Một luận điệu "khước từ" chính nghĩa

10:03, 11/03/2020

(LĐ online) - Gần trung tuần tháng 2/2020, trên trang bauxitvn.blogspot.com, vanviet.info, baotiengdan.com... đăng bài "Mấy suy nghĩ về nội tình đất nước hiện nay"...

(LĐ online) - Gần trung tuần tháng 2/2020, trên trang bauxitvn.blogspot.com, vanviet.info, baotiengdan.com... đăng bài "Mấy suy nghĩ về nội tình đất nước hiện nay". Bài viết gồm 3 phần: Bước ngoặt trong nội tình chính trị Việt Nam; Từ vụ Đồng Tâm nghĩ về hai thế hệ Cộng sản cũ và mới; Nhưng đến nay mà vẫn giữ CS thì "không phải cái giống người". Đọc bài này, độc giả dễ nhận thấy tâm đen của kẻ bồi bút xu nịnh, bám gót chân thế lực thù địch, phản động; hám chuộng chiếc "bánh vẽ" "mật ngọt chết ruồi" về dân chủ, tự do, đa nguyên đa đảng của phương Tây nên nhận thức đã quay 180 độ chống phá công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước, Nhân dân. 
 
"Mấy suy nghĩ về nội tình đất nước hiện nay" đã tung ra nhiều luận điểm, góc nhìn sai lệch, xuyên tạc méo mó về quan điểm, đường lối của Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tác giả hàm hồ chụp mũ phán: "Một thời gian dài nhiều trí thức - nhân sĩ vẫn lấy tư cách đảng viên để góp ý, để đấu tranh nội bộ, mong sửa những sai lầm của đảng... Nhưng dần dần ĐCS đã từng bước "khước từ tấm lòng xây dựng đảng" kiểu ấy"... Với sự quy chụp trên, người đọc thấy rằng chính tác giả đã cố tình "khước từ" chính nghĩa. 
 
Phải chăng Đảng ta “khước từ tấm lòng xây dựng Đảng’? 
 
Về luận điểm trên, phải nói với tác giả rằng không phải "một thời gian dài" mà kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, cũng không chỉ dừng ở con số "nhiều" mà phải khẳng định hầu hết giới trí thức - nhân sĩ trong và ngoài Đảng đều tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến, đánh thực dân - đế quốc giành độc lập dân tộc, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì sao vậy? Có một nguyên do đầy sức thuyết phục là Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, dìu dắt trưởng thành. Xứng danh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất", Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào trí thức và nhân tài. Khi chuẩn bị thành lập Ðảng, Người chủ trương lấy "Công nông làm gốc của cách mạng" nhưng lại xây dựng lực lượng cộng sản hạt nhân gồm những trí thức giác ngộ cách mạng, giác ngộ Chủ nghĩa Mác - Lênin. Tiêu biểu trong số những trí thức này là các vị Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ... Thời kỳ Mặt trận Dân chủ Ðông Dương, những trí thức cách mạng như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Cừ... là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận văn hóa, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, giải thích đường lối chính sách của Ðảng. Có thể kể ra những trí thức cách mạng tiêu biểu cho thời kỳ này là: Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng, Lê Duẩn, Ðặng Thai Mai, Hải Triều... Thực hiện dân chủ thực sự đối với trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "Ðối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Ðó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người". 
 
Người không hề có định kiến với trí thức, kể cả trí thức đã phục vụ trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Lịch sử chứng minh thành phần nội các của Chính phủ lâm thời năm 1945: Trong 14 vị tham gia Chính phủ lúc đó, phần lớn là nhân sĩ trí thức: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phan Anh... là những vị hoàn toàn được sự tin cậy của Bác Hồ. Tất cả những trí thức Việt Nam tập hợp dưới lá cờ của Ðảng, kể cả những trí thức từ nước ngoài trở về (như Trần Ðại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông...) là một bộ phận khăng khít của Nhân dân lao động theo hướng "Công nông hóa". Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao việc trọng dụng người tài, đồng thời yêu cầu cao về đạo đức ở người trí thức. 
 
