Phạm Chí Dũng và cái kết xứng đáng dành cho kẻ coi thường kỷ cương, phép nước

12:03, 11/03/2020

(LĐ online) - Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Phạm Chí Dũng...

(LĐ online) - Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Phạm Chí Dũng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Một số người “cùng hội cùng thuyền” với Dũng và một vài cá nhân nhân danh tổ chức nhân quyền vội vàng yêu cầu phóng thích Phạm Chí Dũng ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời phải gỡ bỏ tất cả các cáo buộc chống lại Dũng. Một số người mang tư tưởng thù địch, chống đối Đảng còn tung hô, coi Dũng như một “nhân tài” đóng góp cho sự phát triển của báo chí Việt Nam. Sự thật không như những gì họ nói và đó chỉ là những tiếng kêu lạc lõng, mơ hồ.  
 
NHỮNG TIẾNG KÊU LẠC LÕNG, MƠ HỒ
 
Sau khi việc bắt tạm giam Phạm Chí Dũng được loan tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam thì Tổ chức theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) văn phòng Châu Á tại Thái Lan nói trên BBC hôm 22/11/2019 rằng: "EU cần lên tiếng cho nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người chỉ đơn giản kêu gọi Châu Âu “yêu cầu cải thiện thực sự trong tình hình nhân quyền” trước khi phê chuẩn hiệp định thương mại tự do (FTA) Âu-Việt”.
 
Một thông điệp khác được Phil Robertson, Giám đốc Văn phòng khu vực của tổ chức này nói: "Bằng cách bắt giữ ông Phạm Chí Dũng, Việt Nam đang thể hiện sự không khoan dung có tính chất đàn áp đối với bất kỳ tiếng nói bất đồng nào và quyết tâm đàn áp những nỗ lực thúc đẩy một nền báo chí độc lập trong nước. EU, Hoa Kỳ và các nước cùng chí hướng khác nên yêu cầu phóng thích ông Phạm Chí Dũng ngay lập tức và vô điều kiện và gỡ bỏ tất cả các cáo buộc chống lại ông." 
 
Cùng ngày 22/11, từ Hà Nội, ông Nguyễn Quang A nói với BBC: "Tôi cảm thấy rất đột ngột, buồn và bực tức nữa, bởi vì việc bắt Tiến sỹ Phạm Chí Dũng là một dấu hiệu rất đáng lo ngại của chính sách của chính quyền Việt Nam bây giờ, bởi vì những cái người ta quy tội đối với ông Dũng thì hoàn toàn không có cơ sở”. "Nhưng mà người ta vẫn bắt ông ấy là bởi vì họ muốn đe dọa, muốn siết chặt sự kiểm soát đối với những người bất đồng chính kiến, muốn bịt miệng những người ấy, trong lúc mà họ (chính quyền) có thể cảm thấy rất là bối rối...”.
Có thật Phạm Chí Dũng là một “nhân tài” như họ nói hay đó chỉ là những tiếng kêu lạc lõng, mơ hồ, thiếu trung thực. Hãy bắt đầu từ cái gọi là "Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”.
 
CÁI GỌI LÀ “HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM”
 
Ngày 4/7/2014, một nhóm người đứng ra tự tuyên bố thành lập cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam - IJAVN” và phong cho Phạm Chí Dũng làm chủ tịch hội với thành viên 42 người. Đây là một tổ chức hoàn toàn bất hợp pháp.  
 
Theo quy định tại điểm 1 Điều 2, Nghị định 45 của Chính phủ, ban hành ngày 21/4/2010 về điều kiện thành lập hội, thì “hội được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới...”. Thế nhưng trong danh sách hội viên mà hội này công khai, thì nhóm người này không cùng ngành nghề và cũng chẳng phải là nhà báo. Đã chẳng phải là nhà báo thì sao gọi là hội nhà báo? Vì vậy, việc một nhóm người tự xưng danh nhà báo rồi đứng ra thành lập cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” là một việc làm khôi hài, trái quy định. 
 
Tại điểm 1, điều 5, chương II, Nghị định 45 quy định: “... Hội phải có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ. Điểm 4 của Nghị định còn nêu: Nếu “Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh thì phải có ít nhất một trăm công dân, có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội”. 
 
Căn cứ hai điểm của Nghị định này thì việc thành lập cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” có 3 điểm không phù hợp và 1 điểm không chấp hành. 
 
Một là: Tên gọi của hội, được nhóm người này lấy tên của Hội Nhà báo Việt Nam rồi chèn vào 2 từ “Độc lập”, điều này dễ tạo nên sự nhầm lẫn. 
 
Hai là: Lĩnh vực hoạt động chính của cái gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam trùng lặp với lĩnh vực hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, một tổ chức hội của những người làm báo chính danh được thành lập cách đây 70 năm (21/4/1950 – 21/4/2020).
 
Ba là: Hội này thành lập khi chưa đủ số lượng người như đã quy định...
 
