buộc phải mở cửa, phát triển theo mô hình kinh tế thị trường (kiểu tư bổn rẫy chết). Giấc mơ tiến lên CNXH đã hoàn toàn thất bại!"...
Phán như vậy thì quả hiểu biết của tác giả quá sai lạc. Xin thưa rằng: Cơ chế kinh tế thị trường (KTTT) đã và đang được rất nhiều nước áp dụng theo những định hướng khác nhau, tùy theo mô hình xã hội và điều kiện cụ thể của từng nơi. Ở Việt Nam, KTTT được xác định phải theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” chứ không phải phát triển theo suy nghĩ của Ngô Trường An là rập khuôn "kiểu tư bổn rẫy chết". Theo thế lực chống phá Việt Nam, KTTT là của chủ nghĩa tư bản (CNTB) cho nên KTTT không thể định hướng xã hội chủ nghĩa được, phải từ bỏ hệ tư tưởng và con đường đi lên CNXH. Nghĩa là họ đã đem đối lập hoàn toàn giữa KTTT với định hướng XHCN, phủ định con đường đi lên CNXH ở nước ta. Ngô Trường An cũng phải biết rằng: Thực tế, KTTT không phải là “con đẻ”, là sản phẩm “thuộc về” CNTB. Lịch sử cho thấy, CNTB không sinh ra kinh tế hàng hóa. Do đó, KTTT với tư cách là kinh tế hàng hóa ở trình độ cao không phải là sản phẩm riêng của CNTB mà là thành tựu phát triển chung của nhân loại. KTTT đã có mầm mống từ trong xã hội nô lệ, hình thành trong xã hội phong kiến và phát triển cao trong CNTB. Hay nói một cách khác, KTTT có lịch sử phát triển lâu dài. KTTT sẽ còn tồn tại lâu dài ở nước ta, là sự cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng CNXH. Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hội đủ các yếu tố của KTTT, nhưng nó mang những giá trị hết sức nhân bản, chứa đựng những thuộc tính nhân văn riêng mà không phải quốc gia nào cũng đạt được. Tại Đại hội XII, Đảng ta đã xác định “… đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"...
Những thành tựu phát triển đất nước trong hơn 32 năm qua đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế… Thế mà, Ngô Trường An vẫn mắc sai lầm thứ hai khi viết: "Giải phóng dân tộc: ... đánh Pháp đuổi Nhật, với mục đích giải thoát nô lệ… Khi đánh đuổi được rồi, thì chủ trương của đảng đưa dân qua các nước ấy làm mướn, làm cu ly để cho chúng sai khiến trên danh nghĩa XKLĐ...".
Với lập luận ấy, quả là phí công, tốn chữ nhằm "giác ngộ" kẻ tà tâm nên chỉ ngắn gọn thông tin rằng những thành tựu công cuộc tiến hành đổi mới của Đảng CSVN là một sự thật hiển nhiên mà thế giới cũng đánh giá rất cao. Đó là: Đất nước ra khỏi khủng hoảng KT-XH và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền KTTT định hướng XHCN từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Với ý đồ phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH của dân tộc, Ngô Trường An quá rành và thậm chí còn đứng về phía những âm mưu, thủ đoạn cố tình gây khó khăn cho Việt Nam trong quá trình xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế; thậm chí hòng lật đổ chế độ hiện hữu; vì vậy "mắt mù, tai điếc" trước thành tựu lớn lao mà Đảng ta, nhân dân ta đạt được từ sự nỗ lực vượt gian khó, với ý chí tự lực, tự cường và tinh thần năng động, sáng tạo. Tự hào thay bởi mới đây thôi, năm 2019, Việt Nam hoàn thành các mục tiêu KT-XH, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu. Trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, Việt Nam vẫn duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,02%; được xếp vào nhóm các nước có tăng trưởng cao hàng đầu trong khu vực và thế giới. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia, vùng lãnh thổ tăng 10 bậc. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có an ninh, an toàn hàng đầu, là môi trường kinh doanh tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến hấp dẫn thu hút hàng triệu khách du lịch. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, trong đó Việt Nam tổ chức thành công những sự kiện quốc tế lớn, tham gia vào các tổ chức quốc tế lớn, góp phần quan trọng giữ gìn hòa bình, kiên định bảo vệ được những lợi ích cơ bản của đất nước, khẳng định vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế...
Với lập luận như trên, một lần nữa lại phơi bày sự thiển cận của Ngô Trường An bởi lối suy diễn tăm tối, sự áp đặt trắng trợn là để thoát đói nghèo Đảng ta phải "đưa dân qua các nước ấy (từng xâm lược Việt Nam - TG) làm mướn... dưới danh nghĩa XKLĐ"! Ngô Trường An biết chăng trong quan hệ đa phương hóa và hội nhập toàn cầu - "thế giới phẳng" thì nhu cầu lao động, chuyện XKLĐ là tất yếu, là đương nhiên. Đây là công việc đáng tự hào vì đã làm lợi cho bản thân, gia đình, cho quê hương chứ nào phải việc làm hèn hạ như mấy ông là chỉ chăm chăm ngóng đợi mấy đồng USD mà thế lực thù địch, phản động quẳng cho khi viết, khi trả lời phỏng vấn kiểu "thầy bói xem voi"!
Ngô Trường An nên nhớ rằng những thành tựu trên ngày càng khẳng định sự đúng đắn trong đường lối xây dựng CNXH, đồng thời cũng khẳng định sự nhận thức và vận dụng sáng tạo Học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Ngô Trường An cũng đừng vội hy vọng "giấc mơ tiến lên CNXH đã hoàn toàn thất bại" . Nếu là người có nhận thức, ông phải biết: Con đường XHCN mà Đảng và nhân dân Việt Nam lựa chọn nhất thiết phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen. Đó là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới, là một cuộc cách mạng nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta.
Cũng chỉ giáo thêm Ngô Trường An: Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới... Những đặc trưng ấy là thành quả của đổi mới nhận thức về CNXH phù hợp với thực tiễn Việt Nam, là kết hợp hài hòa giữa “cái phổ biến” và “cái đặc thù”, mang sắc thái riêng của mô hình CNXH Việt Nam và được từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống... Hiện thực minh chứng sinh động lý tưởng, mục tiêu của Đảng, của dân tộc Việt Nam đã và đang tỏa sáng trên tầm cao mới của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Bởi vậy, Ngô Trường An hãy quên đi ngôn từ lừa mỵ, kích động mà y đã viết: "Thiết nghĩ, đảng CSVN đã hoàn toàn thất bại trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH (cứ cho lý tưởng ban đầu của họ là như rứa đi). Vậy thì lý tưởng ấy đã phá sản rồi, còn lý tưởng gì để đảng tồn tại nữa mà không chịu giải thể?".
ĐÀ VĂN