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin về liên minh giai cấp. Hiện nay, vấn đề liên minh công nông đã được mở rộng thành liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và trở thành nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định phải “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”, để lực lượng này thực sự trở thành nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. 
 
Vai trò của trí thức - nhân sĩ được Đảng đánh giá rất cao và luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản biện của giới trí thức trên mọi lĩnh vực và giới trí thức - đảng viên cũng không ngần ngại trao đổi những điều tâm huyết xây dựng nội bộ, khắc phục những sai lầm nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Trong 33 năm đổi mới đất nước không riêng giới trí thức - đảng viên trong nước mà còn rất nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu với Đảng, từ chối những điều kiện sinh sống và làm việc rất tốt đã chẳng nề hà trở về Tổ quốc để góp phần cống hiến trí - tài "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Thế nhưng, cùng với dòng chủ lưu tiến bộ đó thì cũng có những tiếng nói lạc lõng của số ít phần tử trí thức - nhân sĩ vì động cơ tư lợi cá nhân đã cố tình tung ra những luận điểm "ngược dòng" xuyên tạc, bôi đen thể chế xã hội chủ nghĩa, cổ xúy đa nguyên đa đảng. Những người ấy, trong đó có tác giả bài "Mấy suy nghĩ về nội tình đất nước hiện nay" không thể "mạo xưng" là đại diện chân chính của giới trí thức - nhân sĩ yêu nước Việt Nam. 
 
Phát huy dân chủ phải đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ luật của Đảng
    
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, 90 năm qua Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và ngày càng lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhân dân ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng cũng bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, đáng lưu ý là: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở... Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. 
       
Với quan điểm "Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt", Đảng chỉ vững mạnh khi dám “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách…”. Do đó, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhằm tăng cường nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Từ đó, kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Với quyết tâm đó, lẽ nào Đảng ta "khước từ" và định kiến, trù dập những tiếng nói lương tri của đảng viên hay quần chúng tâm huyết với sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"! 
 
Người viết "Mấy suy nghĩ về nội tình đất nước hiện nay" không hay có là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam không? Nếu chưa thì chẳng chấp sự ấu trĩ về nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Xin nhắc lại một điều không mới: Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và lấy tập trung dân chủ làm một trong những nguyên tắc tổ chức cơ bản, chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ vừa đảm bảo cho Đảng thống nhất ý chí và hành động, vừa phát huy dân chủ, tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng. V.I.Lênin khẳng định: "Chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ".
 
Tập trung dân chủ là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời, càng không thể đối lập giữa tập trung và dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ hướng tới sự tập trung nhưng là sau khi đã bàn bạc dân chủ. Tập trung không trên cơ sở dân chủ thì sẽ trở thành tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, dân chủ mà không đi tới tập trung thì sẽ rơi vào tình trạng dân chủ vô tổ chức, hỗn loạn. Phát huy dân chủ phải đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ luật của Đảng. Triển khai thực hiện dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề, nhưng dân chủ đòi hỏi cần có một hành lang pháp lý rõ ràng. Do vậy, cần phải tiếp tục hoàn thiện các thiết chế, cơ chế nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình, bảo lưu ý kiến hay rút ý kiến bảo lưu. Cùng với việc mở rộng dân chủ, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng không để bất cứ ai lợi dụng dân chủ, lợi dụng quyền phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ. 
          
Vì không thấu rõ nguyên tắc ấy nên, tác giả "Mấy suy nghĩ về nội tình đất nước hiện nay" đã lợi dụng dân chủ mà suy diễn, áp đặt khi viết "Muốn có thiện ý tốt với đảng mà chân thành góp ý thẳng thắn cũng không được phép". Với nhận định xiên xẹo này thêm lần nữa ông ta lộ nguyên hình với âm mưu tung hỏa mù, kích động gây nhiễu dư luận xã hội, chống đối chế độ! 
 
ĐÀ VĂN