Bốn là: Tuyên bố thành lập khi chưa xin phép và chưa được cấp phép.
 
Tất cả những quy định trên đều không được nhóm người người này tuân thủ. 
 
Nên nhớ rằng: Không có thứ tự do nào được nằm ngoài pháp luật; không có thứ tự do nào mà không bị ràng buộc bởi nguyên tắc, những quy định pháp lý; càng không thể có thứ tự do muốn làm gì thì làm, muốn lập hội thì lập hội mà không cần phải xin phép, cấp phép... Phải chăng, Phạm Chí Dũng và nhóm người này tự nghĩ rằng “báo chí là quyền lực thứ tư, thứ quyền lực bất khả xâm phạm” nên họ cứ nhận bừa mình là nhà báo, dựng lên cái hội lấy tên nhà báo, gắn thêm vào đó hai chữ “độc lập” rồi sử dụng nó như một chiếc thùng rỗng kêu to trong cái vỏ bọc nhân quyền. 
 
Sau hơn một tháng kể từ ngày dựng lên tổ chức trái pháp luật gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, ngày 07/8/2014, người có tên Liên Sơn đã ngạo mạn viết trên Thời Báo Việt Nam (gọi là cơ quan ngôn luận của tổ chức trái pháp luật Hội Nhà báo độc lập Việt Nam) với nội dung sai sự thật và đầy xúc phạm. Liên Sơn viết: Hội nhà báo Việt Nam hiện tại với số hội viên khổng lồ đã và đang bị chịu sự chi phối của một nhóm người thuộc Ban Tuyên giáo, vậy hội đó độc lập kiểu gì? Tự do với ai?(trích nguyên văn). Từ đó Liên Sơn miệt thị: Báo chí Quốc doanh Việt Nam hiện nay đang gặp phải chứng bệnh nan y: Có tai- như điếc; có mắt-như mù; có miệng- như câm. Bệnh nan y này càng nặng hơn khi báo chí chạm vào các chủ đề thuộc lĩnh vực chính trị quốc gia trong đó bao gồm sự tham nhũng; sự lạm quyền trong hệ thống chính trị (trích nguyên văn).
 
Nói trắng ra, đây mới chính là căn bệnh nan y của những kẻ mạo danh nhà báo trong cái tự xưng là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Vì mắc phải chứng bệnh nan y đó, nên họ không nhìn thấy bao quát, toàn diện và sâu sắc mọi sự vật, hiện tượng; thêm vào đó, sự đa nghi cùng với những bất an về tư tưởng nên trong đầu họ lúc nào cũng chỉ nghĩ toàn điều xấu và phủ nhận toàn bộ những điều tốt đẹp vốn dĩ không bao giờ thiếu trong quy luật vận động của cuộc sống. 
 
Vì “có tai như điếc, có mắt như mù” nên họ không biết được sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong hơn 3 thập niên qua; chính xác là từ khi có bài báo “Những việc cần làm ngay” của NVL năm 1986. Họ đâu biết rằng, giới báo chí Việt Nam đã có hàng ngàn bài viết chống tham nhũng, tiêu cực, chống tham ô lãng phí, lạm quyền và các tệ nạn xã hội mà bằng chứng là nhiều vụ án tham nhũng, hối lộ được báo chí phát hiện, đưa ra ánh sáng công lý. Hàng ngàn bài báo bảo vệ quyền lợi và sự công bằng xã hội; và không thể kể hết những bài báo mang tính phản biện sâu sắc của mọi giới, mọi ngành và Nhân dân về các dự án, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
 
Vì “có tai như điếc, có mắt như mù” nên họ không nhìn thấy được sự phát triển của đất nước Việt Nam; sự ăn nên làm ra của Nhân dân Việt Nam; sự giàu có và thịnh vượng ở nhiều vùng nông thôn và phố thị được quốc tế đánh giá cao và ngay cả 2 đời tổng thống thống Mỹ đều phải dùng chữ “diệu kỳ” để ngợi ca. 
 
Vì “có tai như điếc, có mắt như mù” nên họ không nghe thấy rõ sự ca ngợi của các tổ chức quốc tế đánh giá cao về thành quả xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam cũng như sự rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn mà chỉ bằng trực quan thôi cũng không khó lắm để nhận diện điều này...
 
Vì “có tai như điếc, có mắt như mù” nên họ không nhận biết được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; không nhận thức được sự tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã được thế giới ghi nhận.
 
