(LĐ online) - Khi Đảng vì dân, dựa vào dân và khi lòng dân đã tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn thì không có trở lực nào cản nổi...
(LĐ online) - Khi Đảng vì dân, dựa vào dân và khi lòng dân đã tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn thì không có trở lực nào cản nổi. Đó cũng là bài học cơ bản nhất làm nên sức mạnh cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975
|
11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng của Dinh Tổng thống Ngụy (nay là Dinh Thống Nhất). Ảnh tư liệu |
Nam - Bắc sum họp một nhà
Theo sử liệu, những năm giữa thập niên 60 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đang bước sang giai đoạn ác liệt. Một mặt, đế quốc Mỹ thực thi chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng đội quân viễn chinh Mỹ và lính đánh thuê tiến hành các cuộc càn quét, hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; mặt khác, dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định nông thôn, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa 1965 đến hết 1967). Sau khi bị giáng đòn quyết định trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari. Tuy vậy, chúng không từ bỏ dã tâm xâm lược, chuyển sang thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng người Việt đánh người Việt; tăng cường đánh phá dữ dội bằng không quân và pháo binh, thực hiện chiến tranh hủy diệt và chiến tranh giành dân để làm suy yếu cuộc kháng chiến của Nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc.
Chiến trường Trị Thiên là nơi đã diễn ra các cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch lúc bấy giờ; trong đó, Quảng Trị là một trong những chiến trường khốc liệt nhất ở miền Trung. Làng quê tôi nằm ở vùng chiến sự giáp ranh địch - ta, ban ngày do chính quyền ngụy - cái gọi là “Chính phủ quốc gia” kiểm soát; ban đêm, lực lượng du kích và chính quyền cách mạng hoạt động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Bác Hồ và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi không thể nào quên những năm tháng ác liệt đó trong ký ức, khi không đêm nào là không có tiếng súng nổ và sự hy sinh; hàng trăm du kích, cán bộ ta đã bị địch phục kích sát hại. Ác liệt, hiểm nguy là thế nhưng những cán bộ kháng chiến của ta vẫn bám trụ kiên cường. Lòng dân vẫn luôn hướng về cách mạng, vẫn tìm mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, nuôi dấu, chở che, bảo vệ cán bộ cách mạng, du kích và bộ đội; không khuất phục trước sự đàn áp, kiểm soát gắt gao của kẻ địch; vững một niềm tin chờ đến ngày chiến thắng.
Rồi ngày đó cũng đã đến. Sau thắng lợi của cuộc tấn công và nổi dậy Xuân - Hè năm 1972 và chiến thắng Phước Long cuối năm 1974, tỉnh Quảng Trị và một vùng rộng lớn khu vực miền Đông Nam Bộ, Bắc Tây nguyên được giải phóng. Tiếp đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất; biến lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành sự thật: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn".
|
Ảnh minh họa |
Chính quyền do dân lập ra
Chính quyền cách mạng ở các địa phương miền Nam được thành lập. Tôi biết phần đông thành viên các UBND cách mạng lúc bấy giờ là những bộ đội, du kích, cán bộ hoạt động nằm vùng năm xưa, hay những người yêu nước đã từng chứng kiến và trải qua cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của dân tộc. Tuy họ chưa được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức lý luận chính trị bằng bây giờ, nhưng giữa sự sống và cái chết trong chiến tranh đã cho họ hiểu rất sâu sắc một điều rằng: Nhờ có dân chở che mình mới được sống, nhờ có dân mới còn mình, mới có mình. Vì vậy, họ nghĩ điều trước tiên là biết ơn dân; họ làm điều đầu tiên là chăm lo ổn định đời sống của dân, làm công bộc của dân đúng nghĩa. Cho dù cuộc sống nhiều cán bộ cách mạng bước ra từ trong chiến tranh vẫn chưa thể no đủ, nếu chưa nói là còn chật vật - vì họ cũng phải tiếp tục vừa cống hiến, vừa mưu sinh trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn. Nhưng hầu hết họ đều là những con người liêm chính, chí công vô tư, được Nhân dân và thế hệ chúng tôi hết sức tôn kính, coi đó là tấm gương sống về đạo đức để noi theo. Cũng không thấy họ tỏ ra so bì, ganh tị với lớp cán bộ đi sau khi thấy cuộc sống những người này hơn mình. Bởi vì họ nghĩ “con hơn cha là nhà có phúc”, họ chiến đấu, hy sinh cũng vì mục tiêu đất nước hòa bình, phát triển đi lên, người dân có cuộc sống ngày càng sung sướng, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, họ luôn có cảm quan của những con người chân chính, sớm nhận biết và cảnh báo đối với những dạng cán bộ sa ngã, biến chất, có dấu hiệu không trong sáng.
Thật đáng tiếc khi có không ít cán bộ, đảng viên kiêu ngạo, bỏ ngoài tai hoặc chỉ tiếp thu chiếu lệ những lời cảnh báo đó của lớp tiền bối. Họ đã không vượt qua được lằn ranh mong manh trong cuộc đấu tranh sinh tử chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" - mà lằn ranh đó “chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc” - Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII. Hệ quả là nhiều cán bộ sai phạm bị truy tố hoặc đang đứng dưới “thanh bảo kiếm” của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đó cũng là cái giá phải trả cho những ai sớm quên bài học xương máu: Nhờ có dân mới có mình.
Bài học về lòng tin
Khi Đảng vì dân, dựa vào dân và khi lòng dân đã tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn thì không có trở lực nào cản nổi. Đó cũng là bài học cơ bản nhất làm nên sức mạnh cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Ngày nay, xây dựng, hun đúc lòng tin vẫn là bài học sống còn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tin vào ai? Tin vào bản lĩnh chính trị và hành động của Đảng ta - một Đảng cách mạng chân chính, có đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên trung, trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với Nhân dân mà đỉnh cao sẽ là cuộc sàng lọc trí tuệ từ Đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới.
Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh: "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài”, Đảng ta đã và đang hành động rất quyết liệt để đối đầu, tuyên chiến với nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm và các tiêu cực khác đang làm suy yếu Đảng, đe dọa sự thịnh suy của quốc gia, sự tồn vong của chế độ; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Chúng ta còn nhớ cách đây 8 năm, tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI (10/2012), Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị đã thay mặt Đảng nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đến Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII (10/2017), với những quyết sách cứng rắn, không có vùng cấm, Tổng Bí thư và Đảng ta đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân "Đấu tranh, phòng chống tham nhũng không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà thành một phong trào, một xu thế, làm có bài bản". Thực vậy, chỉ tính từ năm 2016 - 2019, nhiều đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử; thi hành kỷ luật hàng chục ngàn cấp ủy viên và đảng viên sai phạm, trong đó, có 93 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sỹ quan cấp tướng). Điều đó cho thấy quyết tâm lớn của Đảng, vượt qua cái điều gọi là “đâu sẽ vào đấy” như tiền lệ lâu nay, lấy lại và cũng cố lòng tin của Nhân dân.
Phải thừa nhận, trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, có những lúc niềm tin của xã hội bị lung lay, thách thức. Nhưng không có cuộc đấu tranh nào mà không có mất mát, hy sinh. Điều cốt lõi nhất là Đảng tin dân, dân vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, bởi vì “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
ThS.NGUYỄN VÂN HẬU