Cũng vì “có tai như điếc, có mắt như mù” nên họ không hề biết gì về hoạt động của báo chí Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ hai đầu biên giới. Ngày đó, với lượng thông tin dày đặc trên báo, đài đã làm sôi lên hào khí Việt Nam, giục giã các chàng trai lên đường ra tiền tuyến, giữ yên bờ cõi. Và mới đây, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa, báo giới Việt Nam đã đấu tranh mạnh mẽ khi Bắc Kinh xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
 
Nhóm người trong tổ chức trái pháp luật Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã dựa vào cái gì và tài giỏi hơn ai mà dám lên mặt chê bai 906 cơ quan báo chí, 95 báo điện tử và hàng ngàn trang tin điện tử, trên 17.000 nhà báo đã được cấp thẻ là “những con số vô hồn”. Nhóm người này đã quá ngớ ngẩn, nhận thức một cách què quặc khi nói rằng “chỉ đạo” là đồng nghĩa với “mất tự do báo chí”; “định hướng tuyên truyền” là “tước đi quyền tự do ngôn luận”... Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn lắng nghe những ý kiến trái chiều, nhưng phải trên tinh thần xây dựng, không thù địch. Đảng, Nhà nước khuyến khích báo chí chống tham nhũng nhưng phải đảm bảo trung thực, đúng sự thật với chứng lý rõ ràng, không được lợi dụng chống tham nhũng để chống Đảng, bài bác chế độ. Hơn 3 thập niên qua báo chí Việt Nam đã thực hiện rất tốt trách nhiệm của mình trên mặt trận này; nhiều vụ đại án đã được đưa ra xét xử, nhiều bản án nghiêm minh đã được thi hành.
 
CÁI KẾT CHO KẺ COI THƯỜNG PHÉP NƯỚC, XÚC PHẠM ĐẢNG, XÚC PHẠM NHÂN DÂN
 
Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về “Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền”. Trong khi dư luận rất hoan nghênh, coi đây là bộ giải mã vấn nạn chạy chức, chạy quyền; là “cái lồng cơ chế để nhốt quyền lực”, thì Phạm Chí Dũng – Chủ tịch cái gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam lại có nhìn ngược ngạo, xúc phạm Đảng, xúc phạm Nhân dân khi trả lời phỏng vấn trên BBC News Tiếng Việt ngày 25/9/2019 rằng: “Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị “sẽ gắn chủ yếu với vấn đề thanh trừng phe phái nhiều hơn là để làm trong sạch Đảng”… và “việc đưa ra quy định kiểm soát quyền lực không phải là vì cái chung để làm cho Đảng tốt hơn lên, mà chỉ để phục vụ cho những ý đồ cá nhân, mục đích cá nhân và đạt được quyền lực cá nhân trong các cuộc đấu đá phe phái”. 
 
Nói với Phạm Chí Dũng rằng: Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam từ lâu đã xác định “chạy chức, chạy quyền” là nguy hiểm nhất trong các loại chạy, nó để lại những hệ lụy lâu dài về tư tưởng, tham nhũng và làm thui chột hiền tài. Quy định này của Bộ Chính trị đã được Nhân dân cả nước và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.
 
Vậy mà Phạm Chí Dũng lại cho rằng Quy định 205-QĐ/TW nhằm mục đích thanh trừng phe phái, cá nhân, quyền lực cá nhân??? Phải chăng sự ngược ngạo trên xuất phát từ sự cay cú vốn dĩ là bản chất của một con người mang tư tưởng chống Đảng, chống Nhà nước; thiếu khách quan và hồ đồ trong nhận định đánh giá sự vật, sự việc, hiện tượng. Cũng vì thiếu khách quan, thiếu trung thực và hồ đồ nên Phạm Chí Dũng cố tình không biết cơ chế lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; dù là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng không thể đứng trên, đứng ngoài tập thể… Vì thiếu khách quan, thiếu trung thực và hồ đồ nên Phạm Chí Dũng đã quá vô cảm không nhận thức được rằng Quy định 205 của Bộ Chính trị đáp ứng những đòi hỏi của xã hội, là ý nguyện của Nhân dân. 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: Để đưa đất nước đi lên thì phải chọn lựa được cán bộ giỏi, không phân biệt vùng miền và "tìm người tài chứ không tìm người nhà", “nhân tài dù ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng”. Quan điểm và mục đích của Đảng khi ban hành Quy định 205 không gì khác hơn là loại trừ cho được những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, tạo sự công bằng trong trọng dụng người có đức, có tài, có tâm để phụng sự Tổ Quốc, phục vụ Nhân dân. Với cái nhìn lệch lạc, “trái với lẽ thường”, Phạm Chí Dũng đã lộ rõ bản chất xấu xa của một con người không muốn Đảng hoàn thiện; không muốn Nhà nước thanh liêm, chính trực; Nhân dân khá giả, quốc gia hưng thịnh, xã hội thái bình. 
 
Những nội dung trong loạt bài viết này chỉ là số ít trong những nội dung mà Phạm Chí Dũng đã tuyên truyền xuyên tạc trong thời gian qua. Cổng thông tin điện tử Bộ Công an ngày 21/11/2019 cho hay: Thời gian qua, Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự. Do đó, việc cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với Phạm Chí Dũng (sinh năm 1966; quê quán: tỉnh Đồng Tháp; thường trú tại 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cái kết xứng đáng dành cho kẻ coi thường kỷ cương, phép nước.
 
NHẬT MINH